Tôi đến Thái Lan lần này không phải đi du lịch mà là đi thăm người quen. Nhiều lúc cũng tự hỏi mình sao đi đâu cũng mang theo một “mỏ neo Huế” để đối chiếu. Không phải so sánh hơn, thua mà để hiểu hơn vùng đất mình đang sống có điều gì đặc biệt so với một nơi nào đó trên trái đất này.
Bangkok đang mưa. Huế cũng đang mưa. Trong mưa, cảnh ở đâu trông cũng giống nhau. Tôi hình dung màn mưa bay nghiêng qua Đập Đá, mưa trắng xóa cầu Trường Tiền, mưa ướt nhòe cây xanh ở những con đường nhỏ trong Thành Nội. Mưa Bangkok không giống mưa Huế mà giống mưa Sài Gòn, ào ạt chừng mười lăm, hai mươi phút rồi giảm dần và sau đó thì tạnh hẳn. Nói chuyện mưa mà tôi nghe giọng bạn cười nhẹ nhõm, “May quá, nhà mình lúa vụ này đã khô khén hết rồi, vô bao, vô bồ gọn gàng. Lúa còn ngoài đồng mới lo đứng, lo ngồi”.
“Nói nghe, có gặp người Huế mình ở Bangkok không?” vẫn cái giọng đầy quan tâm, bạn muốn tôi kể nhiều hơn nữa. Thiệt tình là khi đi ra nước ngoài, nghe tiếng Việt là “tự nhiên mừng” rồi không dám mơ gặp được đồng hương Huế. Tôi đi tàu cao tốc ở Pahon Yothin khá nhiều lần, nghe xung quanh trò chuyện nhiều ngôn ngữ nhưng chưa nghe tiếng người Việt. Hôm đi thuyền trên sông Chao Praya thăm chùa Wat Arun, gặp một gia đình người Việt đi chơi, các em bé nói giọng miền Nam nghe rất đáng yêu, đó là lần đầu tiên tôi thấy mình không “cô đơn”. Được nói tiếng mẹ đẻ với đồng bào mình ở nước ngoài thật thoải mái, trải nghiệm này làm cho tôi càng thêm thấm thía cái tình thương nhớ quê hương của Hà Huyền Chi “…Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ/ Mà chiêng mà trống dậy hồn quê”. Điều làm cho tôi thú vị là từ bà chủ cho đến các nhân viên cho thuê trang phục truyền thống tại chùa Wat Arun đều nói được tiếng Việt, chứng tỏ người Việt mình đi du lịch Thái Lan nhiều.
Nói về chuyện người Việt ở Bangkok, tôi kể cho bạn nghe về Hội đồng hương sinh viên Việt Nam ở Đại học Thammasat thường tổ chức gặp mặt sinh viên Việt Nam vào các dịp lễ, tết hay giúp đỡ du học sinh đoạn đầu mới sang Thái Lan. Tôi cũng kể cho bạn nghe hai người bạn Việt Nam sang Thái học cao học. Đó là Sang và Hạnh. Hôm tôi vừa mới qua, Sang gọi điện cho tôi thông báo đã tìm được học bổng Tiến sĩ và sẽ tiếp tục ở lại Thái Lan để hoàn thành ước mơ học hành của mình. Với Hạnh thì em vừa tốt nghiệp đại học và tìm được học bổng để học tiếp Thạc sĩ ở Thái Lan. Hạnh cũng vừa lập gia đình với một anh chàng người Thái, trường hợp như Hạnh cũng không phải là đặc biệt.
“Người Thái Lan thì sao?”- “Thấy cũng giống người Việt mình, giản dị, chân chất, khuôn mặt hiền lành và ít nói”, tôi kể cho bạn nghe những người Thái mà tôi gặp khi đi mua đồ ăn sáng ở đầu hẻm. Những hẻm nhỏ ở Bangkok cũng giống những con hẻm nhỏ ở Huế bán khá đầy đủ: xôi thịt nướng, các loại mỳ nước, bánh rán, rồi nước ép cam, chanh dây. Có khác chăng là bà con mình bán ở mặt tiền căn nhà hay bán gánh thì ở đây người ta bày bán trên chiếc xe nhỏ. Buổi sáng rộn ràng buôn bán, buổi chiều con hẻm nhỏ im lìm nằm nghỉ và khi chiều buông thì trên vỉa hè xuất hiện những chiếc xe bán các loại đồ nướng như xúc xích, thịt heo xiên. Tôi thầm nghĩ người Thái Lan có vẻ thích đồ ăn chiên và nướng.
Tôi thích những cảm nhận nhỏ bé của mình về Bangkok và tôi cũng nôn nao với ngày trở về Huế sắp đến. Huế lại vào mùa mưa và tôi lại ghi thêm một mùa nhớ, mùa da diết của xứ Huế vào hành trình cuộc đời mình.