ClockThứ Bảy, 21/01/2023 07:20

Huế, một chữ “mới” trong chữ “hoài”…

TTH - Đúng ba mươi năm trước (năm 1993) khi vận động cho Huế được là di sản văn hóa thế giới, trên poster với hình ảnh điện Thái Hòa chụp qua ô cửa hình chiếc khánh, UNESO đã để một slogan rất lạ bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp: Huế luôn luôn mới!

Người Nhật trải nghiệm văn hóa HuếLan tỏa giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa Huế đến từng học sinhTâm tịnh & lòng thành

Ngô Đồng bên thành Huế

Một Cố đô với sứ mệnh gìn giữ những quá vãng vàng son sao có thể “luôn luôn mới”? Nhưng cùng với thời gian, slogan ấy đã như một dự báo mang ý nghĩa biện chứng: Cách giữ gìn và tôn vinh quá khứ tốt nhất là luôn làm sống lại những giá trị văn hóa xưa cũ, đó cũng chính là sự “luôn luôn mới” của Huế mà những hội hè Festival gần một phần tư thế kỷ qua ngày càng chứng minh điều đó.

Huế không thể có một vùng khí hậu tuyệt vời như Đà Lạt, không có một thiên nhiên kỳ ảo như Hạ Long, không có những bãi biển mê hồn và thuận lợi như Nha Trang hay Đà Nẵng…, nhưng Huế có một gia tài văn hóa vô giá đủ sức níu lòng du khách khắp thế giới. Khi UNESCO công nhận Huế là di sản thế giới không có nghĩa chỉ công nhận những đền đài, cung điện, lăng tẩm trải qua hàng trăm năm kia. Bài thơ đô thị Huế chính là sự hòa quyện và tương hợp giữa phong cảnh và kiến trúc, sự giao hòa giữa thiên nhiên với con người… Tất cả đã tạo cho Huế một gia tài hương hỏa văn hóa. Và Huế luôn luôn mới từ chính gia tài thiên nhiên - văn hóa ấy.

Như dòng Hương giang, bao nhiêu thi ca nhạc họa đã viết về dòng sông này nhưng mỗi mùa hội hè đến sông Hương mang lại cho Huế những góc nhìn mới, mà nào phải là điều gì lạ lẫm: Hơn hai mươi năm trước, sông Hương được mới và đẹp từ một ảnh hình xưa cũ: tái hiện những chuyến đò ngang qua bến Thừa Phủ với nữ sinh Đồng Khánh thướt tha qua sông,  trình diễn áo dài trên cầu Trường Tiền, nhưng giờ đây chuyện trình diễn không còn là câu chuyện trong ngày lễ hội.

Chỉ dẫn hình ảnh cây cầu đi bộ gỗ lim duyên dáng mà hiện đại bên bờ Nam sông Hương, có ai đếm hết chỉ vài năm qua, đã có bao nhiêu triệu tấm ảnh nói theo ngôn ngữ cộng đồng mạng là “sống ảo” với hình ảnh cây cầu gỗ “sang, xịn, mịn” bên dòng Hương đã được post lên và bay đi khắp muôn trùng thế gian? Cây cầu chỉ là một ví dụ nhỏ trong câu chuyện kế thừa và phát triển, đó chính câu chuyện của “Huế luôn luôn mới”

Tôi nhớ có Festival nào đó, sông Hương đã được làm mới lại từ chính những ảnh hình và không gian xưa cũ, mà giờ đây, sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, nhắm mắt tôi vẫn hình dung được một quá khứ thanh bình bước ra trong buổi chiều xuôi thuyền từ lăng Minh Mạng về cồn Hến, khi hoàng hôn bắt đầu nhuốm lên dòng sông sắc màu tím rất riêng của Huế.

Cùng với màu chiều làm cái “phông thời gian”, không gian của sông Hương như được lùi lại thế kỷ 19, hôm ấy chúng tôi đã nhìn thấy bên bờ sông Hương một đoàn quan binh tuần thú với nhạc ngựa rung vang, “ngang lưng thì thắt bao vàng - đầu đội nón dấu vai mang súng dài”… Trong bóng chiều của núi đồi đổ xuống đoàn binh, không thể không cảm giác như mình đang lạc về cả trăm năm trước. Xuôi ngang làng Hải Cát, nhìn qua mái đình cổ kính, trên bến đình các bô lão áo dài khăn đóng đang thiết hương án đón đoàn ngự đạo trên sông trong âm thanh nhạc lễ và cờ xí tung bay. Khi trôi qua bãi biền xanh mướt sắc ngô của ngôi làng Ngọc Hồ, đối diện với đồi Vọng Cảnh chợt nghe trong không gian ngân vang giọng hò của những chị em trên chuyến đò dọc, tiếng hò đối đáp loang trên sông như một lưu ảnh của cuộc sống thái hòa bình yên xưa cũ thuở nào gạo trắng nước trong. Bóng chiều phủ lên bãi bồi phù sa Lương Quán, trên thảm cỏ ven sông, những đứa trẻ mục đồng tóc chỏm trái đào vắt vẻo trên lưng trâu véo von sáo trúc, hòa điệu với tiếng sáo diều trên thinh không, đêm dần buông xuống…

Cho dù tất cả chỉ dựng lại một không gian lùi hàng thế kỷ thì những lưu ảnh như hồi quang trên đôi bờ Hương giang vẫn neo vào tâm khảm tôi, một kiểu “xuyên không” trĩu niềm hoài nhớ mà vẫn mới mẻ lạ kỳ!

