ClockChủ Nhật, 25/07/2021 06:01

Nhãn ngự vào mùa

TTH - Hàng trăm cây nhãn bên trong Đại Nội Huế đang mùa cho trái tuyệt ngon. Từng chùm nhãn được người hái nâng niu ngay từ trên ngọn cây trước khi đưa ra ngoài, trong sự chờ đợi háo hức của người mua. Nhãn Huế vốn đã nức tiếng, thì nhãn được trồng bên trong hoàng cung còn khiến người ta mê mẩn với vị ngon khác biệt, theo kiểu dân gian hay nói: “ăn ngậm mà nghe”.

Hàng cây nhãn bên trong Đại Nội cho trái trĩu quả

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi theo chân một nhóm người vào bên trong hoàng cung để hái nhãn. Bước qua khỏi cửa Hoà Bình, không gian thoáng mát, nhiệt độ giảm vài ba độ, khác hẳn so với tiết nắng nóng bên ngoài. Nhìn từ xa, đâu đâu cũng thấy rõ những chùm nhãn chín rực vàng từ dưới thân cho đến những cành cao chót vót.

Vàng rực nhãn ngự

Men theo những con đường dẫn lối vào các điện, cung bên trong Đại Nội, nhãn được trồng ngăn nắp, hàng lối không chỉ cho bóng mát, mà còn cuốn hút bởi sự trĩu quả. Do ảnh hưởng của dịch, vì thế khách thưa vắng. Khi chúng tôi vào, chỉ có một vài vị khách cùng với những người hái nhãn đang tất bật với công việc “trên không”, từ cây này sang cây khác. 

Việc trèo hái cũng rất công phu, tránh rơi rụng, hư hỏng

“Năm nay nhãn được mùa, nhưng tiếc là khách thưa vắng, nên có lẽ sẽ bán chậm hơn so với những năm trước”, anh Dương Văn Lợi – người “trúng thầu” vựa nhãn năm nay bên trong Đại Nội Huế vừa nói, vừa dẫn chúng tôi tham quan hệ thống cây nhãn quanh hoàng cung. Đi đến đâu, anh Lợi với tay hái cho chúng tôi thử từng trái nhãn ở đó. Với kinh nghiệm hơn 20 năm chuyên đi “đấu” nhãn khắp nơi, anh bảo rằng trái nhãn Huế nói chung và trái nhãn Đại Nội năm nay nhỏ hơn, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, dù nhỏ mấy đi chăng nữa thì cái vị nhãn ấy tuyệt nhiên không thay đổi. Bởi lẽ, trái nhãn Đại Nội bao giờ cũng có vị ngọt thanh đặt biệt, thớ cơm không quá dày cũng không quá mỏng, có độ dòn ướt vừa phải.

Sau một hồi lòng vòng khắp Đại Nội, anh Lợi đưa chúng tôi đến tuyến đường dẫn lối vào cổng Hiển Lâm Các, nơi có nhiều người được anh thuê hái nhãn. Chỉ một đoạn ngắn, nhưng khu vực này có rất nhiều nhãn được trồng theo hàng lối, bên trên cành trái đan xen lẫn nhau. Để hái được những chùm nhãn sao cho trọn vẹn, không bị rơi rụng, mất thẩm mỹ, người hái phải là dân sành sỏi, kinh nghiệm. Cũng tuỳ theo chiều cao, tuổi của cây, người hái sẽ dùng thang hoặc trèo lên trực tiếp.

Vũ, chàng trai ngoài 30 tuổi, đang đu trên những thân cây nhãn để “hạ giải” quả ngon trong chốn hoàng cung từ trên cây cao với miệng xuống, đùa rằng để có những bao nhãn chở ra ngoài bán không hề đơn giản.

