ClockThứ Sáu, 22/01/2016 11:03

Nhọc nhằn nghề bảo vệ cây xanh di tích

TTH - Đó là công việc của tổ cây xanh, thuộc Phòng Quản lý cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế. Anh Lê Công Sơn, Trưởng phòng Quản lý cảnh quan giới thiệu ngắn gọn: “Chỉ quá cực khổ họ mới làm. Cũng không ai làm được cả đời vì quá nặng nhọc, quá nguy hiểm nhưng chế độ thì chưa có gì đặc biệt”.

“Lạy Ngài!”

Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý 32 điểm di tích, đó cũng là số điểm mà tổ cây xanh gồm 4 người của Phòng Quản lý cảnh quan phải làm nhiệm vụ cắt tỉa, chống đỡ và bảo vệ cây xanh trong năm. Tính sơ sơ thì mừng, vì người ít việc nhiều không lo nhàn rỗi, nhưng đi vào mỗi phần việc thì… hiểu chừng mô, lạnh sống lưng chừng đó. Với hàng trăm (thậm chí là hàng ngàn) cây xanh - đa số là cổ thụ - xen lẫn trong các công trình di tích mà 4 người đàn ông ấy chỉ có thể thực hiện tất cả các công việc, như: cắt tỉa cành, chống đỡ cây trước gió bão và phun thuốc sâu bảo vệ cây… thì quả là “kinh khủng” (từ được anh Lê Công Sơn dùng để diễn tả).

Phun thuốc sâu bảo vệ cây xanh

Theo anh Sơn, những công việc này chỉ có đơn vị quản lý di tích mới làm để vừa bảo vệ cảnh quan cây xanh, vừa tạo môi trường tham quan sạch sẽ cho du khách, đảm bảo không có sâu bọ rơi vào du khách trong quá trình tham quan các điểm di tích. Việc bơm thuốc trừ sâu phải làm ngoài giờ mở cửa tham quan. Việc cắt tỉa cây xanh phải tính toán độ rơi để không ảnh hưởng đến công trình và du khách tham quan. Đáng nói là những phần việc này đều chỉ có thể được thực hiện bằng thủ công.

Trước tiên là bơm thuốc sâu. Để không mất nhiều thời gian, anh Trần Viết Hào, Tổ trưởng tổ cây xanh mở ngay cửa kho và chỉ cái máy bơm khủng của tổ. Đó là một chiếc xe kéo, trên có một thùng phuy to, bên cạnh gắn máy nổ. Anh Hào bảo: “Cho thuốc sâu vào thùng, nổ máy bơm và chỉa ngược vòi phía ngọn cây cao mà phun. Nhìn đơn giản ri chớ điểm mô anh em tui cũng kéo đến nơi đó”. Không được lạc quan như cách anh Hào “khoe hàng”, anh Sơn cho biết: “Điều kiện bảo hộ chỉ với mũ bảo hiểm và áo mưa tiện lợi. Do trang thiết bị chuyên dụng chưa có, nên nếu mặc kín quá, trang phục không phù hợp thì anh em khó di chuyển. Ngày trước tôi cũng từng đi bơm thuốc sâu theo kiểu này, nỗi ám ảnh còn đeo bám đến giờ”.

Với lối kiến trúc cảnh quan, hầu hết các công trình di tích đều xen lẫn với cây xanh. Thêm nữa, ngoại trừ Đại Nội, còn hầu hết các điểm lăng, tẩm, miếu, đường nhỏ, nhiều bậc cấp, không có lối cho ô tô vào tận nơi nên việc được ngồi trong thùng và được kích lên như mấy anh công nhân đô thị là điều trong mơ với công nhân ở tổ cây xanh. Anh Hào nói: “Phải leo cây cao hàng chục mét bằng tay, lại đeo thêm cái máy cưa. Đau đầu nhất là nhiều cây cổ thụ quá già, rỗng ruột, gặp gió là có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Nhiều lúc đang xử lý gặp tình huống nguy hiểm, anh em thà chọn phần thiệt về mình, chứ không để ảnh hưởng đến du khách hoặc công trình di tích. Cũng chính vì quá nguy hiểm và nhiều áp lực nên người ở tổ cây xanh ra vào liên tục. Thêm vào đó, việc cắt tỉa cây xanh quanh các công trình di tích ít nhiều cũng có phần nhạy cảm, liên quan đến yếu tố tâm linh. Vậy nên, thường thì trước khi bắt đầu việc gì, chúng tôi cũng “Lạy Ngài!” để yên tâm hơn”.

