|
Người dân hào hứng lên núi hái nấm tràm |
1. Một giờ sáng, khi gà vừa lác đác cất tiếng gáy từ thôn xa, vợ chồng chị Thúy Phương, anh Lê Hiền (38 tuổi, xã Hương Thọ, TP. Huế) đã trở dậy. Chất lên xe mấy giỏ xách, hai chiếc liềm cùng một ít nước uống và bánh trái, họ chạy xe ra khỏi nhà, hướng về phía núi. Trong ánh đèn xe mờ mờ, họ bắt đầu vượt quãng đường hơn 1 giờ chạy xe máy để đến những cánh rừng keo tràm tận xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) để tìm nấm tràm.
2 giờ sáng, con đường mòn men theo các rẫy keo tràm phía Hương Bình xe máy dựng chi chít. Rừng đêm thâm u bỗng nhộn nhịp người như trẩy hội. Hàng trăm ánh đèn pin lia qua lia lại, tiếng hú gọi nhau í ới. Chị Phương cho biết, nấm tràm cũng như nấm mối, chúng đều phát sáng khi chiếu đèn vào. Nên tìm nấm ban đêm còn dễ thấy hơn ban ngày.
Mùa nấm tràm bắt đầu từ tháng 4 đến khoảng tầm tháng 7, tháng 8, khi trời đổ mưa giông. Sau những ngày nắng mưa xen kẽ, nóng ẩm luân phiên, dân gian gọi thời tiết ấy là “trời làm nấm”, ở những cánh rừng keo tràm, nấm bắt đầu mọc. Mỗi năm có thể xuất hiện 2 đến 3 đợt nấm, mỗi đợt kéo dài tầm 4 đến 10 ngày, có khi lên đến 15 ngày.
Vợ chồng chị Phương làm công việc dán giấy hàng mã, nhưng cứ đến mùa nấm, họ đều gác lại công việc đang làm để đi hái nấm. Những hôm nấm được giá, vợ chồng chị tranh thủ đi 3 chuyến một ngày. Chuyến đầu tiên bắt đầu từ 1 giờ sáng kéo dài đến 6 giờ sáng, sau đó họ trở ra bán nấm. 9 giờ sáng họ quay lại rừng, đến trưa thì về. Buổi chiều họ đi thêm chuyến nữa. Mỗi chuyến có thể nhổ từ 40 – 60kg nấm. Chăm chỉ, sức khỏe tốt, hai vợ chồng chị có thể nhổ từ 100 đến 150kg nấm một ngày. Với giá nấm dao động từ 30 – 60 nghìn đồng/kg, có khi hai vợ chồng chị kiếm được vài triệu một ngày.
|
|
Những người chuyên hái nấm sinh sống ở quanh khu vực ngã ba Tuần, khi những trận mưa đầu tiên trút xuống các cánh rừng ở Hồng Hạ, Hương Nguyên (A Lưới)… họ bắt đầu đổ về những cánh rừng tràm nơi này để săn nấm. Khi những cơn mưa dịch chuyển xuống các vùng thấp hơn như Bình Tiến, Bình Thành (thị xã Hương Trà); Đá Đen, Đá Bạc, núi Cáy (TP. Huế)… dân đi nấm cũng dịch chuyển theo. Theo chị Phương Huyền, chị Lê Điểm (xã Hương Thọ, TP. Huế), đi hái nấm cũng phải quen đất, quen rừng. Nếu đi những cánh rừng lạ, giữa bạt ngàn rừng keo tràm rất dễ bị lạc khi không định hướng được lối ra.
2. Đứng ở đầu cầu Hữu Trạch có thể thấy dòng người xe tấp nập ngược xuôi trên Quốc lộ 49. Người chở nấm về chợ bán, kẻ bán nấm xong lại chở giỏ không quay về phía rừng. Điểm tập kết nấm đông đúc nhất thường ở khu vực đàn Nam Giao. Những khi dội chợ, nhiều người bán sẽ di chuyển về các chợ khác như An Cựu, Bến Ngự, Đông Ba, chợ Nọ. Những ngày nấm hút, người buôn nấm có khi đứng chờ sẵn ở khu vực cầu Tuần để đón mua.
Chúng tôi theo người bạn hòa vào dòng người lên rừng tìm nấm. Dựng xe máy dưới chân đồi, rồi leo lên rẫy keo tràm tầm 2-3 năm tuổi. Cho đến khi lên điểm cao nhất của rẫy keo, nấm lưa thưa mỗi nơi vài tai nên chiếc giỏ chỉ lưng lưng vài ký. Dây bụi, lau lách, cành cây gãy liên tục cản trở bước chân. Hơi thở bắt đầu mệt nhọc, mồ hôi ướt đẫm cả mấy lớp áo. Rừng ẩm ướt, từng đàn muỗi ồn ào tấn công vào mặt, vào cổ. Phải đến khi vượt qua khỏi đỉnh núi, đổ xuống bên kia dốc, một luồng nấm tím thẫm hiện ra ngay giữa rãnh đất cày. Nấm dày chi chít như vại má. Bỗng chốc cơn mệt nhọc mất hút, chỉ còn lại sự thích thú và phấn khích. Niềm vui của việc hái được nấm, nhiều khi vượt lên trên cả tiền bạc.
Nhiều người sành ăn nấm đều nói rằng, nấm tràm ở các cánh rừng tại Huế ngon hơn nấm tràm ở nhiều tỉnh khác. Nấm tràm Huế trong vị đắng có vị the, vị ngọt, vị béo bùi và rất giòn, trong khi nấm vùng khác ăn đắng, xạp và không béo ngọt. Vào những đợt nấm rẻ, dân hái nấm thay vì bán nấm tươi sẽ luộc lên rồi cấp đông để bán. Một ký nấm cấp đông có giá dao động từ 55 nghìn đồng đến 75 nghìn đồng/kg.
Chị Thanh Thủy (xã Hương Thọ, TP. Huế) cho biết, chị đi nhổ nấm để cấp đông ăn dần và gửi vào Sài Gòn cho người thân. Theo chị Thủy, nấm tràm cấp đông từ Huế bán ở Sài Gòn có giá từ 75 - 85 nghìn đồng/kg, trong khi nấm tràm cấp đông từ Quảng Trị vào, hay Đồng Nai lên giá chưa đến 50 nghìn đồng/kg.
Một mùa nấm tràm, có nhiều gia đình kiếm từ 30 - 50 triệu đồng. Như anh Nghê nói, thu nhập một mùa nấm tràm còn được giá hơn cả lợi nhuận trồng một hecta keo tràm trong 5 năm. Còn vợ chồng chị Thúy Phương, cứ sau mỗi mùa nấm, đến ngày tựu trường, tiền bán nấm đủ để vợ chồng chị chuẩn bị sách vở, áo quần và lo đầy đủ tiền học phí cho mấy đứa con. Nhiều năm qua, khi mùa nấm về, dưới những tán rừng tràm âm u luôn hiện hữu những nụ cười. Nấm đắng, nhưng đem lại “vị ngọt” cho biết bao gia đình.