ClockChủ Nhật, 20/09/2020 10:48

Một chiếc ghế vẫn chờ ông nơi quán cà phê quen…

TTH - Sáng sớm, vừa lướt qua FB, tôi sững người không tin vào mắt mình khi thấy anh Trần Bá Đại Dương thông tin chuyên gia nhà rường Dương Đình Vinh đã dừng cuộc dạo chơi nơi trần thế.

Ông Dương Đình Vinh. Ảnh: L.M. Diệu

Bất ngờ quá, bởi chỉ mới đây thôi, tôi vừa uống cà phê với ông ở quán Tùng Phong trước Tòa Tổng Giám mục Huế. Không ngờ, đó là lần cuối cùng được gặp ông. Dẫu vẫn biết năm nay ông đã bước vào lứa tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng sự ra đi đột ngột của ông vẫn không khỏi khiến nhiều người hẫng hụt, bàng hoàng…

Nghe tên và biết mặt từ lâu, nhưng tôi chỉ mới thực sự tiếp xúc với ông Vinh từ đầu năm 2012 khi thực hiện một phóng sự về nhà rường. Với phóng sự ấy, không thể không tìm gặp ông, bởi ông là chủ nhân vườn Ngự Hà – Một khu nhà rường tuyệt đẹp tại Huế, và cũng bởi từ lâu cái tên Dương Đình Vinh đã vang danh khắp nơi như một chuyên gia hàng đầu về nhà rường. Sau bận ấy, tôi trở thành bạn vong niên với ông. Thỉnh thoảng gặp nhau cà phê, dăm cốc bia lạnh, hoặc có khi được mời rượu vang ngay tại vườn Ngự Hà…

Ông dáng người đô con, nghệ sĩ, nhưng hiền lành, khiêm cung và hết sức chân tình với mọi người. Rất nhiều lần nói chuyện về đề tài nhà rường, khi nêu nhận xét của nhiều người cho rằng ông là người đã có công lớn trong việc “cứu” và làm sống dậy thú chơi nhà rường Huế… Ông đã giãy nãy mà bảo rằng, cái đó là nhờ công lao báo chí, chính báo chí mới làm sống dậy vẻ đẹp của nhà rường, lan tỏa cái thú chơi nhà rường cho nên mới cứu nhà rường khỏi nguy cơ mai một, chứ ông thì “chẳng tài cán chi”.

Ngôi nhà rường ông Vinh dự định hiến tặng để làm đền thờ tại Phú Quốc. Ảnh: HK

Về cơ duyên đến với nhà rường, ông Vinh hồi tưởng, khoảng những năm đầu thập niên 1980, từ TP. Hồ Chí Minh về Huế thăm quê, bất chợt ông bắt gặp những ngôi nhà rường bị hư hỏng, bị chủ nhân tháo bỏ và vứt lăn lóc hoặc cho vào lò đun... Không thể cầm lòng, ông bỏ tiền gom về, nghiền ngẫm nghiên cứu, học hỏi để phục chế nó. “Mỗi ngôi nhà đều như một chứng nhân lịch sử. Sưu tập một ngôi nhà rồi phục chế nó, tìm hiểu nó qua lời kể, qua xin đọc gia phả… đến khi ngồi trong ngôi nhà đó, nhìn màu gỗ hằn dấu tháng năm mình như nghe ngôi nhà kể chuyện, mình như thấy nhiều cuộc đời đã đi qua với bao thăng trầm, buồn vui thế thái nhân tình... Thú vị lắm.”- Ông như “nhập đồng” khi nói đến nhà rường. Và vì say mê như vậy, có đến hàng trăm ngôi nhà rường đã được “hồi sinh” từ tay ông.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn từng nhận xét: Có thể có ý kiến này, ý kiến khác, nhưng ở một góc độ nào đó, cần phải cảm ơn những người như ông Vinh. Họ có điều kiện tài lực và có niềm đam mê nên đã bỏ công tìm kiếm, sưu tập, chọn lựa, phục chế… Không có họ, có lẽ không ít những ngôi nhà quý của Huế đã vĩnh viễn vùi chôn vì mục ruỗng hoặc “hóa thân” trong những bếp lò...

Điều làm tôi thú vị là ông không bao giờ quá cứng nhắc, quá “nệ cổ” với nhà rường. Theo ông, nhà truyền thống nhưng phải tiện dụng, bảo tồn nhưng phải thích nghi, phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nhà rường phải làm cho những người sống trong đó phải cảm thấy thoải mái, yêu thích thì mới có thể tiếp tục mang sứ mạng là “mái ấm chở che” cho các thế hệ, thế nên cứ mạnh dạn nghiên cứu mà “đưa hiện đại vào”. Ông nói hào sảng: “Vô đụng cột ra đụng cột là do diện tích quá nhỏ, nay mình mở lòng căn cho nó rộng ra, ngôi nhà sẽ thoáng. Mở rộng chừng nào thì cột, kèo phải cao, phải đổ ra sao đều có tỷ lệ tương ứng, đừng sợ chuyện “tuỳ tiện”. Mặt sàn có thể lát đá, chẳng hại gì hết, màu trắng của đá không chỉ làm cho ngôi nhà sạch sẽ mà còn tôn thêm vẻ đẹp của các cấu kiện gỗ. Xưa không có điều kiện nên cha ông mình không lát đó thôi, nay vật liệu phong phú, không việc gì không lát. Ngay một số công trình trong Đại Nội như lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), Duyệt Thị Đường…nếu để ý, ta sẽ thấy cũng đã bắt đầu được lát gạch men cả, đó là do sau này đã có vật liệu mới từ Pháp chở sang. Rồi công trình vệ sinh, thiết bị hiện nay rất hiện đại, mình có thể nghiên cứu bố trí nó vào một góc hợp lý mà không sao cả…”.

