ClockThứ Bảy, 15/01/2022 05:58

Làng nghề hối hả vào mùa tết

TTH - Những ngày cận kề Tết Nhâm Dần 2022, nhiều làng nghề truyền thống chuyên sản xuất, cung ứng các mặt hàng cho thị trường tết đang hối hả vào vụ mùa lớn và sôi động nhất năm. Dù bị ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh, nhưng có thể cảm nhận được không khí tết rộn ràng, cận kề ở những làng nghề khắp nơi của Huế từ nghề làm hương trầm, hoa giấy, mứt gừng…

Mùa hoa“Lỡ hẹn” với “Chợ quê ngày tết”Vắng khách mua vé tàu Tết Nhâm Dần

Dù ít nhiều ảnh hưởng dịch nhưng làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn sôi động. Ảnh: Đức Hiếu

Làng hương trầm Thủy Xuân nằm trên đường dẫn lên đồi Vọng Cảnh vốn là làng nghề nổi tiếng, đón rất nhiều du khách xa gần ghé lại để tham quan, trải nghiệm. Nhưng ít ai biết rằng, mùa chính của làng nghề này là những tháng cận kề Tết Nguyên đán và cao điểm là tháng Chạp. Dọc theo tuyến đường đi qua làng nghề này, không khó để bắt gặp phía trước nhà dân là những “đóa hoa hương” với đủ loại sắc màu được bày biện, trang trí đẹp mắt. Sau những sắc màu đó, những người làm nghề tất bật với rất nhiều công đoạn để cho ra từng que hương đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tiếng cười nói rộn ràng của một vài du khách cùng với tiếng phát ra từ những chiếc máy làm hương như làm cho không khí nơi này trở nên vui nhộn. Thi thoảng, một vài mối lấy hàng đến đặt hàng. Nhiều người làm hương trầm ở Thủy Xuân cho biết, nghề truyền thống làm quanh năm, nhưng thời điểm cận kề tết, công suất tăng hơn theo nhu cầu của người mua.

Vừa nâng niu những que tăm hương tròn đều, có mùi hương dễ chịu, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết – một người làm nghề lâu năm cho biết, hầu hết các “mối” đặt hàng là khách quen, tiểu thương ở các chợ lớn quanh TP. Huế và các vùng lân cận. Ngoài lượng hương đặt hàng hàng tháng, dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán, nhu cầu người dùng cao nên số lượng đặt hàng cũng tăng theo.

“Tùy từng loại mà giá bán mỗi bó, hộp khác nhau, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Những tháng cuối năm, lượng hàng sản xuất tăng 30-40% là chuyện thường”, bà Tuyết chia sẻ trong lúc tranh thủ trời tạnh ráo, đưa hương ra phơi. Cũng như bà Tuyết, những người dân sản xuất hương trầm ở Thủy Xuân cho rằng, đây là mặc hàng phục vụ đời sống tâm linh nên người sản xuất phải làm bằng cái tâm, sao cho hương trầm phải vừa sạch, vừa thơm.

Làng hương Thủy Xuân những ngày cuối năm hối hả với những đơn hàng vụ tết 

Nhờ vậy mà thương hiệu hương trầm Thủy Xuân không chỉ dừng lại thị trường trong tỉnh mà còn được xuất đi nhiều nơi khắp trên cả nước, với sự hài lòng nhất định của người dùng. Bà Tuyết kể thêm, những ngày này nhận rất nhiều đơn hàng từ các tỉnh phía Nam, hầu hết trong đó là người Huế xa quê đặt hàng. “Có người ở tận Vĩnh Long, Bình Phước cũng gọi ra đặt. Có mấy hôm hàng nhiều, tui phải thức đêm để làm cho kịp”, bà Tuyết hồ hởi.

Cũng sôi động không kém đó là nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, ở phía hạ nguồn sông Hương thuộc xã Phú Mậu, TP. Huế. Làng nghề này vốn nổi tiếng, với hàng chục nghìn cặp hoa mỗi dịp tết và là sản phẩm được người dân xứ Huế ưa thích, mua cúng bàn thờ tổ tiên mỗi dịp tết đến, xuân về. Trải qua hàng trăm năm, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đến nay vẫn còn được dân làng lưu giữ và quá đỗi thân quen đối với đời sống tâm linh của người dân Huế.

