|
Chị Bé vừa ngơi tay bên bãi rác |
Nhiều năm gắn bó với bãi rác
Vào buổi trưa mới đây, có mặt tại bãi tập kết rác tạm (TDP Châu Sơn, P. Thủy Châu, TX. Hương Thủy), tôi không hình dung nổi khi gặp nhiều phụ nữ xấp mặt với ruồi nhặng, đào xới tìm kiếm những thứ có thể bán được để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Chị Lê Thị Bé (44 tuổi) mặt mày đen đúa, áo quần đẫm mồ hôi có vẻ ngại ngùng nhìn khách khi vừa nghỉ tay. Chị Bé cho biết, trước đây chị làm “thợ đụng”, trong đó có cả đi phụ hồ. Thế nhưng công việc bấp bênh, không đủ nuôi cơm gia đình, chị tìm đến các bãi rác ở trên địa bàn TX. Hương Thủy để lượm ve chai, túi ni-lông bán cho các chủ thu mua phế liệu đến nay đã gần 7 năm.
Uống vội chai nước đặt cạnh chiếc xe máy nằm bên lề đường, chị Bé nói, mỗi ngày, tầm 8 giờ sáng bắt đầu có mặt ở các bãi rác, tìm kiếm bao ni-lông, ve chai đến khoảng 3 giờ chiều. Công việc tuy nhọc, hôi hám nhưng chị vẫn phải làm để kiếm thu nhập nuôi gia đình vì nếu không làm thì không biết làm nghề gì. Chồng chị thất nghiệp, con đông, lại trong tuổi ăn học nên gia đình luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, nhất là thời điểm vào đầu năm học.
Vừa phân loại đống đồ nhựa nhặt được, chi Bé nói: “Chú thấy đó, chẳng có nghề nào bẩn bằng nghề bới rác này đâu, nhiều lúc dẫm phải thủy tinh, kim tiêm đứt tay, đứt chân là chuyện bình thường. Nhưng cũng không phụ nó, bởi mỗi ngày nếu nhặt nhiều, sản phẩm thu về bán cũng được 150-200 nghìn đồng. Có tiền để trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành”…
Trưa nắng nóng hơn, mùi của rác bốc lên nặng hơn, chị Hoàng Thị Phố vừa ngơi tay chia sẻ, bản thân không có việc làm, chồng không được nhanh nhẹn nên mọi việc trong gia đình đều do một mình chị gánh vác. Khi chưa làm nghề nhặt ve chai, túi ni-lông ở bãi rác, chị Phố làm đủ nghề, ai gọi gì cũng làm.
“Đây là năm thứ 6 tôi làm nghề này. Nhà đông con nên tôi không thể đi làm xa và hơn nữa, do chữ nghĩa không nhiều, bản thân chẳng có nghề ngỗng gì nên đành phải sống nhờ rác. Ban đầu theo nghề đào xới rác, chồng con can ngăn nhưng lâu dần cũng quen. “Nghề này không gò bó thời gian, không ai quản lý, cũng chẳng sợ mất lòng ai. Khổ cái là hôi quá, nhiều khi thời tiết nắng nóng là không chịu nổi”, chị Phố thực lòng.
Bệnh tật rình rập
Những người “kiếm cơm” bằng nghề bới rác dù biết vất vả, nguy hiểm nhưng họ vẫn cần mẫn mưu sinh năm này qua năm khác. Đối với họ, hôi thối, mệt nhọc, nguy hiểm hầu như đã quá quen thuộc, họ phải chấp nhận để được cái chữ cho con, miếng cơm, manh áo cho gia đình.
Chị Phố cho hay, chị em làm ở đây đều có hoàn cảnh như nhau, vì cuộc sống nên phải như vậy. Trời mưa thì không đều lắm nhưng khi trời tạnh, họ gắn với bãi rác bình quân mỗi ngày 6-7 tiếng và nếu hôm nào gặp “rác ngon” bụng dạ vui ham việc nên chiều tối mới về đến nhà. Rồi có những hôm quần quật với những đống rác suốt ngày, gặp mưa giông là về nhà lại lơ cơm.
“Hầu như ai làm ở đây điều bị viêm phổi, viêm xoang rồi dạ dày, tôi cũng không ngoại lệ. Có một lần tôi bị ngất trên đống rác do trời nắng nóng cộng mùi hôi thối từ đống rác. Nhờ lần đó tôi về khám mới biết mình bị viêm phổi, nhưng rồi chỉ xin ít thuốc về uống chứ không chữa trị gì vì không đủ tiền” - chị Phố nói.
Bác tài xế chuyên chở rác từ các nơi về tập kết ở TDP Châu Sơn, Thủy Châu nói, các bãi rác không ngày nào thiếu vắng mấy chị, mấy o. Mình là người chở rác, ngồi ở cabin xe mà cũng ngán ngẩm với rác huống hồ chi mấy chị, mấy dì đầu tắt, mặt tối với rác, với ruồi nhặng hôi hám…
Trước những mối đe dọa, bệnh tật chực chờ nhưng vì cuộc sống, hầu hết những người này phải chấp nhận vùi mình hằng ngày cùng với rác để kiếm tiền. Với họ bãi rác là nguồn sống, là nơi giúp họ lo bữa cơm cho gia đình mỗi ngày, nếu không có bãi rác này thì họ chẳng biết lấy gì mà sống.
Để bảo vệ mình, họ chỉ biết tự sắm thêm vài dụng cụ như bao tay, đôi ủng, bộ áo đi mưa nhằm tránh khỏi những ống kim tiêm, mảnh vỡ thủy tinh. Dù phải làm việc cực nhọc, vất vả, nguy hiểm bao nhiêu thì họ vẫn chấp nhận, với mong muốn con cái mình có cái ăn, cái mặc, học hành nên người...