ClockThứ Ba, 16/05/2023 14:47

O Bé “làm” phụ nữ

TTH - Tên đầy đủ là Trần Thị Bé. Mọi người vẫn hay gọi là “o Bé” một cách gần gũi. Sinh năm 1972, o Bé là Chi hội trưởng chi hội Lại Bằng 2, phường Hương Vân, TX. Hương Trà. Rằng, tên là Bé nhưng quyết tâm và nghị lực thì chẳng “bé” tý nào.

Vinh An lan tỏa các mô hình phụ nữ bảo vệ môi trườngNhững mô hình phụ nữ thoát nghèo bền vững ở Thủy Phương320 hộ phụ nữ thoát nghèo từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách

leftcenterrightdel
 Chi hội phụ nữ Lại Bằng 2 giữ gìn vệ sinh môi trường

1. Đường ngoằn nghèo, nhưng đến phường Hương Vân, hỏi o Bé làm phụ nữ thì nhiều người biết. Hơn 30 năm làm công tác hội, ngõ ngách nào ở phường này mà chẳng có mặt o. Mới gặp nhau tôi bất ngờ, o Bé mới ngoài 50 tuổi, trông còn rất trẻ mà đã lên chức bà nội. O cười bảo, nhờ làm công tác hội mà trẻ ra đó. O làm tổ trưởng phụ nữ từ năm 1990, khi mới lập gia đình. Rồi o kể, mới ra đời mà lanh lắm, tui gom góp mua được cái máy cắt sắn tầm 3 triệu và thành lập 1 nhóm chừng 10 chị em. O đảm nhiệm khâu đi liên hệ mua, nhập hàng các chị trong nhóm xắt, phơi và mỗi ngày o trả công từ 120 đến 150 nghìn đồng/chị. Có ngày nhóm của o xắt trên 2 tấn sắn củ.

Năm 2014, o Bé được chính quyền địa phương, cấp hội phụ nữ tạo điều kiện xây dựng một trang trại nuôi hơn 200 con lợn. O bảo: “Lúc đó, nhà nào cũng nuôi lợn nhưng nguồn cung cấp thức ăn khan hiếm. Tui nghĩ ngay đến chuyện mở đại lý chăn nuôi, cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm”. Rồi o thành lập câu lạc bộ “Những người yêu thích chăn nuôi", ban đầu có 26 chị, dần lên 40 người tham gia. O Bé “cắp sách” đi học, về hướng dẫn lại cho chị em cách tiêm phòng gia súc, gia cầm; cung cấp thức ăn với giá rẻ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Chừ các hộ nuôi lợn đã giảm, chủ yếu chỉ còn nuôi gà, vịt, nhưng chị em vẫn duy trì câu lạc bộ này.

leftcenterrightdel
Chị Trần Thị Bé (bên phải) với mô hình ống tre tiết kiệm 

 Mô hình nào hội phụ nữ phát động, chi hội của o Bé cũng đều tham gia. Phụ nữ ở Lại Bằng chủ yếu làm ruộng, làm rừng, đời sống khó khăn. Các chị muốn tham gia hoạt động hội nhưng ngại nên phải có người khởi xướng. Tôi thích mô hình tiết kiệm “Nuôi heo đất” khi đã cho “heo ăn” đến gần 30 triệu đồng. Còn “Ống tre tiết kiệm” mới triển khai được 1 năm nay. Của ít lòng nhiều, mỗi tháng các chị bỏ ống từ 10.000 đến 20.000 đồng, ngót nghét cũng được tầm 3 triệu để hỗ trợ phụ nữ nghèo. Các tổ phụ nữ còn xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương” để nuôi mẹ neo đơn; mỗi tháng, chi hội hỗ trợ 30 lon gạo cho những người già có hoàn cảnh khó khăn. Cái hay ở chi hội Lại Bằng là vận động xây dựng nguồn quỹ tiết kiệm tại chỗ. Đến nay, chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ tiết kiệm hơn 160 triệu đồng cho 52 chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

2. Tôi “khoái nhất” là khi nghe o Bé kể về chuyện làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Quản lý hơn 4 tỷ đồng cho chị em vay, nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng thất thoát. Nhiều người trong làng có tư tưởng không muốn thoát nghèo. O Bé lại đến nhà vận động, khó quá thì o bỏ tiền túi ra tặng thẻ BHYT rồi bày cách làm ăn. Rứa là nhiều người thoát nghèo thiệt, mà thoát nghèo bền vững nữa. Chi hội của o Bé có khoảng 120 phụ nữ được vay vốn. Mỗi chị được vay từ 80 đến 150 triệu đồng, đầu tư trồng trọt và chăn nuôi. Từ mùng 7 đến mùng 9 hàng tháng, người vay đều đem tiền đến nộp đầy đủ. O cười kể, không dây cà, dây muống khi trả nợ với tui được; đau ốm không trả đúng hạn phải có lý do xác đáng; phải quản lý nguồn vốn chặt chẽ thì những chị em khác mới có cơ hội vay vốn.

leftcenterrightdel
Mô hình IMO đó chị Trần Thị Bé làm tổ trưởng 

O Bé còn vận động chị em hội viên phụ nữ thực hiện tuyến đường hoa dài 300m. Rồi, thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” do Hội LHPN thị xã phát động. Năm 2022, Chi hội phụ nữ tổ dân phố Lại Bằng 2 ra mắt mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO)”. O Bé được chị em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Chi hội còn ra mắt mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu gây quỹ để giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn. O đã cùng với chi hội phát động chị em tiết kiệm mỗi năm 10.000đ/hội viên để xây dựng quỹ học bổng Nguyễn Thị Định để giúp các em học sinh nghèo, hiếu học.

