ClockThứ Ba, 17/08/2021 14:27

Mùa hè bận rộn

Lan tỏa yêu thươngThêm 20 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh

Là bạn nói khi cứ thất hẹn mãi cuộc gặp kỳ nghỉ hè năm nay. Mấy năm trước, hè là thời gian bạn thảnh thơi nhất. Thỉnh thoảng nhận dạy vài cháu mất căn bản, thời gian còn lại bạn dành đi chợ nấu cơm ngày ba bữa, chở con đi học thêm và ra quê thắp hương cho bố mẹ chồng. “Năm nay dịch giã liên miên, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay hễ cứ có ngày rảnh là tui đi nấu ăn ở khu cách ly. Mà nói “nấu ăn” cho sang vậy chứ toàn nhặt rau, làm cá, xắt thịt thôi. Việc nấu nướng có các anh bộ đội lo rồi. Họ giỏi lắm, nấu ngày cả ngàn suất ăn mà đâu ra đó, sạch sẽ, tươm tất lắm”, bạn kể về niềm vui mới trong mùa hè này.

Mấy ngày đầu đăng ký đi nấu ăn ở khu cách ly có mấy chị hàng xóm bảo làm vậy lỡ “dính dịch” thì sao? Bạn giải thích, khu nấu ăn cách xa khu cách ly, riêng biệt hoàn toàn, đi vào cửa này, ra cửa kia, không tiếp xúc với người phục vụ bên trong khu cách ly nên nguy cơ rất thấp. Hơn nữa, ai cũng ý thức chấp hành 5K, luôn đeo khẩu trang, găng tay, sát khuẩn... Ban đầu họ cũng bán tín, bán nghi lắm. Thế rồi họ thấy bạn ngày nào cũng dậy từ sớm, chuẩn bị đồ ăn sáng và sơ chế bữa ăn trưa cho chồng con rồi đi phục vụ ở bếp ăn khu cách ly, vậy là có chị xin đi cùng. Dần dần có thêm mấy chị xung quanh cũng tình nguyện góp một tay. Bây giờ thì ngoài hàng xóm, rất nhiều giáo viên nữ trường bạn cũng tranh thủ tuần vài buổi đến khu cách ly hỗ trợ sơ chế món ăn, chia phần thức ăn. Ai nấy cũng tất bật và chuyên nghiệp khi chia sẻ hình ảnh trên facebook.

Một người quen của tôi làm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bảo, khi Tỉnh hội kêu gọi, vận động chị em tham gia nấu cơm phục vụ các khu cách ly, họ khá bất ngờ vì nhận được rất nhiều sự chung tay. Không chỉ có phụ nữ mà thanh niên, đàn ông cũng chung sức. Một số nơi cũng có các cháu học sinh cấp 2, 3 cũng giúp sức với thầy cô, bố mẹ. Các cháu cũng hào hứng, bởi có thêm hoạt động, trải nghiệm mới mẻ trong những ngày hè đặc biệt này.

Đồng nghiệp của tôi thì nhắn gửi, sẵn sàng hỗ trợ chở hàng tiếp tế cho khu cách ly trong những ngày cuối tuần, bởi “không muốn thất nghiệp” trong hai ngày nghỉ - anh tếu táo... Người khác thì “ới” bên này, “xin” bên kia để các chuyến xe chở thực phẩm thiết yếu hỗ trợ tuyến đầu chống dịch nặng hơn, nhiều hơn. Và, điều mà tôi thấy, sau những lời kêu gọi đó, họ không chỉ có nhiều hàng hoá hơn mong đợi mà quan trọng hơn, còn có nhiều hơn những “người bạn” facebook chưa một lần gặp mặt nhưng luôn muốn được cùng hành động.

Còn rất nhiều sự hỗ trợ khác nữa của người dân, các tổ chức, đoàn thể... cho các lực lượng tuyến đầu và người cách ly từ đầu mùa dịch đến nay. Điều đó cho thấy, công cuộc chống dịch luôn có sự đồng hành của tất cả các thành phần trong xã hội, chỉ khác là mỗi thời điểm có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trước đây thì hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Sài Gòn khi địa phương này thực hiện giãn cách xã hội. Bây giờ khi lượng người Huế từ các tỉnh về địa phương nhiều hơn, sự hỗ trợ cũng chuyển hướng tương ứng để người về quê cách ly nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất.

Dù lực lượng tuyến đầu có nhiều, có khoẻ đi chăng nữa thì sức người cũng có hạn, nhất là khi những đợt dịch cứ kéo dài tháng này qua tháng khác. Nhiều người trong số họ đã nhiều tháng chưa được về nhà, chưa thấy mặt con, mọi gánh nặng lo toan đành phải nhờ vợ/chồng hoặc người thân gánh vác. Họ cũng cần lắm, mong lắm những tháng ngày bình yên để cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật. Thế nên, sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp trong xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 luôn cần thiết, nhất là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Nếu không đóng góp bằng tiền của, công sức thì ít nhất, mỗi người cũng nên đóng góp bằng tính tự giác, ý thức cao trong việc chấp hành những quy định phòng, chống dịch của Nhà nước, Bộ Y tế, tỉnh...; để những bữa cơm gia đình luôn đầm ấm, đầy đủ thành viên, để những đứa trẻ thôi không phải ôm ba mẹ qua màn hình điện thoại, tivi và để những giọt nước mắt ly biệt vì COVID-19 không còn lăn trên gương mặt người ở lại...

 Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao "Mái ấm niềm tin" cho phụ nữ nghèo

Sáng 5/5, Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN xã Hương Phong tổ chức khánh thành và bàn giao Mái ấm niềm tin cho bà Trần Thị Đí, thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong.

Bàn giao Mái ấm niềm tin cho phụ nữ nghèo
Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Return to top