ClockThứ Hai, 23/01/2023 22:51

Người Huế đón Tết ở trời Tây

TTH.VN - Có gói bánh tét, có mâm cúng Giao thừa, có đi chùa, mừng tuổi… Tết Nguyên đán của du học sinh, kiều bào người Huế ở nhiều nước trên thế giới vẫn giữ nguyên truyền thống.

Nhiều điểm đến hút khách ngày mùng 1 tết Qúy MãoLãnh đạo Công an tỉnh và Thành ủy Huế chúc tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đêm giao thừaSân ga ngày cuối nămRộn ràng tếtGói bánh chưng, mừng sum vầy

Nhiều gia đình người Huế dù xa xứ nhưng khi đến Tết Nguyên đán họ lại tổ chức gói bánh tét, cùng nhau đi chùa, đón Giao thừa. Ảnh: NVCC

Những ngày Tết Nguyên đán, Hưng Nguyên, một du học sinh người Huế đang theo học tại thủ đô Paris (Pháp) dù đang tất bật với việc học tập, nghiên cứu chuyên ngành y khoa nhưng vẫn dành thời gian chuẩn bị một cái Tết Việt cùng nhiều bạn bè người Việt Nam.

Nguyên kể, mọi người đã lên kế hoạch sẵn, cùng nhau gói bánh tét, đi chợ để chọn mâm ngũ quả. “Thời khắc Giao thừa ở Việt Nam dù ngược múi giờ bên này nhưng tụi mình cũng chờ để tổ chức cùng lúc nên cái Tết xa nhà trở nên ý nghĩa”, Nguyên tâm sự. Giây phút Giao thừa ở Pháp, du học sinh chúc nhau lời chúc an lành, may mắn, hoàn thành tốt việc học, nghiên cứu để sớm trở về quê hương.

Ngoài ra, mỗi người còn dành thời gian riêng để kết nối trực tuyến về cho gia đình của mình ở Việt Nam để hỏi thăm. Nguyên chia sẻ, năm mới chỉ mong người thân bình an, mạnh khỏe, ai cũng thuận lợi trong công việc. “Phần mình, mình mong sẽ hoàn thành việc học thạc sĩ ở đây trong vòng 2 năm để quay về nhà với những mục tiêu tiếp theo”, Nguyên hy vọng trong năm mới.

Cũng xa xứ, định cư ở Mỹ hơn 5 năm năm qua, Tô Hạnh – cô gái gốc miền biển Thuận An cho biết, những giây phút năm mới là lúc cô nhớ về quê hương, cội nguồn nhất. Năm nào có điều kiện sẽ về Việt Nam, nhưng có năm cũng bận rộn nên không thể hồi hương.

Tết Nguyên đán Quý Mão này Tô Hạnh ở lại đón Tết trên đất Mỹ. Có con nhỏ, nên dù bận rộn như thế nào cô cũng tổ chức một cái tết “rất Việt, rất Huế” để con nhỏ hiểu được ý nghĩa, nét đẹp truyền thống của quê cha đất mẹ.

“Mình tổ chức gói bánh tét, cho con mang áo dài, bày con tục lì xì. Cả nhà cùng nhau ăn mâm cơm ấm cúng, ngoài ra còn dành ra một buổi để đi lễ chùa ở một ngôi chùa Việt gần nhà và hái lộc vào đầu năm mới”, Hạnh cho hay.

Cô gái tuổi ngoài 30 nói rằng, bằng mọi giá sẽ hướng con dù ở phương trời nào cũng giữ được gốc Việt qua tiếng nói, ẩm thực và những nét đẹp truyền thống của quê hương. Vì thế, gia đình còn treo những câu đối đỏ, trang trí chậu mai vàng, mở những giai điệu nhạc Tết hay nhất của người Việt, chuẩn bị thêm dưa món, mâm ngũ quả, hạt dưa… “Những món này có món nhờ người Việt đưa qua, có món mua ngay tại Mỹ”, Hạnh kể và cho biết đã có một cái Tết xa quê vô cùng ấm áp, thú vị bên gia đình nhỏ của mình.

Mâm cúng Giao thừa của gia đình chị Tô Hạnh trên đất Mỹ. Ảnh: NVCC

Tại TP. Brisbane (Úc), anh Lê Xuân Quang người gốc Phú Lộc cùng nhiều người Việt khác đã có hơn 10 năm gói bánh tét xa nhà để giữ không khí Tết Việt.

Anh Quang kể, bên này bên này không thiếu gì, chỉ thiếu cái duy nhất đó là hương vị thật sự của quê hương. “Hiểu vậy nên mọi người cố gắng tổ chức một cái Tết vui nhất có thể để vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngoài ẩm thực, mọi người còn lì xì rồi chúc nhau với những bao lì xì đỏ, vàng lấp lánh. Mọi người cũng tranh thủ đi thăm nhau hay đi chùa vào ngày đầu năm mới”, chàng trai ngoài 35 tuổi kể.

Không chỉ tổ chức Tết cho người Việt, anh Quang cho biết, còn mời nhiều bạn bè quốc tế đến chung vui vào thời khắc thiêng liêng Giao thừa năm mới.

Thông qua việc này, để giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. “Mọi người rất thích thú và họ tò mò. Khi tham dự họ đã cảm nhận được cái Tết Việt thú vị ra sao và hy vọng một ngày gần nhất sẽ được đến Việt Nam đúng vào dịp Tết để hiểu thêm không khí này”, anh Quang kể tiếp.

Năm nay, chị Lê Ngọc cũng đón cái Tết thứ 6 ở Mỹ. Chừng ấy thời gian xa nhà là chừng ấy nỗi thương nhớ quê hương vào những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán. Ngọc kể, năm nào cô cũng thu xếp thời gian để mua quà, gửi tiền mừng tuổi về cho ông bà nội, ngoại ở Huế. Sau đó, xin nghỉ phép 1 – 2 ngày để di chuyển đến một gia đình người Việt khác và cùng tổ chức ăn Tết. “Tết ở đây giờ không thiếu gì. Nhưng cảm giác xa quê hương lúc này vẫn có điều gì khó nói”, Ngọc xúc động.

Cô nhớ khi còn ở Việt Nam, ngoài việc đi lễ chùa vào ngày đầu năm mới, cô dành phần nhiều thời gian để ở bên ông bà nội của mình. Với Ngọc, giá trị gia đình luôn hiện hữu và nhắc nhở cô rất nhiều về cội nguồn dù sống ở đâu. “Tôi hy vọng năm sau sẽ được về Huế đón Tết. Được sống lại cảm xúc Tết truyền thống, được vui vầy bên người thân”, Ngọc nói và không quên chúc mọi người một cái Tết an khang cho những ai dù tha hương hay sống ở quê hương Việt Nam vào những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023.

N. MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top