Con đường làng soi bóng thời gian, in bao dấu chân kỷ niệm. Làng Trạch Phổ quê tôi uốn lượn quanh co theo lũy tre xanh. Dọc theo con đường từ xóm Đông An đến Tây Thuận là cánh đồng lúa. Những tháng năm chiến tranh, con đường làng in bước chân âm thầm, mang cơm trong tấm mo cau của các mệ, các o nuôi cán bộ cách mạng.
Nhớ lắm con đường làng gắn với kỷ niệm tuổi ấu thơ. Từ đầu đến cuối làng, con đường dài khoảng gần 2 cây số, bóng tre tỏa xuống, rợp mát cả ngày. Trên con đường quen thuộc này, trẻ con quê tôi tụm năm, tụm bảy bày đủ các trò chơi: trốn tìm, kéo co, nhảy lò cò, kéo mo cau, ô ăn quan… Tôi nhớ có một lần nơi ngã ba xóm Đông An gần nhà tôi trong đêm trăng sáng, chúng tôi rủ nhau chơi trò trốn tìm. Thằng Thạnh, thằng Nhơn, con Liên, con Ný đi trốn, còn tôi tù tì thua nên phải đi tìm. Lần lượt tôi tìm ra được ba đứa, còn con Ný thì tìm mãi không thấy: Ný ơi, mi mô rồi, ra đi… Rồi, bất ngờ từ xa, thằng Nhơn la lên, con Ný đây rồi. Thì ra, Ný chạy vào bụi tre trước nhà bà Hẹ để trốn, không biết thế nào, nó bị gai tre móc vào áo, gỡ mãi không ra.
Con đường làng, nơi in dấu bước chân tuổi thơ đến trường. Ngôi trường tiểu học được xây bằng gạch không tô quét nằm phía bên phải cuối con đường làng. Mỗi ngày, chúng tôi dậy sớm, ăn vội mấy củ khoai lang mạ nấu rồi í ới gọi nhau đi bộ đến trường. Có mấy lần đi học muộn, tôi, thằng Bửu, thằng Tâm xách đôi dép lê bày trò thi chạy bộ.
Mùa gặt, đường làng rộn ràng tiếng nói cười của người dân quê khắp đầu làng, ngõ xóm. Đi giữa đường quê mùa gặt, mùi rơm vàng được nắng, mùi cơm gạo mới từ bếp nhà ai xộc vào mũi thơm nức thật dễ chịu. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy nao nao, chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận, "Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm". Đi trên con đường làng, chúng tôi hít hà mùi lúa, mùi đất đai, mùi của những loài hoa trong vườn, mùi tre, mùi khoai nướng, mùi của những cơn mưa giông xối xả, mùi của bùn non, mùi phù sa màu mỡ sau những lần cơn lũ đi qua…
Đường làng, nơi những đứa trẻ quê tôi háo hức lon ton theo mạ đi chợ chiều. Trên con đường quen thuộc đó, đã bao lần mạ gánh đôi quang gánh nặng trĩu đôi vai, nào sắn, nào rau, nào lá trầu, lá chuối mang ra chợ bán. Anh em tôi vừa đi, vừa chạy sau lưng mạ. Từ nhà đến chợ phải 6 cây số, thế mà những đôi chân nhỏ xíu, đen gầy chạy theo mạ không biết mệt.
Đường làng là con đường đất, mùa nắng thả đôi chân trần nghe mát rượi; nhưng mùa mưa lũ thì lầy lội, bùn nhão nhoét. Vậy mà vẫn yêu vô cùng. Bùn đất như níu giữ bước chân người để xa thì lưu luyến, nhớ thương.
Về thăm quê, đi trên con đường xi măng không còn lầy lội vào mùa mưa, mừng vì nông thôn từng ngày đổi mới. Vui, nhưng không hiểu sao, lòng vẫn cứ bâng khuâng, hoài niệm. Da diết nhớ đường làng tuổi thơ năm xưa… nơi cất giữ khoảng trời kỷ niệm của một thời gian khổ.
Văn Toản