ClockThứ Sáu, 02/06/2023 16:23

Làng

leftcenterrightdel
 

Ngày còn nhỏ, cứ nghe được về làng là vui náo nức. Bởi lúc đó, làng còn là một chốn xa xôi, có ruộng lúa mênh mông và trời xanh cao tít. Là nơi được lẽo đẽo theo chân lũ bạn khoèo từng trái duối vàng hươm hay nhổ từng bụi riềng dại tóp tép nhai để thấy cả một bầu trời hè cao xanh mát dịu. Ở đó, năm học vỡ lòng, còn là đứa nhỏ thấp lé đé được đứa lớn cõng qua con khe nước dềnh lên sau mưa lớn để len vào những lùm bụi quanh miếu làng hái trái móc ăn đến tím lưỡi... Là những lúc xin cô giáo cho ra ngoài giữa buổi học để giải quyết việc riêng tư cấp bách không trì hoãn được. Vài ba lớp nhỏ nằm xa trường chính, "nhà vệ sinh" là truông cát mênh mông phía sau nhiều nắng gió mọc đầy những khóm dứa dại và sim, móc. Tha thẩn đến cả giờ đồng hồ cho cái nhu cầu lẽ ra chỉ cần mấy phút, lại là cả một trời thú vị của lũ học trò con nít trường làng.

Lũ con nít đó giờ đã lên chức ông bà, da mồi tóc bạc, phiêu lãng tới rải rác những nơi xa nhưng lòng vẫn luôn neo đậu về một bờ bến quê nhà. Rồi đem thương nhớ vào từng khoảnh khắc đời thường, đưa màu tre màu chuối làm xanh từng góc vườn, góc sân. Hương quới, hương mộc thơm bồi hồi chốn phố những ngày có gió se se chuyển mùa...

Thành phố mở rộng, vói tay ôm nhiều vùng lân cận để nở nang hình hài vóc dáng. Làng từ đó đã bắt đầu mang hơi hướm phố, nhưng vẫn giữ được nét quê với nhiều cây xanh và hoa lá bốn mùa. Người làng cù đày vất vả để cố gắng trang trải cho con cháu bắt nhịp được với các nhu cầu sinh hoạt hiện đại. Nếp quê tằn tiện, vun vén gọn gàng vẫn còn ở đâu đó nơi cái om kiềng tận dụng rơm rạ, lá khô sau vườn, nơi cái lu hứng nước mưa cuối hiên nhà hay đầu chái bếp...

Cuộc sống chạy đua với tốc độ của những nhu cầu tiện nghi hiện đại đã khiến người ta nhiều lúc thấy cần phải đứng lại để thư thả sống chậm, để thèm hít thở một không gian xanh mướt trong lành của làng. Người ta thích được lặng nhìn cái cách đi đứng, nói năng, làm lụng của người làng. Bắt đầu ngày mới cùng tiếng gà và trở về trong tiếng chim chao chát bóng chiều hôm. Tiếng trẻ con cười đùa ngoài sân, tiếng gàu khua bên thành giếng, và mâm cơm làng nhiều rau dưa đậm đà sẽ là sự khoái khẩu kết thúc cho một ngày đã quần quật không ngơi tay.

Người làng ít bận tâm chuyện chợ đò, trừ những ngày được gọi là "có việc". Quanh vườn một loáng là có cái đầy tay, đầy rổ. Tươm tất hơn thì thêm có con vịt, con gà. Mưa tới, dọc hói, dọc bàu có thêm được mớ cá cấn, cá mại hay cá lúi đầy bụng trứng. Và, những gian bếp nhà lại sực ấm mùi cá kho với nhiều ớt, lá ném, lá gừng trong cái lạnh đầu mùa đang còn ngập ngừng lảng vảng trên khói vườn quyện hương cau, cả mùi rơm rạ và mùi phân trâu bò...

Người làng thích nói chuyện, và quen nói to, cười lớn. Cũng là chuyện trâu bò, giỗ chạp, cưới xin... Làng trên xóm dưới đều thuộc nhẵn tên và mặt người, cả con cháu nội ngoại, dâu rể trong làng. Cho nên việc đứng đầu làng mà hỏi tìm nhà, tìm người ở tận góc xóm nào cũng dễ dàng, có khi còn được sốt sắng dẫn đến tận nơi.

Người làng thích chia sẻ thương yêu, thích xóm giềng gần gũi, thân mật. Tuy hiện có một số nhà cổng ngõ đóng khóa hẳn hoi, nhưng hầu hết nhiều nhà cửa cổng trong ngoài vẫn bỏ ngỏ, khi chủ ở nhà cũng như đi vắng. Xóm giềng ngó mặt nhau cả đời, có chi mà sợ! Cho nên mưa gió lụt bão, vẫn nghe tiếng kêu í ới để chạy ra, nhận mớ rau củ từ hàng xóm mà lòng ấm áp vui cũng là... chuyện bình thường ở làng. Có việc rời làng đi thăm viếng ai đó thì chọn con gà, con cá to nhất bầy, nải chuối cũng ngon nhất buồng mới yên lòng. Nhà vườn ăn cau sâu..., để phần thơm thảo cho người là vậy.

Quanh năm cắm mặt vào đất vườn ruộng trưa, người làng ngày ấy và bây giờ vẫn thế, ước mơ bình dị không vượt quá tầm xa sau lũy tre làng. Nhưng niềm tin vào trời đất tổ tiên thì tuyệt đối trân trọng. Xuân thu nhị kỳ hay hội làng lễ xóm, lại sửa sang quét dọn đền miếu, lại khăn đóng áo dài lâm râm khấn vái với tất cả lòng thành trong khói nhang phảng phất, cũng chỉ xin được bình an để nuôi dạy cháu con thật tốt, đem về tiếng thơm vẻ vang cho làng.

Giản dị và mỏng manh chỉ vậy thôi, nhưng sợi dây mỏng manh vô hình đó đã níu giữ được giềng mối cộng đồng làng xóm mãi mãi là gốc gác truyền đời, là nơi xuất phát của mỗi một ai đó dù còn lam lũ, nhọc nhằn hay đã thành danh hiển đạt và đi khắp muôn nơi...

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Về làng “check-in”

Để quảng bá cảnh đẹp, thêm điểm vui chơi, giải trí, một số làng quê đầu tư cảnh trí đón khách về “check-in”.

Về làng “check-in”
Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2: Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”

Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1938, quê ở vùng ven biển Cảnh Dương thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thoát ly năm 1960. Trước khi lên chiến khu, ông mang tên: Nguyễn Văn Chiến. Giải thích lý do ông Nguyễn Thanh Hiếu xâu lỗ tai, ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cha mẹ tôi sinh 6 người con. Do 4 người con đầu toàn gái, sợ khó nuôi nên khi sinh anh Chiến (tức Hiếu), mạ tôi cho bấm lỗ tai.

Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2 Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”
Return to top