ClockThứ Bảy, 13/05/2023 16:01

Mưu sinh trên ngọn dừa

TTH - Trải qua nhiều lần sinh tử với nghề, đến nay gần xấp xỉ tuổi 60, ông Hồ Đình Dũng (xã Hương Thọ, TP. Huế) vẫn còn gắn bó với công việc mưu sinh trên ngọn cây. Với ông, còn sức khỏe, còn leo được cây thì vẫn còn theo nghề hái dừa.

Nhãn ngự vào mùaBờ rào hoa nở

leftcenterrightdel
Ông Dũng trên một ngọn dừa 

Ráp dụng cụ leo dừa vào thân cây, vắt sợi dây thừng lên vai, tay cầm cây rựa, ông Dũng thoăn thoắt leo lên cây dừa cao chót vót. Gần 60 tuổi, nhưng ông có vẻ rắn rỏi chắc khỏe, mỗi động tác đều nhanh nhẹn, dứt khoát. Khi ông vừa an vị trên đọt dừa, cũng là lúc gió từ sông kéo về vườn, khiến ngọn dừa cứ chao nghiêng như múa lượn. Gió dường như chẳng ảnh hưởng gì đến tâm trạng của ông nhưng lại khiến người nhìn thót cả tim.

Trong bóng nắng vàng ươm rớt đầy trên cây, chiếc áo đen ông đang mặc dường như chìm nghỉm trong màu xanh của lá. Xoay tới xoay lui trên ngọn cây một lát đã thấy buồng dừa được ông cột vào dây thừng, từ từ thòng xuống đất. Bà Võ Thị Việt (xã Hương Thọ, TP. Huế) chủ vườn dừa ngồi sẵn trước hiên nhà, lật đật chạy ra mở dây, sau đó lại lật đật bước vào hiên vì sợ dừa rụng trúng.

Bà Việt có hàng dừa trước nhà gồm 5 cây. Mỗi lần dừa đến kỳ thu hoạch là bà lại ngóng bóng dáng ông Dũng ngang qua làng. Hàng dừa trước nhà bà có tuổi đời trên 30 năm. Hồi cây còn thấp, bà còn dùng sào tre để hái. Theo thời gian, cây mỗi ngày mỗi cao, bà chỉ còn biết chờ ông Dũng đến thu hoạch. Những khi ông Dũng không ghé qua làng, bà đành để mặc dừa già đi, khô rồi rụng, rất nguy hiểm. Không chỉ có bà Việt, mà hầu như những vườn có trồng dừa như vườn bà Minh, ông Đặng đều ngóng ông Dũng mỗi khi dừa đến lứa thu hoạch.

Ông Dũng cho biết, địa bàn hái dừa của ông trải dài từ các xã Hương Thọ, Bình Thành, Bình Điền lên đến A Lưới. Dừa hái xuống, ông chỉ việc chở đến các chợ gần kề, hoặc các quán nước quanh khu vực để tiêu thụ. Ông Dũng không nhớ mình đã theo nghề hái dừa từ năm nào, nhưng chắc cũng hơn 25 năm nay. Từ cái hồi những cây dừa ở các làng xã ông đến hái vẫn còn thấp, thì giờ đã cao chót vót đến 15 - 20 mét.

Vợ chồng ông Dũng theo nghề nông, nên công việc hái dừa không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng cũng góp phần giúp ông trang trải cuộc sống, phụ vợ nuôi các con khôn lớn. Ông kể, thời hoàn kim trong nghề hái dừa của ông là những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, những chiếc thuyền rồng còn nườm nượp chở khách đến tham quan các lăng Gia Long, lăng Minh Mạng nơi vùng quê ông sinh sống. Những hàng quán lúc ấy khi nào cũng tấp nập khách, và nước dừa luôn được khách ưu tiên lựa chọn.

Theo ông Dũng, nghề hái dừa suốt ngày phải leo trèo chót vót trên cây nên ít người làm. Phải là người có sức khỏe dẻo dai, không sợ độ cao mới có thể theo được. Mưu sinh giữa lưng chừng trời với nhiều vất vả và nguy hiểm, nên nếu không yêu nghề khó mà gắn bó với công việc. Nhiều năm theo nghề trèo cây, ông Dũng hái cau, hái dừa, đôi khi còn trèo lên các ngọn lim, ngọn sến tỉa cành thuê. Nhiều lần gặp nạn, rớt từ trên cây xuống tưởng mất mạng, nhưng rồi khỏe lại, ông lại vác đồ nghề đi khắp nơi hái dừa.

Đi kèm với công việc trèo cây hái dừa, bao giờ ông Dũng cũng kiêm luôn công việc làm cỏ dừa giúp chủ nhà. Ông nói, dừa phải được dọn sạch bùi nhùi, mo nang, chặt các bẹ hư gãy để ngọn dừa trống trải, thì lứa sau mới đậu nhiều quả. Chủ nhà thường chuẩn bị sẵn những lon muối hạt bọc trong vải để ông đặt trên ngọn dừa nhằm trị nấm và các côn trùng gây hại. “Mình làm cỏ dừa sạch, lứa sau cây cho nhiều trái, chủ vườn được lợi mà mình cũng tăng thêm thu nhập”, ông Dũng cười tươi rói, mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt khi vừa tụt xuống từ một ngọn cây, chuẩn bị chất dừa lên xe chở đi bỏ cho quán.

Mỗi quả dừa hái xuống, ông Dũng trả cho chủ vườn 7 nghìn đồng. Ông bỏ mối lại cho quán 10 nghìn đồng. Có nhiều ngày chăm chỉ trèo cây, có khi ông kiếm được tiền triệu.

Bây giờ con cái đã khôn lớn, cuộc sống cũng ổn định hơn xưa nhưng nghiệp leo dừa như đã vận vào thân. Dù con cái nhiều lần ngăn cản, nhưng ông Dũng vẫn chưa chịu bỏ nghề. Ông nói đến ngày nào đó, tay không còn đủ mạnh để ôm cây, chân không còn đủ vững để trèo cây, ông sẽ từ bỏ công việc đã gắn bó với ông suốt cả nửa đời người. Nhưng bây giờ, còn sức thì vẫn còn làm. Bởi lao động đôi khi không phải vì tiền, vì mưu sinh, mà còn vì tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống.

Bài, ảnh: LƯ TIỂU YẾN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm chỉ mưu sinh

Mời khách vào ngôi nhà khang trang vững chắc, vợ chồng chị Trần Thị Bé và anh Trần Văn Quang (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) nở nụ cười nhẹ nhõm khi kể về những năm tháng vượt qua những chông chênh để phát triển kinh tế.

Chăm chỉ mưu sinh
Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh

TIN MỚI

Return to top