Chàng trai trẻ Triệu Quang Minh
“Nuôi tinh thể” là tạo ra một môi trường mà ở đó các nguyên tử, phân tử cấu thành chất hóa học, sự hình thành này tạo ra một thứ gọi là “tinh thể” bằng liên kết hóa học, tạo thành 1 khối thống nhất. “Nuôi tinh thể” tạo ra một sản phẩm mỹ thuật từ những liên kết tinh thể.
Năm 2017, tình cờ cậu học sinh cấp 3 “bắt gặp” quy trình nuôi tinh thể, những phản ứng hóa học cho ra tinh thể đầu tiên đến khi hình thành một khối hình lung linh sắc màu thu hút cậu. Minh mày mò tìm hiểu và thử làm. Bắt đầu là dựa theo hướng dẫn trên mạng, Minh chọn phèn chua làm “mầm” cho tinh thể đầu tiên. Mất hai tuần để tinh thể phèn chua có thể thành hình và đó cũng là những ngày tháng đầu tiên cậu “quay quắt” vì đam mê để rồi sung sướng khi tự mình tạo ra những viên tinh thể. Hai tuần theo dõi, điều chỉnh và quan sát sự thay đổi hàng ngày của những hạt tinh thể để có một thành phẩm độc, lạ, đẹp có tính nghệ thuật.
Bởi bên cạnh những chất tạo tinh thể đơn giản trong cuộc sống hằng ngày như phèn chua, muối ăn, baking soda (hay còn gọi là thuốc muối, muối nở)… còn có những chất có phản ứng phức tạp có thể tạo ra mùi, màu, chất độc hại. Những phản ứng liên kết trong quá trình “nuôi tinh thể” đã đòi hỏi Minh phải luôn bổ sung kiến thức để tránh phản ứng có hại, tránh những nguy cơ trong quá trình chế tạo tinh thể. Ví dụ tinh thể Kali Ferricyanide K3Fe(CN)6 sẽ có màu đỏ, tinh thể đồng sunfat CuSO4 màu xanh rất đẹp nhưng khi làm phải cẩn thận, không được tiếp xúc trực tiếp hay dính vào miệng…
Các tinh thể có nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau
Theo Minh, ai cũng có thể thử làm cho mình một vài sản phẩm đơn giản. Nhưng nếu đam mê thì hãy tự mình lên ý tưởng, sự đam mê sẽ cho bạn những khối hình tinh thể vô cùng độc đáo. Minh cho biết, mỗi hóa chất sẽ có thời gian nuôi khác nhau, lượng và thời gian nuôi ảnh hưởng đến kích cỡ của tinh thể. Có những tinh thể nuôi trong 24 tiếng, có tinh thể nuôi trong 2 tuần mà cũng có những loại tính bằng năm. Vì thế, tính kiên trì, chịu khó và cẩn thận cũng là những yêu cầu cần thiết cho thú chơi. “Mình từng làm những tinh thể cần nuôi rất lâu, đến 2 năm mới thành công. Làm tinh thể không phải bao giờ cũng thành công, lúc đầu tỷ lệ thất bại rất cao”. “Có lần, mình nuôi được một tinh thể KDP (Kali Dihydro Photphat) rất đẹp, vậy mà chỉ một sơ suất, công cả tháng… tan thành mây khói, tiếc lắm”. Chàng trai trẻ nhớ lại.
Để có thể nuôi được nhiều loại tinh thể khác nhau Minh phải mua thêm hóa chất tại cửa hàng vật liệu y tế, giá hóa chất cũng không rẻ. Để “nuôi” đam mê, Minh thử rao bán sản phẩm. “Ban đầu, mình chỉ bán cho một vài người bạn, dần dần họ giới thiệu những người bạn khác đến mua. Có một số người cũng yêu cầu mình làm riêng một loại tinh thể nào đó cho họ”. Khách hàng của Minh ngoại trừ ở Huế thì đa số là người Hà Nội, Sài Gòn. Nhiều khách hàng mua không chỉ một lần mà họ mua để có bộ sưu tầm, mua để làm quà tặng người thân trong những dịp lễ, sinh nhật.
“Hồi mới bắt đầu mình làm chung với một người bạn, nhưng rồi bạn ấy đi du học, mình tự mày mò làm tiếp”, Quang Minh cho biết. “Huế hiện chưa có cộng đồng “tinh thể học” chính thức nào nhưng ở các thành phố khác đã có và khá mạnh. Mình thường vào trang cộng đồng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để giao lưu, học hỏi”.
Bốn năm miệt mài với niềm vui “nuôi tinh thể”, với các sản phẩm “xuất xưởng” được làm theo 20 loại chính đã trở nên quá “quen tay”, đó chính là những thành quả ban đầu giúp Minh không phải xin “tài trợ” từ gia đình. Những sản phẩm xinh xinh từ những tinh thể trong trẻo sắc màu tự nhiên dưới bàn tay uốn nắn của Quang Minh đã dần trở thành những tác phẩm hướng tới giá trị nghệ thuật, được người bán, người mua trân trọng. Điều Quang Minh tâm đắc nhất vẫn là cái đẹp, độc. Còn với người mua, là sự trân trọng sự sáng tạo của tác giả…
Nói về tương lai cho “trò chơi” đầy trí tuệ này, Quang Minh vẫn mong các bạn trẻ của Huế hiện có chung đam mê như Minh “tụ tập” thành một CLB nuôi tinh thể. Ước mong này bây giờ còn hơi sớm, nhưng chắc không lâu nữa sẽ thành trào lưu. Nhất là trong mùa dịch, việc các bạn trẻ chọn cho mình một thú chơi trí tuệ như nuôi tinh thể sẽ rất hữu ích. Khách hàng của Minh hiện không chỉ là người mua mà còn rất nhiều người tò mò hỏi quy trình… Và chàng sinh viên trẻ Quang Minh luôn sẵn sàng hướng dẫn chi tiết để làm ra thành phẩm.
Tinh thể được hiểu là những vật thể được cấu tạo từ các ion, nguyên tử hoặc phân tử theo trật tự nhất định. “Nuôi tinh thể” là quá trình tạo ra một hạt mầm tinh thể, sau đó sẽ lựa chọn ra hạt tinh thể mầm xuất sắc nhất để dưỡng cho tinh thể lớn lên. Tinh thể được nuôi có 7 loại hình dạng và mang nhiều màu sắc khác nhau, thích hợp để làm đồ trang trí, đồ lưu niệm, đá phong thủy,…
Bài, ảnh: Phạm Phước Châu