ClockThứ Bảy, 19/12/2020 17:47

Những bản nhạc của bác vé số

TTH - Không biết từ bao giờ, mỗi sáng sớm, tôi thường quen ngồi bên quán nước nhỏ ven đường. Con đường nhỏ ngang qua mỗi sáng thật thư nhàn. Không nhiều xe cộ. Không nhiều bước chân. Nắng cũng thường đến trễ. Như cô gái mới lớn còn đỏng đảnh đâu đó, trên những tán phượng thả một chút mơ màng trên những tấm panô treo trước những ngôi nhà chưa hẳn cao tầng.

Mùa này, con đường như người có tuổi, khoác lên vẻ u hoài, bình thản. Những tán cây, những ngôi nhà cũng như người có tuổi, sống chậm, để chiêm nghiệm những hanh hao đã qua.

Tôi thường nhận ra ông, bằng giai điệu những bản nhạc xưa vọng đến. Những bản nhạc trữ tình, cũng đầy u hoài,  phát ra từ chiếc điện thoại cũ.

Ông gầy lắm, chiếc mũ lụp xụp, chiếc áo cũng cũ. Cả đôi giày mòn vẹt và cái dáng liêu xiêu của ông, cũng như nhánh phượng già đã rụng hết lá.

Rồi ông đến, với nụ cười thật tươi. Nụ cười thường trực. Nghỉ chân trên chiếc ghế nhỏ bên quán nước, ông thường kể về quãng đời mấy mươi năm rong ruổi bán vé số. “Đáng ra, công ty vé số phải trao huy chương cho tui mới phải”. Ông dí dỏm, về cái nghề tưởng như nhỏ bé, thấp kém nhưng với ông, lại là cái nghề phải tri ân.

“Có một lần, khách hàng trúng thưởng, họ tìm tui khắp nơi. Hôm đó vé bán chậm, cả ngày mà mới được một ít. Đang lo thì có người dừng xe kêu mình, mừng rỡ. Thì ra người ta trúng số, còn nhớ mình để tri ân. Ông khách liền mua cho tui mấy chục vé, rồi tặng đôi giày. Giày rất mềm, tui mang mãi tới chừ”. Ông hể hả, về niềm hạnh phúc giản dị khi được tri ân.

Rồi ông kể về những nỗi buồn, khi có người lừa đổi những tấm vé trúng giả. Người ta tẩy xóa số, phù phép rồi lừa. Ông mất mấy triệu đồng, không có tiền nộp học cho con.

“Bây giờ già rồi, ông đi hoài có mệt không”. Ông lại cười: “Chân đã mỏi lắm nhưng không đi thì nhớ”. Ông chậm rãi.

Có lẽ ông đã quá nhớ những con đường cả cuộc đời đã đi. Nhớ gương mặt khách quen, mua tấm vé không phải cầu cạnh trúng số, giàu sang mà chỉ vì muốn một chút chia sẻ. Nhớ cả cái nắng chao chát đẫm mồ hôi mùa hạ và cái lạnh ngấm từ chân lên vào mỗi mùa đông.

“Cái máy ni tui cũng được một người trúng số tặng, nói để cho khách trúng số dễ tìm”. Ông lý giải, về chiếc điện thoại cũ với những bản nhạc. Những bản nhạc mà bao nhiêu năm, giúp con đường ông đi bớt xa.

Ngắm nụ cười thường trực trên khuôn mặt không có gì là khổ nhọc của ông, tôi nhận ra, tận cùng nụ cười ấy là niềm hạnh phúc của một người biết trân quí công việc đã cưu mang, dù chỉ là bán những tấm vé số. 

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

Ngày 18/10, tại Trường mầm non I, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc – Lấy trẻ làm trung tâm”.

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc
Chiều thu vàng

Từng dải mây lớn màu xám tro bắt đầu cuộn lên phía bên trái. Tương phản phía bên phải là sắc trời đang ngời lên màu vàng mơ. Nắng chiều nhạt dần, đèn trên cầu như những ngôi sao bắt đầu bật sáng, mọi người xuôi ngược trở về nhà.

Chiều thu vàng
“Mẹ đừng lo lắng!”

Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang.

“Mẹ đừng lo lắng ”
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

Gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chiều 22/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi và những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng cho nền kinh tế nước nhà.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

TIN MỚI

Return to top