Một người bạn của chúng tôi, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - một người con xứ Huế đã có một bút ký rất hay về “Những đô thị - dòng sông”, bước chân lãng du của người kiến trúc sư đã đi qua những sông Seine, sông Potomac, sông Nil, sông Nheva hay Danube… gặp những đô thị sinh thành bởi những con sông ấy đã trầm tư với dòng sông quê nhà: “...dòng sông Hương của tôi giờ như đang vật lộn giữa di sản và phát triển, không biết ứng xử thế nào khi kinh tế là miếng mồi ngon mà cuộc sống đang khao khát. Sông Hương đang đứng ở ngã ba đường, giữ mãi nét thanh xuân lịch lãm, trầm mặc hay nhộn nhịp sầm uất? Trở thành dòng sông của ký ức hay của đồng tiền?” Những âu lo của anh không phải không có cơ sở, nhưng nếu biết làm cho Huế mới lên từ chính Huế thì làm sao có thể “đụng độ” giữa bảo tồn và phát triển? Dựng lại cả một ngày xưa trên đôi bờ để rủ rê du khách tìm về chẳng phải là làm cho Huế luôn mới mà vẫn “gìn vàng giữ ngọc cho hay/cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời” như những người con Huế tha hương vẫn trĩu lòng mê vọng...?

Viết đến đây tôi bỗng liên tưởng đến cuộc triển lãm tranh minh họa Kiều trên pháp lam Huế ở cung An Định trong dịp Festival hôm tháng Sáu vừa rồi. Nghệ thuật pháp lam, một kỹ thuật tráng men trên đồ đồng vô cùng độc đáo của các nghệ nhân Huế tưởng đã chìm quên nay hồi sinh và phát triển đa dạng. Sự hồi sinh của pháp lam qua những bức tranh Kiều tại cung An Định lại dẫn dụ tôi liên tưởng đến câu chuyện của chính nơi này: Mấy chục năm trước, khi cung An Định,  kiến trúc đẹp tuyệt tác ở Huế sau rất nhiều năm được biến thành nhà văn hóa Lao Động đã bị sơn phết hàng chục lớp vôi chồng lên những mảng tường vốn là những bức tranh, những họa tiết tinh xảo. Sau khi phát hiện ra điều này, được sự tài trợ kinh phí của Đức, một nhóm chuyên gia nước này đã phục hồi các bức tranh tường được coi là tuyệt tác của mỹ thuật Huế sau hàng chục năm bị lớp vôi chất chồng lên. Làm sao không xúc động được khi khẽ cạo bong hàng chục lớp vôi sau hàng chục năm im lìm phủ kín bỗng bất ngờ hiện ra những họa tiết lộng lẫy và tinh xảo vẫn còn khá nguyên vẹn trên tường. Điều đó dường như là một ngụ ngôn đầy sức khái quát với Huế!

Khi đôi bờ sông Hương dựng lại câu chuyện “xuyên không” với dấu thời gian lùi hàng thế kỷ, khi những bức tranh tường tuyệt đẹp hiện ra dưới màu vôi bạc phếch trên vách tường cung An Định, và bao nhiêu niềm Huế được vang lên trong vẻ đẹp hôm nay như chiếc cầu bộ hành để chiêm bái dòng sông… tất cả những điều ấy cũng là những thông điệp chứng minh cho cái slogan mà đúng 30 năm trước khi vận động cho Huế được là di sản văn hóa thế giới: Huế luôn luôn mới!

Bài: Lê Đức Dục

Ảnh: Bảo Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di tích Huế "hút" khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2/9

Hai ngày đầu của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Cố đô Huế đón hàng vạn lượt khách và hiện các điểm du lịch ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế vẫn nườm nượp du khách.

Di tích Huế hút khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2 9
Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp

Trân quý những tấm lòng hướng về di sản văn hóa Huế, Báo Thừa Thiên Huế kỳ này trân trọng giới thiệu những hình ảnh của tác giả Nguyễn Phúc Bảo Minh

Sưu tầm tư liệu di sản Huế từ Pháp
Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025

Khuôn viên Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế đang được cải tạo, chỉnh trang trở thành Quảng trường Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, nơi sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao xứng tầm quốc tế. Quảng trường này một khi đi vào hoạt động sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế cũng như nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của người dân.

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Return to top