ClockChủ Nhật, 23/04/2023 09:03

Tôi & sách

TTH - Lũ vừa dứt, trời hửng nắng. Một thoáng ngang qua ngôi nhà của thầy giáo, tôi thấy cả một sân sách phơi dưới nắng vàng. “Thiên hạ phơi lúa, thầy phơi sách”. Tôi lại nhớ những ngày ông tôi phơi sách sau lũ…
leftcenterrightdel
 

Tháng 9 năm ấy, trời mưa tầm tã. Mưa kéo dài cả tuần, càng ngày nước càng dâng cao, lúc đầu vào sân, vào nhà rồi “bò” lên giường, lên mặt bàn… Chiếc bàn bồng bềnh nghiêng đảo làm đổ cả khay trà. Giường, phản, ghế… thi nhau nổi là là trên mặt nước. Lúa, gạo, khoai chạy đua với ngấn lũ, cuối cùng không còn chỗ cao hơn nên đành nằm lại với nước. Bà, mẹ cùng với cô út lúc đầu tập trung chăm lo cho các thứ ấy, với mấy con gà, con heo. Còn ông và chú tôi thì tập trung vào cứu nguy cho mấy tủ sách “gia bảo” của gia đình. Sách từ giá, từ kệ, từ trong chiếc tủ thờ lần lượt bê lên chiếc bàn to giữa nhà nhưng khi nước dâng ông phải cùng chú rút mấy tấm phản, kéo bắc ngang qua hai thanh trính của ngôi nhà để đưa sách lên nhưng vẫn không kịp. Cuối cùng sách cũng chung số phận với lúa, gạo, sắn, khoai… Tất cả đều ướt sũng.

Khi ông trời ngưng cơn thịnh nộ, cũng là lúc bà con trong làng tất bật đổ các thứ bị ướt ra phơi. Bà, mẹ cùng cô út lo hong khô lúa, gạo để có cái ăn. Riêng ông hình như không quan tâm gì đến các thứ ấy. Gương mặt ông lúc nào cũng trầm ngâm. Ông nhường cái sân gạch để bà phơi lúa, còn mình ra vườn kê liếp, giấy nhựa để phơi sách. Sách hồi đó không như bây giờ, toàn là giấy mỏng, vàng ố, có cả một số sách bằng giấy dó với những dòng chữ Nho, trong đó có cả trích lục, thơ. May sao tập “Phú chí” nằm trong chiếc hộp son đỏ trên bàn thờ tổ tiên không bị nước vào. Vì giấy xấu nên tập nào tập nấy đều sũng ướt, cầm lên nước chảy ròng ròng. Ông tôi không nhờ ai giúp vì sợ mạnh tay giấy sẽ mủn.

Phơi được hai ngày, ông bảo tôi ra giúp ông đảo sách. Ông dặn chừng rằng tay phải nhè nhẹ lật giở từng trang, không được để rách tí nào. Đêm đến, ông căng bạt, che lều bằng những tấm nilon và thắp đèn ở đó để canh. Tôi vừa giúp ông vừa lướt qua các truyện như Tây du ký, Tam Hạ Nam Đường, Phong Thần, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng… Còn đống sách thuốc đông y (ông tôi vốn là thầy thuốc đông y), phân thơ, trích lục, khoa học, thiên văn, địa chí, tử vi, tướng số…, tôi không màng đến vì hầu hết là chữ Nho, hơn nữa đọc cũng chẳng hiểu gì. Chi bằng đọc truyện xưa quá ư là hấp dẫn, nhất là các vị quân sư đấu trí với nhau, các ông tướng bày binh bố trận rồi là mấy cảnh ngựa hí, gươm khua dưới bóng tinh kỳ quân ta truy đuổi quân giặc... Có những lúc quá mê đọc, ông nhắc phải đi nghỉ kẻo mụ cả người.                                      

Qua đợt này ông phát hiện tôi là một đứa mê sách. Từ đó, mỗi khi có dịp xuống phố huyện cân thuốc Bắc về bán, ông mua vài cuốn truyện để đêm đêm mỗi khi tôi xong bài vở, ông bảo đọc cho ông nghe như: Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thạch Sanh, Quan âm Thị Kính, Trần Minh khố chuối… Ông hướng dẫn cho tôi đọc các sách về đạo Nho viết về Mạnh tử, Nhan Hồi, Tử Lộ, đọc xong ông hỏi “cháu đọc có hiểu gì không”. Có chỗ tôi hiểu, có chỗ tôi không. Chỗ nào không hiểu được ông giảng giải. Ông giảng cho tôi các câu “Nhân bất học, bất tri lý”, “Ấu bất học - lão hà vi”, “Ngọc bất trác bất thành khí”... Ông căn dặn làm người, nhất là làm trai là phải cho chí khí, cao thượng “làm trai cho đáng nên trai, xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài an”. Ông mua truyện lịch sử cho tôi đọc mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ quyển sách ấy (dù bây giờ nó không còn)... Cứ thế, mỗi đêm mỗi ít, “Truyện của sách, lời của ông” dần dần ngấm vào tôi. Khi lớn lên, dần theo năm tháng, tôi mới đọc được hết những gì ông để lại. Đọc hết thôi, chứ hiểu và làm theo thì quãng đời đã qua và thời gian còn lại của đời người chưa hẳn làm được hết những điều “thiện thánh” mà sách ông để lại.

Gần 50 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ mãi những đêm cùng ông đọc sách dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, nhớ cùng ông đọc thơ, giảng Kiều... Nhớ những ngày cùng ông phơi sách trên nền bãi bồi phù sa sau lũ. Và tôi nghĩ, sách cũng như phù sa, luôn ươm mầm xanh cho đời…

Lê Văn Huân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
Return to top