Bạn bè quây quần hát cho ông nghe đêm cuối cùng trước khi đưa ông trở về với đất Mẹ. Ảnh: HK

Ông Vinh thường trải lòng với tôi cùng nhiều bạn bè ông rằng, vì ông không có con cái cho nên ông chả mưu cầu gì hết, chỉ muốn góp chút gì đó hữu ích cho quê hương, cho đất nước, cho văn hóa Việt là ông cảm thấy thỏa nguyện. Có lẽ vậy cho nên thỉnh thoảng ông lại có những ý tưởng khiến nhiều người giật mình đến “sởn gai ốc” vì cảm động. Tôi đã từng “sửng sốt” khi nghe ông đề nghị mỹ nghệ đất nước phải quay về với bản sắc Việt. Ông bảo, làm nghề lâu năm, ông thấy hình ảnh chạm khắc trên đồ mộc mỹ nghệ, trên bình phong, phù điêu, tranh tượng… ở xứ ta hầu hết đều lấy điển tích của Trung Quốc cả. Cả ngàn năm rồi và gần như mặc định. Đập vào mắt là Quan Thánh vung đao, Thần đồng vấn Khổng Tử, Điểu sào Thiền sư, Kết nghĩa vườn đào,... Đất nước mình không hiếm những điển tích hay và cực kỳ ý nghĩa. Tại sao ta lại không sử dụng mà cứ phải vay mượn? Như chuyện Lưu Bị “tam cố thảo lư” cầu Khổng Minh ra giúp vốn trở thành mô típ được chạm khắc khá phổ biến. Lưu Bị 3 lần đến lều tranh cầu Khổng Minh lúc ông ta chưa được nước. Còn Nguyễn Huệ khi đã có trong tay tướng mạnh binh hùng, uy danh lừng lẫy khắp thiên hạ cũng đã 3 lần hạ mình mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước thì còn cao hơn một bậc. Chưa kể, còn hình ảnh nào đẹp hơn khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tự tay cởi áo, nấu nước thơm tắm cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, dẹp mối bất hòa riêng để chung lo việc nước? Gì đẹp hơn hình ảnh Lê Lai liều mình cứu chúa; Ức Trai Nguyễn Trãi hân hoan múa bút viết Đại cáo bình Ngô? Mỹ thuật của mình sao lại không khuếch trương?... Nói là làm, Dương Đình Vinh đã tiên phong cho khảm bức Trúc Lâm Đại Sỹ xuất sơn đồ và bức Hội nghị Diên Hồng để đưa vào triển lãm tại một hội thảo Mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014 với khát vọng góp phần khơi dậy ngọn lửa bản sắc Việt cho mỹ thuật nước nhà.

Ông cũng từng rủ tôi lên Nguyệt Biều cho xem ngôi nhà rường thật đẹp được ông chăm chút và hứa tặng cho tỉnh Kiên Giang để mang ra đảo Phú Quốc làm đền thờ vua Gia Long, người có nhiều “duyên nợ” với vùng đất Kiên Giang - Hà Tiên - Phú Quốc; và thờ hơn 500 thường dân của đảo Thổ Chu đã bị quân Polpot sát hại dã man đầu năm 1975. Đó là công trình đáp ứng tâm nguyện của người dân huyện đảo. Ông nghĩ đó sẽ là “cột mốc vĩnh cửu” của biển đảo quê hương. Một cột bê tông dù có lớn mấy dựng lên vẫn có thể bị hủy hoại. Nhưng một ngôi đền thờ, khi đã bén rễ vào tâm thức, trở thành chốn linh thiêng của người dân thì không ai và không bao giờ có thể phá được. Nói “cột mốc vĩnh cửu” là vì vậy… Tiếc là do “vướng víu” khách quan, tâm nguyện của ông còn chưa thực hiện được thì ông đã lặng lẽ đi xa…

Ngày 16/9/2020, rất đông người thân, bạn bè đã tiếc thương tiễn ông về với đất mẹ. Bạn bè vẫn dành một chiếc ghế chờ ông nơi quán cà phê thân quen mỗi sáng, như ông vẫn hiện hữu. Nhưng tôi biết, trong tôi, trong anh, và trong nhiều người khác nữa là một khoảng trống không dễ bù đắp…

DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh

Sau hơn 20 năm mỏi mòn chờ đợi, đầu tháng 11/2024 ngôi nhà rường cổ đầu tiên trong số 21 nhà tại phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế được khởi công tu bổ, chống xuống cấp để trả lại nguyên bản nhà rường cổ Huế, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị hướng tới phát triển du lịch - dịch vụ ở phố cổ Bao Vinh.

Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh
Bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh - Kỳ I: Nhà rường cổ… “kêu cứu”

Nhà rường cổ Bao Vinh nói riêng và phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế nói chung là tài sản quý góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa. Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh là việc làm cấp bách nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh - Kỳ I Nhà rường cổ… “kêu cứu”
Hỗ trợ 45,2 tỷ đồng bảo tồn nhà vườn, rường xứ Huế

Nhà vườn xếp loại 1 được hỗ trợ 1 tỷ, loại 2 là 800 triệu đồng và loại 3 là 600 triệu đồng. Đó là một trong những nội dung nằm trong “Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” vừa được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua chiều 8/12 tại Kỳ họp thứ V.

Hỗ trợ 45,2 tỷ đồng bảo tồn nhà vườn, rường xứ Huế
Return to top