Có bán trú, học sinh đến trường đầy đủ hơn
Buổi trưa của bọn trẻ nơi miền cao thật ấm cúng. Chúng thỏa sức “xin thêm chén nữa” mà chén nào cũng đầy ắp thức ăn. Bọn trẻ thì thầm bàn tán về món ăn hợp khẩu vị rồi nhoẻn miệng cười, bỗng nhiên tôi cảm thương đến lạ. Miên man nghĩ về bữa ăn hàng ngày của những học trò vùng dân tộc thiểu số, chưa chắc đã có cơm nóng, cá tươi như bữa ăn ở trường. Lân la một hồi với Tuấn, một học sinh lớp 2 mà người bé tí mới biết nhận định của mình là đúng. Gia đình em thuộc diện khó khăn của xã khi bố đau ốm, một mình mẹ gánh vác cho cả gia đình 5 người. Buổi trưa thường là buổi ăn ngon nhất của em trong ngày, còn chiều về nhà thì có gì ăn nấy. Thế nên, cu cậu trả lời rất hồn nhiên rằng, mình muốn được đến trường để được... ăn ngon.
Ở xã Thượng Quảng có đến 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, nhiều em sớm trở thành lao động trong nhà do sức học yếu, bố mẹ mải mê làm ăn không ai đưa đón. Con đường đến trường không còn gập ghềnh nhưng vẫn còn xa ngái lắm khi các em phải học một ngày hai buổi. Phụ huynh thường làm đủ nghề, cạo mủ cao su và thợ nề vẫn là công việc chính giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ đi làm xa, lại đi sớm về muộn nên việc đưa đón con gặp khó khăn. Đã có thời gian, giáo viên cứ thấp thỏm không yên khi các em nghỉ học giữa chừng, nhất là vào buổi chiều. Lượng kiến thức ngày càng nhiều, nghỉ học buổi nào, chương trình lại bị gián đoạn.
Vợ chồng chị Ngọc Sinh thường xuyên đến nấu ăn cho các em
Cứ nghĩ đến một ngày các em đi bộ 7 - 8km (4 vòng) sẽ không duy trì sĩ số học sinh đến lớp, trường bắt đầu lên kế hoạch vận động phụ huynh tự nguyện đến nấu cơm cho các em. Nhớ lại những ngày đầu tổ chức bán trú dân nuôi, thầy giáo Đặng Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Quảng, trải lòng: “Chúng tôi phải cử giáo viên đến từng nhà để vận động phụ huynh, tranh thủ ý kiến của già làng để thuyết phục họ”. Bếp ăn của nhà trường bắt đầu “đỏ lửa” từ năm 2015, UBND huyện Nam Đông cấp cho 20 triệu đồng để nhà trường mua bếp ga, nồi niêu, xoong chảo, chén bát... Qua một thời gian, số lượng phụ huynh đăng ký tự nguyện nấu ăn cho học sinh nhiều hơn, từ 20 người nay lên đến trên 50 người. Tuy nhiên, có nhiều người cho con học bán trú theo ngày, theo mùa vụ mỗi khi bố mẹ đi làm ăn xa. Con số này dao động khoảng 20 em. Cũng theo thầy giáo Thu, toàn trường có khoảng 10 em thuộc gia đình không có điều kiện cho con học bán trú, tuy nhiên, nhà trường đã “bảo lãnh” khi xin các nguồn tài trợ để đóng góp cho các em được ở lại. Lúc được vài tạ gạo, lúc ít chai nước mắm, cân đường… của các nhà tài trợ giúp các em đắp đổi qua ngày để tất cả đều có bữa ăn trưa đủ chất.
Có nhiều phương án để phụ huynh chọn lựa trong việc đóng tiền ăn cho các em. Mỗi suất ăn thường đóng 15.000 đồng/ngày. Người có tiền thì đóng theo tuần, khó hơn thì con ăn bữa nào mẹ đóng bữa nấy. Bữa nào mưa gió, bố mẹ không làm thêm được, xin đóng 10.000 đồng/ngày cũng được phụ huynh chấp thuận. Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng thầy hiệu trưởng, có chị ngập ngừng trình bày với thầy, xin cuối tháng mới đóng tiền ăn cho con, thầy vui vẻ đồng ý. “Hàng tháng, mỗi giáo viên đều đóng 15.000 đồng/người vào quỹ Hội Chữ thập đỏ của trường. Nguồn quỹ này dùng để hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc tạm ứng cho các em mượn để đóng tiền ăn cho hội phụ huynh”, thầy Thu chia sẻ.
