ClockThứ Hai, 12/12/2022 06:35

Nơi giành lại sự sống cho bệnh nhân

TTH - Khoa Hồi sức tích cực (HSTC) Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) là nơi điều trị những bệnh nhân nặng, hy vọng sống mong manh. Thế nhưng, các y bác sĩ và cán bộ khoa ở đây luôn nỗ lực không ngừng để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Thỏa thuận hợp tác ứng dụng công nghệ AI vào Bệnh viện Trung ương HuếBệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện tăng, lưu ý dấu hiệu cảnh báoBệnh viện Trung ương Huế nhận Bằng khen của Chủ tịch JICAVươn tầm “Trung tâm y tế chuyên sâu” - bài 2: “Ong chúa” và sự liên kết 3 trụ cột“Mỗi chúng ta sẽ là một đại sứ của lòng nhân ái”

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Dũng, Trưởng khoa cho biết: Khi bệnh nhân được chuyển đến Khoa HSTC là người nhà luôn trong tâm trạng bệnh nhân sẽ ra đi vĩnh viễn vì tất cả đều nặng, tiên lượng sự sống rất thấp. Nhờ các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn sâu, chăm sóc tận tình và được hỗ trợ nhiều máy móc, trang, thiết bị hiện đại nên tỷ lệ cứu sống bệnh nhân cải thiện. Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi, đã được khoa cứu sống.

Ngày 4/9/2022, bệnh nhân T.H.N.P, 31 tuổi ở đường Phan Chu Trinh, TP. Huế, bị ngừng tuần hoàn không rõ lý do; vào viện trong tình trạng tím tái, không có nhịp tim, nhịp thở, mạch ngừng đập. Khoa đã cấp cứu bệnh nhân bằng phương pháp hạ thấp thân nhiệt chỉ huy. Đây là kỹ thuật hiện đại được nhiều nước tiên tiến sử dụng, có tỷ lệ cứu sống bệnh nhân cao.

Đứng trước bệnh nhân, TS.BS. Dũng băn khoăn, đã có những bệnh nhân ngừng thở tại bệnh viện khoảng 15 phút được cứu sống, riêng trường hợp này đã ngừng hô hấp khá lâu, lại từ nhà đến. Khoa vẫn quyết tâm cứu sống bệnh nhân. Phương pháp phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt qua 4 giai đoạn, được kiểm soát bởi chuyên gia về hồi sức chuyên môn vững vàng để đạt hiệu quả cao và hạn chế các tác dụng không mong muốn do hạ thân nhiệt.

Sau 6 ngày điều trị, mọi chỉ số huyết động đạt kết quả tốt. Bệnh nhân tỉnh táo, được rút máy thở và ăn cháo, sau đó được cho ra viện với sức khỏe và tâm trí tốt. Chị  H.T, mẹ của bệnh nhân T.H.N.P nghẹn ngào nói: “Đây là lần thứ hai, con tôi được Khoa HSTC cứu sống ngoạn mục như thế này. Cách đây một năm, cháu không chỉ ngừng tuần hoàn hô hấp mà còn bị suy đa phủ tạng và một số bệnh nguy hiểm khác, phải lọc máu và đã vượt qua cửa tử. Tôi mang ơn Khoa HSTC, không bao giờ trả hết được”.

Nhờ bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, trang, thiết bị điều trị hiện đại, nhiều bệnh nhân cao tuổi, bị bệnh nặng cũng đã được Khoa HSTC cứu sống. Điển hình như bà T.T.S (86 tuổi) ở Phú Vang, bị sốc nhiễm trùng tiêu điểm từ đường tiêu hóa; ông T.Q.Đ (79 tuổi), nhiễm khuẩn huyết; bà T.T.H (93 tuổi) ở Quảng Trị viêm phổi, tăng huyết áp, suy tim; bà C.T.H (85 tuổi) ở  Đà Nẵng, bị xuất huyết não...

Có nhiều bệnh nhân bệnh rất nặng, người nhà lo lắng không đủ kinh phí tiếp tục điều trị, kiên quyết xin đem bệnh nhân về, nhưng các bác sĩ trong khoa đã động viên người nhà để bệnh nhân ở lại, áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại để cứu sống. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân tưởng không thể qua được cơn nguy kịch đã sống trở lại trong vòng tay nhân ái của các thầy thuốc.

Thư của anh L.X.T, con trai của bệnh nhân N.Th.Th (49 tuổi), quê ở Quảng Bình gửi cho khoa, có đoạn: “Trong hoàn cảnh chẳng còn hy vọng, gia đình tôi may mắn luôn có bác sĩ ở bên cạnh động viên, an ủi và niềm động viên ấy đã trở thành phép màu. Mẹ tôi đã khỏi bệnh và trở về nhà trong niềm vui vô hạn của đại gia đình”.

Câu chuyện cảm động cứu sống bệnh nhân nghèo cách đây vài tháng là dấu son ghi dấu y đức của những người thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân T.H, 42 tuổi, làm nghề thợ xây, ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc được đưa vào viện với sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, tiên lượng tử vong cao. Cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân là dùng kỹ thuật ECMO (trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể). Dùng kỹ thuật này đòi hỏi chi phí cao, trong khi tình cảnh gia đình quá khó khăn, nhưng gia đình lại mong ước có thể để bệnh nhân ở lại điều trị. Hiểu được băn khoăn của người nhà bệnh nhân, ban chủ nhiệm khoa đã đề xuất lên lãnh đạo bệnh viện, xin hướng giải quyết cho bệnh nhân.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã yêu cầu khoa tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho người bệnh, viện phí bệnh viện sẽ hỗ trợ. Sau 18 ngày điều trị tích cực với các phương pháp hiện đại, bệnh nhân H đã được cứu sống.

Chứng kiến cường độ làm việc của bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý của khoa mới hiểu được vì sao tỷ lệ cứu sống bệnh nhân của Khoa HSTC ngày càng cao. Khi có bệnh nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ dù đã trực tối qua thì sáng nay vẫn ở lại để hỗ trợ xử lý, cấp cứu bệnh nhân. Riêng TS.BS. Nguyễn Tất Dũng, người có chuyên môn, kinh nghiệm hồi sức tim và điều trị nhiều bệnh khác thì thường xuyên có mặt trong khoa. Anh hầu như không nghỉ bù sau những ca trực và ít khi về nhà trước 6 giờ chiều.

Đặc trưng của khoa là bệnh nhân quá nặng, nên không chỉ riêng bác sĩ mà điều dưỡng rất vất vả. Vừa chăm sóc, điều trị chuyên môn, vừa phải chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh cho bênh nhân. Thời gian họ dành cho bệnh nhân nhiều hơn ở nhà. Khoa phải thực hiện vô trùng tuyệt đối, nên  các hộ lý cũng luôn tất bật, vất vả. Dù vậy, lúc nào họ cũng động viên, tươi cười với bệnh nhân. Đó cũng là một trong những lý do để bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe và trí tuệ.

Bài, ảnh: XUÂN HỒNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn
BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI HUẾ:
Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện

Cùng với tăng cường hiệu quả quản lý sau khi được chuyển giao về địa phương, Cấp ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải (BV GTVT) Huế chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Đây là cơ sở tiền đề trong lộ trình đơn vị phấn đấu nâng hạng bệnh viện.

Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện

TIN MỚI

Return to top