Làm răng mà Lại Bằng có gần 300 phụ nữ thì có đến hơn 200 phụ nữ tham gia sinh hoạt hội? O cười, là nhờ có mô hình “Sống vui, sống khỏe”, vận động chị em tập luyện múa dân vũ. O thường chọn thời gian từ 20h hàng ngày, sau khi các chị đi làm về, cơm nước xong mới tham gia. Mới đầu, nhiều chị ngại. Phụ nữ nông thôn lâu nay “đầu tắt, mặt tối” với ruộng vườn, chừ buổi tối tập trung tại nhà văn hóa thôn tập múa, khiêu vũ khiến nhiều ông chồng không quen. Chị mô khó quá thì gọi điện cho o Bé. O nói cái chi với các ông chồng không ai biết nhưng tôi nghe nhiều chị kể lại, tối lại có ông xuống dọn cơm giúp vợ để mạ mi đi văn nghệ với người ta.

Cách nói chuyện của o Bé luôn cuốn hút người đối diện. Tôi hình dung ra các phong trào mà o Bé đảm đương triển khai đều hiệu quả bởi sự cương trực, thẳng thắn và khả năng sắp xếp khoa học. Hỏi bí quyết về cách vận động, o cười hiền lành, học rất nhiều điều qua các buổi tập huấn để ứng dụng khoa học công nghệ; được bồi dưỡng tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Tôi học được một điều ở Bác, đó là gần dân, đồng hành cùng chị em nghèo thì việc chi giải quyết cũng xong xuôi hết. O Bé thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Chi bộ tổ dân phố Lại Bằng, cũng như phối hợp với các đoàn thể trong tổ để triển khai thực hiện các phong trào có hiệu quả.

3. Chị Hồ Thị N. có chồng bị ung thư, con bị bệnh tâm thần. Chị N. suy sụp tinh thần, không muốn tiếp xúc với ai. O Bé động viên, rồi bàn với chị cách vay vốn chính sách 20 triệu đồng để mua máy làm hương. Rồi o lại tìm giúp thị trường tiêu thụ hương. Hiện tại, gia đình chị N. có mức thu nhập ổn định. Tối tối, vợ chồng o Bé cắt cử nhau, chồng thì xuống bầu bạn với chồng chị N., còn o Bé rủ chị N. ra tập múa dân vũ khiến tinh thần chị tốt lên trông thấy. Không riêng gì chị Hồ Thị N., ở Lại Bằng, nhiều chị có chuyện chi cũng tìm đến o Bé.

O Bé làm được nhiều việc cho phong trào phụ nữ là do có hậu phương vững chắc. Chồng o, anh Hồ Khả Lũy lúc mô cũng hỗ trợ vợ mọi việc. Thế nên, nhiều người nói vui, nên kết nạp anh Lũy vào hội phụ nữ. O bảo, có được người chồng biết sẻ chia, đồng cam cộng khổ nên làm việc chi cũng dễ. Đôi khi muốn giúp người nghèo, người bệnh cũng cần có đàn ông để hỗ trợ và anh luôn đồng hành với chị như một hội viên tích cực nhất. Hơn 30 năm làm công tác hội, vận động chị em làm được nhiều chương trình, o Bé được tặng nhiều bằng khen của các cấp. Tính riêng năm 2022, o được nhận bằng khen của T.W Hội LHPN Việt Nam tuyên dương phụ nữ tiêu biểu. Đằng sau những nỗ lực của o Bé, luôn có bóng dáng của người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Hỏi có trăn trở gì về hoạt động phong trào, o Bé bảo, mọi thứ đã đi vào nề nếp. Trước đây, vận động hội viên vô hội phụ nữ khó lắm, bởi điện thoại smart phone chưa có, cần việc chi cũng phải đến từng nơi để vận động. Chừ các chị ở rải rác tại 6 tổ, quanh co khoảng chừng 3km, nhưng cứ nhắn vào zalo là triệu tập được ngay. Chỉ có điều, toàn chi hội có 200 hội viên thì chỉ mới có 120 người được vay vốn chính sách. Nhiều người tâm tư, mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư. Tôi biết, công việc “vác tù và” của o còn kéo dài nữa. Mặc dù, mới có trợ cấp  được 300.000 đồng/tháng từ năm 2022, nhưng với o Bé, được cống hiến, được đồng hành cùng chị em không chỉ là trách nhiệm mà là niềm vui, niềm hạnh phúc...

Bài, ảnh: An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Khi người dân vươn lên thoát nghèo

Khi người dân phát huy được vai trò chủ thể, họ vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Vang giảm đáng kể so với đầu năm nay.

Khi người dân vươn lên thoát nghèo
Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo

Trong phong trào “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu giai đoạn 2019 – 2024”, Hội CCB huyện Nam Đông đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo
“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

Là cán bộ đầy nhiệt huyết trong công tác giúp dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, ông Trần Công Thuyên, công chức Văn hóa Xã hội ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) được bà con địa phương thương mến gọi với cái tên... “ông giảm nghèo”.

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

TIN MỚI

Return to top