“Đâu phải ai cũng thấy cảnh ni mô. Đu như khỉ, cả ngày”. Với kinh nghiệm được thuê hái nhãn gần chục năm nay, Vũ kể, với những cây rậm rạp, có thể dùng thang, dựng thẳng, dựa vào tán cây để leo lên hái, một số cây khác phải trèo trực tiếp. “Hái được ngang đâu cho vô bao ngang đó. Những chùm nằm ở nhánh xa phải dùng khèo. Thật nhẹ tay, nếu không rụng xuống đất hết, tiếc lắm – Vũ nói tiếp – Đầy bao nào sẽ dùng dây thả nhẹ xuống đất bao đó”.

Cứ thế, mỗi ngày đội quân hái nhãn của anh Lợi hái được chừng 400 – 500kg, giá mỗi ký tầm 40.000 đồng. Hái được bao nhiêu, anh Lợi cho người chở ra bên ngoài để vợ mình bán ở các tuyến đường quanh khu vực Hoàng thành. Bán trong chốc lát là hết. Người mua đứng chờ, có người điện thoại đặt trước. “Ngoài ăn, người ta còn mua để thờ cúng, gửi tặng bạn bè phương xa”, anh Lợi cho hay. Theo anh Lợi, nếu không bị ảnh hưởng của dịch, ngay khi vừa hái xuống rất nhiều du khách vào thăm quan Đại Nội mua ngay tại chỗ, hái không kịp bán.

Vị ngon khác biệt

Dù kinh nghiệm và có nhiều năm “đấu thầu” nhãn trong Đại Nội, nhưng như lời anh Lợi không thể thống kê được số lượng nhãn ở chốn này. Ngày nay chủ yếu lấy bóng mát là chính, vì thế trái của các cây cũng không đồng đều. Nhưng vì số lượng quá nhiều, nên thời gian hái kéo dài… cả tháng.

Nhãn Đại Nội được bày bán trên đường Đặng Thái Thân, TP. Huế

Theo một số nhà nghiên cứu, cũng như các chuyên gia cây xanh, nhãn xưa của Huế nói riêng và bên trong Đại Nội nói chung chủ yếu là giống từ nhãn quý Hưng Yên tiến vào. Từ trong Đại Nội, nhãn được vua cho đưa ra trồng ở bên ngoài các phủ hoàng thân, hoàng tử, công chúa, quan viên ở Kinh đô và tồn tại cho đến ngày nay.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho hay, trong 143 năm Huế là Kinh đô của triều Nguyễn, tất cả những gì hay, đẹp, từ con người, văn hoá, kể cả những loại cây trái ở các vùng miền trên cả nước đều quy tụ về Kinh đô. Vì lẽ đó mà ngày nay, có thể thấy rằng Huế còn tồn tại rất nhiều loại trái cây các miền, đặc biệt là bên trong Đại Nội. Cứ thế, nối tiếp từ đời này sang đời khác.

Trong đó, nhãn là một loại cây đặc biệt. Dù được hình thành trên vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như Huế, nhưng bản thân nó đã chống chọi với những bất lợi của thiên nhiên để tạo nên những trái ngon, quý dẫu cho năng suất, mùa vụ không như vùng miền khác. “Khí hậu khắc nghiệt nên việc chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng một khi cây đã phát triển tốt sẽ kết tinh, ra hoa, đơm trái, tạo nên đặc sản độc đáo, tuyệt vời. Thậm chí, độc đáo hơn nguyên gốc của loại cây trái đó trước khi đưa về Kinh đô”, ông Dũng lý giải.

TS. Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, việc trồng cây trái trong cung ngày xưa ra sao được tính toán rất kỹ lưỡng. Lối kiến trúc Cung đình Huế là kiến trúc cảnh quan, vì thế các vua nhà Nguyễn đã cho sưu tầm rất nhiều loại cây cỏ quý hiếm từ mọi miền đất nước đưa về trồng trong hoàng cung. Trong số đó, các vua nhà Nguyễn rất thích nhóm cây đa dụng, đặc biệt trong số đó là cây ăn quả. Bởi lẽ, cây ăn quả không chỉ tạo bóng mát mà còn có thể lấy gỗ, và cho trái để ăn theo mùa.