Những ngày giữa tháng Chạp, không khí tết ở làng Thanh Tiên đến sớm hơn mọi nơi, bởi sắc màu lung linh của các loại hoa giấy được bày biện phía trước mỗi hiên nhà. Đây cũng là thời điểm mà rất nhiều du khách, các tay máy nhiếp ảnh chuyên lẫn không chuyên, các đoàn làm phim ghé thăm làng hoa giấy trứ danh hơn với khoảng 300 năm tuổi.

Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: hoa ngũ sắc để cúng trên bàn thờ ngày tết, và hoa sen để trưng bày phòng khách. Mỗi cặp hoa ngũ sắc có năm loại, đó là hoa mai, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa lan, hoa tường vi. Ngoài ra, trên chính giữa mỗi cặp hoa đều phải có một quả ớt màu đỏ tươi và một nhánh lá lúa được làm từ tre nhuộm xanh tượng trưng cho ruộng đồng, nông sản.

Đang tất bật tạo hình cho những cành hoa giấy, anh Nguyễn Hiếu ở làng nghề hoa giấy Thanh Tiên thừa nhận, dịch bệnh đã ít nhiều ảnh hưởng các làng nghề nói chung và nghề làm hoa giấy của gia đình anh nói riêng, số lượng hoa giấy năm nay được gia đình anh cho ra thị trường giảm đi đôi phần.

“Năm nay gia đình mình sản xuất khoảng 4.000 – 5.000 cặp. Giá trị trường, 10.000 đồng/cặp, nếu người ta mua sỉ sẽ giảm”, anh Hiếu nói và cho hay, thời điểm này nhiều người tới lấy hoa giấy để đi bán dạo ít hơn các năm về trước.

Bên cạnh việc bán hoa theo cặp, nhiều quán cà phê, công ty lữ hành du lịch… cũng đặt những cây hoa với hàng trăm cặp hoa để trang trí. Dù ít hay nhiều, niềm đam mê với nghề truyền thống cũng luôn thôi thúc gia đình anh Hiếu cũng như bà con làm nghề hoa giấy ở làng Thanh Tiên cần mẩn với mùa được xem là sôi động nhất năm.

Không chỉ làng nghề hoa giấy, hương trầm, mứt gừng… nhiều làng nghề tết bắt vụ chậm hơn như bánh chưng, bánh tét nhưng cũng đang rục rịch đỏ lửa. Một mùa tết nữa lại về, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đâu đó cũng cảm nhận được sắc xuân đã hiện diện ở các làng quê.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
"Chắp cánh" cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa

Sau 2 ngày diễn ra Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề do Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Hương Trà phối hợp tổ chức tại công viên trung tâm thị xã, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương có thêm cơ hội để vươn xa...

Chắp cánh cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa
Hối hả mùa thu hoạch củ sen

Vừa có nguồn thu từ hoa, hạt sen, người trồng sen xã Vinh Thanh (Phú Vang) còn khấm khá nhờ củ sen năm nay được mùa, được giá.

Hối hả mùa thu hoạch củ sen
Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân

Vùng đồi Thủy Xuân, TP. Huế nổi tiếng với những ngôi chùa cổ như Từ Hiếu, Đông Thuyền, Bảo Lâm, Châu Lâm, Diệu Nghiêm... Lạc bước vào chốn mây gió tiêu diêu với nhiều rặng thông vi vu trên những sườn đồi này, vào buổi sớm tinh mơ hay khi hoàng hôn về, nghe trong gió tiếng chuông chùa ngân vang và cả những tiếng mõ đều đều từ những cánh cửa chùa vọng lại. Chợt thấy lòng êm dịu và thanh thản lạ thường.

Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân
Hối hả vụ mít

Mới sáng sớm, những quả mít vườn còn nguyên nhựa cuống đã xuất hiện tại chợ Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc). Không phải từ những khu vườn của vùng bãi ngang ven biển, những quả mít này đều đến với chợ thông qua các tay buôn chuyến tận vùng cao Nam Đông.

Hối hả vụ mít

TIN MỚI

Return to top