|
|
Với những người lao động trực tiếp bên ngoài trời, nắng nóng trở thành nỗi ám ảnh |
Thời tiết nắng nóng như thiêu đốt trên cả nước nói chung và Huế nói riêng những ngày qua đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Vất vả nhất có lẽ là những người phải làm việc trực tiếp bên ngoài trời, dưới cái nắng nóng khủng khiếp.
Có thời điểm nắng nóng cao điểm, ngoài trời nền nhiệt xấp xỉ 40 độ C, những người lao công vẫn phải dùng khăn trùm kín mặt để lao theo công việc, căng mình mưu sinh.
13h một ngày tháng 5, trời nắng nóng, đường phố vắng bóng người, chị Nguyễn Thị Thu (TP. Huế) mồ hôi tầm tã, miệt mài trên chiếc xe đạp di chuyển khắp nẻo đường với tiếng rao thu mua ve chai. Phía sau chiếc xe đạp cồng kềnh của chị đã chất đủ loại từ bịch nhựa, sắt vụn… “Biết là trời nắng nóng nhưng vẫn cố tranh thủ đi thêm một vài vòng nữa, thu mua thêm vài ký đồ rồi còn kịp về giao hàng cho đại lý thu gom”, chị Thu nói.
Gần qua cái tuổi 50 và có thâm niên hơn chục năm đạp xe khắp nẻo đường để thu mua ve chai, thời tiết có lẽ là trở ngại lớn nhất với chị và những người làm nghề này. Chị kể, thời tiết Huế khắc nghiệt, khi mưa thì như trút nước, khi nắng thì chẳng khác gì đổ lửa. “Những năm gần đây, mùa mưa khủng khiếp hơn, còn nắng thì ôi thôi rồi, khỏi nói. Nắng từ trên trời đổ xuống, nóng từ dưới đất bốc lên. Nhưng công việc của mình chẳng còn cách nào khác, phải thích nghi và chịu khó”, chị Thu chia sẻ.
Cứ như thế, để kiếm một ngày vài chục đến hơn trăm nghìn đồng, người phụ nữ ấy bất kể thời tiết đạp xe vài chục cây số, qua không biết bao nhiêu hẻm kiệt, phố phường. Những ngày nắng nóng đầu mùa, chị Thu “trang bị” cho mình áo khoác dày kín, chân đeo tất cao và khẩu trang chỉ chừa cặp mắt. Phía trước giỏ xe bao giờ cũng có bịch nước mát. “Cứ rứa rồi đạp, đi tới đâu mệt thì nghỉ, thường thì tìm những gốc cây lớn có bóng mát để ngồi cho lại sức rồi đi tiếp”, chị Thu kể về những ngày "vượt nắng" của mình.
Cũng như chị Thu, những phận đời mưu sinh ngoài trời dù đối mặt với nắng nóng, nhưng đã gắn với nghề nên đã trở thành thói quen và phải học cách thích nghi. “Năm sau lại nóng hơn năm trước. Đặc biệt cái nắng đầu mùa luôn khó chịu và dễ khiến người ta sốc nhiệt nhất”, anh Hoàng Công, thợ hồ người Phú Vang nói với giọng vừa thở dài, vừa tỏ vẻ kinh nghiệm.
Công việc thợ hồ, đảm nhận nhiều công trình xây dựng bên ngoài trời và chỉ phù hợp với mùa nắng nóng nên đó như là mặc định. Người đàn ông thân hình vạm vỡ, da ngăm đen ấy bảo rằng, mùa nắng là cao điểm của xây dựng, vì thế đó cũng là niềm vui nhưng cũng là nỗi ám ảnh. “Nắng lên là thời tiết lý tưởng nên phải chạy đua để hoàn thiện các công trình kịp tiến độ trước khi mùa mưa tới. Nhưng làm thợ xây mùa nắng nóng thì đúng là khủng khiếp, người toát mồ hôi ướt chẳng khác gì tắm, có ngày mệt mỏi, đuối sức”, anh Công than thở. Để đối mặt với nắng nóng, anh và nhóm thợ của mình thường tranh thủ đi làm sớm vào buổi sáng và nghỉ muộn và chiều tối.
Những ngày nắng đỉnh điểm, mấy anh em thay phiên nhau để từng người có thể vào bóng mát trú lấy sức. “Miễn sao ngày phải làm đủ 8 tiếng, đảm bảo tiến độ công trình theo hợp đồng”, anh Công nói tiếp.
Những ngày nắng nóng oi bức cũng là thời điểm mọi người ngại ra đường, thay vào đó thường đặt đơn hàng ăn uống qua ứng dụng. Điều này đồng nghĩa các shipper phải bận rộn và vất vả hơn ngày thường.
Vừa nhận một đơn hàng cơm từ đường Duy Tân qua đường Phan Bội Châu (TP. Huế), Nguyễn Phú, 27 tuổi - một shipper công nghệ, chưa kịp nghỉ liền nhận được đơn hàng đồ uống khác, vì thế phải tất tả ngược xuôi giao cho khách. Phú kể, chỉ vừa vào đầu mùa nóng, lượng đơn hàng mỗi ngày đã tăng gấp đôi, có ngày còn hơn thế.
“Cao điểm vẫn là vào buổi trưa, hầu hết là đồ ăn và thức uống. Người đặt chủ yếu là dân văn phòng”, Phú nói và cho biết, bất chấp nắng nóng tranh thủ chạy để có thêm thu nhập. Đơn hàng nhiều vì thế có ngày bữa ăn trưa của Phú phải dời lại sang… 3h chiều, dưới tán cây xanh bên hè đường. Giữa cái nắng oi, hơi nóng từ mặt đường phả ngược nhưng Phú vẫn nửa thật nửa đùa “đôi khi cũng là cơ hội để mưu sinh”, nắng nóng nhưng thu nhập tăng cũng chấp nhận.
Bài, ảnh: N. MINH