ClockThứ Ba, 28/09/2021 15:30

Người nơi Rú Chá

TTH - Khi ngả mình trên cái chòi dựng bằng bốn cây tre, tấm vạt sàn cũng là những thanh tre chẻ nhỏ đan lại, nhìn lên trần là tấm lưới xanh cũ, tôi thấy mình sao bỗng nhẹ tênh. Tôi vừa bước vào nơi ở của một cặp vợ chồng mà dân Huế thường nói vui “Rô-bin-sơn xứ Huế”.

Rú Chá, mùa lá bay…Rú Chá bốn mùa check-in

Con đường xi măng dẫn vào Rú Chá mùa thu này đẹp như mơ. Rú Chá đang ra hoa, tràn ngập một sắc vàng như trong tranh thu của Lê-vi-tan. Có con đường này là nhờ một dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh xây dựng, chứ trước đây khi “Rô-bin-sơn xứ Huế” bỏ làng ra rú ở thì làm gì có đường.

Con  đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra giữa đầm nước có túp lều tranh của hai vợ chồng ôn mệ mới thật sự đưa người ta bước vào cuộc đời thực. Hai ôn mệ già giữa Rú Chá, ba mươi lăm năm, tôi nhẩm tính thời gian ôn Nguyễn Ngọc Đáp và mệ ra đây ở vào năm 1986 mà tưởng tượng ra cái cảnh vắng vẻ, quạnh hiu thời ấy. Trời vừa tắt nắng là bốn bề ngập chìm trong bóng tối, chỉ nghe tiếng gió, vài tiếng cá nhảy lách tách vắng lặng như lọt vào giữa hoang đảo, về đây mới cảm được sự yên lặng của rừng đêm.

Bóng đèn điện năng lượng mặt trời mà một quý khách tặng ôn mệ giúp tôi thấy bớt hồi hộp, nhưng màn đêm ngoài kia càng lúc càng dày đặc hơn. Căn bếp nhỏ bỗng trở nên ấm áp lạ khi mệ Đáp nhen bếp lửa và đặt cái nồi lên luộc mớ rau cho bữa cơm tối. Bữa cơm của hai ôn mệ là rau luộc chấm với nước cá ngừ kho. Ôn mệ cũng nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cua nơi vuông nước lợ này, cũng năm được, năm mất, tính ra cái ăn chẳng nhiều nhưng hai ôn mệ phải tiết kiệm để còn trợ giúp cho 10 người con và các cháu khi cái này khi cái khác, rồi việc làng, việc họ.

Tiếng ôn trầm tư: “Ôn chẳng thấy có chi cực khổ cả. Ra đây cũng lo mần ăn, gắn bó với Rú lâu rồi nên quen sống ở đây. Cây chá ni có từ đời Chiêm Thành xưa lắm. Đời trước cha ôn mền (mình) đã di chúc bảo tồn Rú Chá ni là từ đời xưa chơ không phải đời nay mô. Rú Chá ni giữ cho trong làng yên ổn, về mùa mưa bão vừa chặn gió, vừa chặn nước cho làng, mền làm được chi cho làng thì mền làm thôi”.

Có ôn mệ bên cạnh nhưng tôi vẫn sợ màn đêm. Ôn Đáp bảo: “Ôn không sợ chi hết, trước đây cũng vì cực khổ mà ôn ra đây ở và cũng là để giữ Rú Chá”. Ấy là những năm 1980, vì thiếu chất đốt, bà con trong làng ra chặt cây chá làm củi nên Rú Chá hoang tàn, hai ôn mệ ra báo với làng và xã xin giữ Rú Chá, từ đó chặn được nạn chặt cây. Ôn Nguyễn Ngọc Đáp cũng trồng thêm cây mới, rồi dự án trồng rừng ngập mặn ven phá đem đến thêm màu xanh cho Rú Chá. Bây giờ thì Rú Chá đã hồi sinh và trở thành điểm tham quan sinh thái của Huế.