Hỏi về những kỷ niệm ấn tượng trong quá trình tác nghiệp, anh Trần Viết Hào rổn rảng: “Ui chao, nhiều lắm, kể chi cho ngạ? Phun thuốc sâu ngộ độc, lưỡi cưa gãy trúng người,… đủ cả. Làm việc ni, lo nhất là cắt tỉa cây ở các điện các lăng. Cây cổ thụ đổ gãy khi mô không biết, nhưng mình cắt tỉa gãy đổ đụng đến công trình thì coi như… “mạt máu”. Nhiều khi tay làm, bụng lo ghê lắm, nhưng cứ khấn “xin Ngài!” thôi. Mình cứng rắn thì anh em mới yên tâm được. Chắc cũng nhờ được “Mệ đỡ” nên công việc trôi tròn”. Cũng để anh em vững tâm vững tay nên những ngày mồng một và ngày rằm trong tháng, anh em ở tổ cây xanh không làm những việc có liên quan đến chặt bỏ, leo trèo. Việc này đã thành quen.

 Cần chế độ xứng đáng

“Quá khổ, quá vất vả là công việc quanh năm của tổ cây xanh. Anh em đi làm là ruột gan tôi nóng cả ngày. Nhiều khi muốn điều thêm người cho tổ cũng không được vì công việc đặc thù mà chế độ mới được trả bằng mức lao động phổ thông. Theo tôi, với bộ phận làm công tác này, chỉ có chế độ độc hại thôi thì chưa đủ mà yếu tố nguy hiểm cũng phải được xếp bằng lương của họ thì mới xứng”, anh Lê Công Sơn nói.

Theo phân tích của anh Sơn, hiện nay chế độ độc hại Nhà nước đã có khung cụ thể, còn nguy hiểm thì chưa. Trong khi với anh em làm nhiệm vụ cắt tỉa cây xanh di tích thì nguy hiểm luôn có thừa, mức độ nguy hại và khả năng gặp rủi ro còn cao.

Theo anh Trần Viết Hào, ở Trung tâm BTDTCĐ Huế, bộ phận thay người nhiều nhất là tổ cây xanh. Nhiều người làm rất giỏi nhưng cũng không trụ được bao lâu. Công việc độc hại, song chế độ được hưởng chưa có gì đặc biệt so với bộ phận khác. Riêng về nguy hiểm thì người vác cưa leo cây, tai nạn rình rập thường trực cũng chỉ được trả công như người làm việc bình thường. Vừa rồi có người của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến kiểm tra thực tế mức độ nguy hiểm. Nhưng họ mới chỉ kiểm tra độ cao, độ rung và tiếng ồn, còn nữa thì vẫn chưa.

Liên quan đến chế độ cho anh em ở tổ cây xanh, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết Ban Giám đốc Trung tâm rất quan tâm đến vấn đề này và đã có ý kiến nhiều lần, nhưng kết quả chưa thể có ngay được do liên quan đến kinh phí. Những năm gần đây, trong mỗi dự án trùng tu di tích, Trung tâm BTDTCĐ Huế luôn cố gắng thực hiện đủ 3 hợp phần, gồm: trùng tu công trình, tôn tạo cảnh quan môi trường và tái trưng bày không gian nội thất của di tích, từng bước thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư về lĩnh vực cảnh quan. “Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn về điều kiện làm việc của bộ phận cây xanh và đã tạo điều kiện tối đa trong mức cho phép để dảm bảo an toàn cho mọi người. Để điều kiện làm việc của anh em có thể đạt mức quy chuẩn, chúng tôi lập hồ sơ để xin mua một số trang thiết bị đặc thù như xe nâng, thang nâng, thang đẩy… và đã gửi lên Sở Tài chính. Do tình hình khó khăn chung nên đến nay vẫn chưa thể mua được”, TS. Phan Thanh Hải nói.

Anh Trần Viết Hào – người 20 năm gắn bó với Quần thể di tích Cố đô Huế và đã mấy lần xin nghỉ việc nhưng chưa có người thay nên vẫn tiếp tục ở lại. Hỏi anh về những ngày tiếp theo, anh chỉ ngắn gọn: “Nhà nước giao việc chi thì mình làm việc đó, nhưng phải hết sức cẩn thận chứ không nóng vội được. Biết độc hại và nguy hiểm, nhưng không vì sợ mà nhụt chí. Chỉ tha thiết mong rằng, lãnh đạo Trung tâm tiếp tục tạo điều kiện để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà nước sớm có chế độ ưu đãi cho những công việc đặc thù này. Có như vậy, anh em mới yên tâm công tác lâu dài”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống
Return to top