Nhờ có nhiều “đầu bếp” nên bữa ăn của các em đa dạng. Với 15.000 đồng/suất, bữa ăn của học sinh miền núi đủ chất khi nhiều phụ huynh biết vun vén, tính toán nên các em lại có bữa ăn no, ngon miệng. Những lúc rỗi, phụ huynh lại ra suối, nương bắt con cá, hái thêm mớ rau, trái bầu, trái bí... đem đến trường để những phụ huynh khác nấu cho các em ăn. Có gia đình thì hai vợ chồng đến nấu, nhiều nhà thì bà nội, bà ngoại phụ giúp. Gặp chúng tôi, chị Dụng Thị Ngọc Sinh, phụ huynh có con học lớp 1, cùng chồng đến nấu ăn cho các em chia sẻ: “Mọi người ai cũng háo hức đợi đến phiên mình để nấu ăn cho các em. Trong vòng 3 năm, mỗi người đảm nhận hơn 20 lần vào bếp để các em có bữa trưa ấm bụng. Thực đơn chúng tôi đều sử dụng thực phẩm cây nhà lá vườn nên thức ăn vừa rẻ, lại ngon. Có người còn đem thêm thực phẩm ở nhà nên bữa ăn của các em luôn chất lượng. Khi còn dư tiền, hội phụ huynh đồng thuận cải thiện bữa ăn cho các em vào dịp cuối tuần”.
23 nhân viên trong trường từ thầy hiệu trưởng đến bảo vệ đều tự nguyện luân phiên nhau ở lại buổi trưa cùng các em. Từ mô hình này, học sinh thường xuyên tiếp xúc trò chuyện với giáo viên (ăn và ngủ trưa tại lớp với cô giáo) nên các cháu đã nâng cao khả năng phát âm tiếng Việt. Mặt khác, phần lớn các cháu đã bỏ được thói quen sử dụng tay bốc thức ăn, biết rửa tay sạch sẽ, biết mời cô giáo và bạn bè trước lúc ăn nên nhiều phụ huynh cứ muốn con mình được bán trú tại trường. Cô Nguyễn Thị Hà, cán bộ văn phòng của Trường tiểu học Thượng Quảng, người trực tiếp theo dõi bữa ăn của học sinh trong trường cho biết: Kinh phí đóng góp, chất lượng bữa ăn do phụ huynh đảm nhận. Tuy nhiên, nhà trường quản lý về khâu an toàn thực phẩm, lưu lại mẫu thức ăn và lên thực đơn để phụ huynh tham khảo.
Giờ học thể dục của học sinh Trường tiểu học Thượng Quảng
Chuyện học trò không đến lớp đã không còn xảy ở Trường tiểu học Thượng Quảng khi trường có cách làm khá hay. Đa số đồng bào đều không sử dụng điện thoại nên mỗi sáng giáo viên đến lớp sớm trước 10 phút. Khi thấy học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, có một “đội quân” gồm 7 người, từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng, những người không đứng lớp sẵn sàng đến từng nhà để chở các em. “Có em bố mẹ đi làm sớm, các em ngủ quên. Lúc đó, chúng tôi đến nhà cho các em ăn sáng rồi chở đến lớp. Những em đau ốm thì kịp thời đem đi khám ở trạm xá. Miễn các em học tốt, không bỏ tiết, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em bằng mọi cách…”. Thầy giáo trẻ Phan Văn Đông kể.
Tận mắt chứng kiến con trẻ lớn lên từng ngày, học hành tiến bộ, bố mẹ không còn bỏ việc để về lo cho con ăn như trước nên hầu hết 230 học sinh tiểu học tại Thượng Quảng đều có nhu cầu đăng ký cho các em ở lại bán trú. Do đây là mô hình bán trú dân nuôi nên nhà trường âu lo, mỗi khi mở rộng ra chắc chắn phụ huynh kham không nổi, trong khi thuê cấp dưỡng nấu ăn và trả lương cho họ lại là chuyện không dễ, vì liên quan đến vấn đề tài chính, sẽ rất khó thực hiện ở một xã định canh, định cư thuộc vùng sâu khó khăn như Thượng Quảng.
Bài, ảnh: HUẾ THU