Bốn mùa, mùa nào Rú Chá cũng có một vẻ đẹp riêng, ngay cả mùa đông, khi lá chá rụng hết, những thân cây trơ cành bạc trắng cũng đem đến những vẻ đẹp nghệ thuật tạo hình đa dạng, không có cành nào giống cành nào, mỗi cây chá là một bản vẽ riêng, đẹp đến không ngờ. Rất nhiều người về thăm Rú Chá, ghé thăm nhà ôn mệ Đáp, trò chuyện cùng ôn mệ, khâm phục và cả biết ơn hai con người đã âm thầm bảo vệ Rú Chá từ cách đây ba mươi lăm năm, họ âm thầm giúp đỡ ôn mệ, tặng những món quà nhỏ như là chăn màn, hỗ trợ giúp ôn mệ xây tường vách cho chắc chắn túp lều. Chỉ bất cứ thứ gì quanh túp lều, mệ Đáp cũng cho biết là ai đã về chơi, thương ôn mệ và giúp đỡ, như kiểu cái chòi này là ai tặng tre để làm, cây đèn mặt trời này là ai cho.

Từ trong sâu thẳm, những món quà ấy cũng là sự trở về tuổi thơ của nhiều người và đôi khi, cũng như tôi đang ngồi ăn cơm cùng ôn mệ trên chiếc chòi tre này, cũng là sự thư giãn để quên hết những lo lắng về công việc, về những ganh đua, tị hiềm... Ôn mệ đã giúp mọi người - đặc biệt thế hệ sinh 6X,7X và cả 8X trở về trước, gặp lại cái thời mộc mạc, thiếu thốn của mình, với nào bếp củi, nồi cơm đen sì lọ nghẹ, không gian quanh mái nhà cha mẹ tràn đầy nắng, gió, sự rong chơi vô tư ngày nào và chính cả hình bóng ôn mệ, chân chất, hiền lành như là ba, mạ hay là ông bà của bất cứ ai.

Cách đây hơn mười năm, có một nhóm nữ sinh Đồng Khánh đều đặn tuần nào cũng về ở với ôn mệ một ngày, nấu cơm bếp củi, luộc rau dại, ăn cá đồng, ngủ vạt giường. Các chị là những người thuộc thế hệ sinh năm 1950-1960 thương nhớ một thời tranh tre nứa lá nên khi về đây gặp ôn mệ là mừng như trở về ngày xưa vậy. Những cuộc hẹn ấy bây giờ vẫn còn, nhưng đã vắng vài người và không đều đặn theo tuần nữa, tùy theo sức khỏe của các chị. Tôi lắng nghe câu chuyện mệ Đáp kể, nhớ đến những gốc chá sần sùi trông già như gốc cổ thụ nhưng trên cành vẫn có những nhánh con đang ra lá xanh, nghĩ về thời gian hữu hạn của đời người và sự tuần hoàn của thiên nhiên, nghĩ đến sự lặng im gắn bó với con người của rừng chá và những con người giữ bóng thời gian như ôn mệ Đáp.

Ngập trong sắc thu vàng Rú Chá, bỗng hiểu ra, tình yêu thương đến bằng rất nhiều cách trong đời và có trong nhiều hình dáng, khuôn mặt. Như là vẻ đẹp của Rú Chá vào thu hôm nay và hình bóng ôn mệ Đáp lui cui bên túp lều nhỏ của mình, sống động giữa bức tranh vàng của thiên nhiên.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

Con đò trên phá Tam Giang
Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8-9/6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang
Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024:
Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Huế 2024, từ ngày 8 - 10/6, huyện Quảng Điền sẽ tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao độc đáo, mới lạ, mang đậm nét văn hóa sông nước của vùng quê bên chân phá Tam Giang.

Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá
Thông điệp về "Hành trình xanh" bảo vệ môi trường

Chiều 13/5, Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế Ikigai và Khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tổ chức Chung kết Hội thi "Hành trình xanh" cho học sinh Trường THPT Tam Giang (huyện Phong Điền).

Thông điệp về Hành trình xanh bảo vệ môi trường
Return to top