Trong rất nhiều loại cây được các vua ưa thích có vải, mít, xoài và nhãn. Vì thế có thể thấy rõ nhãn được trồng nhiều quanh các di tích và tồn tại cho đến ngày nay. “Nhiều và ngon nhất vẫn là nhãn được trồng bên trong Đại Nội, đặc biệt nhất là nhãn trồng ở khu vực điện Phụng Tiên. Vì thế, mới có câu ca dao: “Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu”, ông Sơn giải thích và nói chắc nịch, vị nhãn ở đây ngọt thanh, vị ngon khác biệt hoàn toàn so với nhãn các vùng miền khác. Tuyệt vời hơn, nhãn Đại Nội nếu kết hợp với sen trắng hồ Tịnh sẽ tạo nên món chè “danh bất hư truyền”.

Với sự độc đáo, đặc biệt đó, ông Sơn cho biết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có phương án nhân giống để trồng ở một số trục đường, các khu vực điện thờ… để vừa tạo cảnh quan, bóng mát, đồng thời lưu giữ giống quý này. Ngoài ra, tiến đến nhân giống đưa ra ngoài để người dân có thể trồng, không xa tạo nên một sản phẩm đặc biệt của vùng đất Cố đô với thập khách phương xa.

Những ngày này, ngoài nhãn Đại Nội, nhãn ở các vườn Huế cũng được thu mua và bày bán, nhiều nhất trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng. Anh Lê Minh Tâm, người chuyên mua nhãn Huế ở các vườn cũng như các công viên nói rằng, tuỳ vào năng suất từng cây mà “cáp” giá, khoảng chừng từ 1 – 3 triệu/cây.

“Có cây chỉ thu hoạch được vài chục ký, nhưng có cây gần hai trăm ký. Nói chung cũng tùy mùa. Việc cáp giá, đặt cọc tiền cũng phải được lên kế hoạch sớm, nếu không sẽ bị người khác hớt tay trên”, anh Tâm nói. Theo kinh nghiệm của anh, sau khi “cáp” giá thành công, phải thường xuyên lui tới vườn, công viên để coi kiểm. Khác với nhãn bên trong Đại nội, nhãn trồng bên ngoài vườn dân giá tầm 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Nhãn vườn Huế “cáp” giá 1-3 triệu đồng/cây

Ngoài thương hiệu nhãn Đại Nội, nhãn Huế được trồng ở nhiều nhà dân, trên một số tuyến đường phố Huế cũng đang vào mùa thu hoạch. Không khó để bắt gặp cảnh hái nhãn trong những ngày này ở một số vườn nhà dân.

Theo quan sát của nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, bên cạnh một số cây nhãn được trồng trong vườn, nhiều ngôi nhà xưa cũng rất tinh ý trong việc chọn trồng nhãn ở trước cổng, hình ảnh đó vẫn còn rất nhiều. Thường những gia đình đó cho trồng hai cây nhãn và xem là cửa ngõ, dẫn lối ra vào. “Khi trồng, người ta không mấy quan tâm đến việc năng suất, thu hoạch. Ngoài tạo bóng mát, gia chủ còn nghĩ đến việc tạo một điểm dừng chân để khách bộ hành qua lại dừng chân. Tôi cho đó là nét nhân văn”, ông Dũng nói.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di sản thời số hóa

Ứng dụng công nghệ số đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả.

Di sản thời số hóa
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường

Người dân và khách du lịch khá thích thú khi từ ngày 25/8, UBND TP. Huế tổ chức thí điểm tuyến xe đạp vào sáng Chủ nhật hàng tuần từ khung giờ 6h30 - 7h30 tại 4 tuyến đường quanh Đại Nội Huế. Hoạt động này nhằm góp phần xây dựng hình ảnh Huế là đô thị xanh, thân thiện và an toàn, đồng thời quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường.

Quảng bá điểm đến gắn với gìn giữ môi trường
Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

Trong không gian Viện Pháp Huế, số 1 Lê Hồng Phong, nhà văn viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Bernard Werber đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng khán giả cố đô và giới thiệu hai tác phẩm tâm đắc của ông: “Bộ Ba Kiến" và "Chiếc hộp Pandora".

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách
Return to top