Sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học. Ảnh: Hữu Phúc
Thu hút doanh nghiệp trong nước, quốc tế hợp tác, đầu tư
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp CNTT của tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, đến hết năm 2020 sẽ đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực CNTT làm việc tại Huế; đến năm 2025 đạt 10.000 nhân lực CNTT phục vụ phát triển công nghiệp CNTT. Thúc đẩy triển khai xây dựng Khu Trung tâm CNTT tỉnh, là nơi ươm tạo, phát triển doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT. Tổ chức tốt công tác khảo sát, phân tích, đánh giá trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, làm tiền đề cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT tỉnh giai đoạn 2021-2025 đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM). Với sự ra đời của hệ thống ứng dụng Hue-S (cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip) và Hue-G (dành cho lãnh đạo, CBCCVC tỉnh trong việc quản lý, theo dõi, xử lý các ứng dụng CQĐT).
Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 03/02/2020 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh năm 2020 đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT của tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Kế hoạch nhằm xây dựng và thực hiện giải pháp, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT được phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời đưa ra phương án để thu hút, kêu gọi tối thiểu 15 doanh nghiệp trong nước và 3 doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh trong năm 2020...
Thừa Thiên Huế sẽ là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu về công nghiệp CNTT
Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, đảm bảo mục tiêu đến 2025 Thừa Thiên Huế là một trong 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về công nghiệp CNTT theo đề án phát triển công nghiệp CNTT, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giao cho các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu, đề xuất phương án hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động và phối hợp thực hiện một số nội dung hợp tác khác nhằm thu hút tuyển sinh lĩnh vực CNTT. Trong đó, phải có định hướng mục tiêu tuyển sinh cụ thể nhằm chuyển tải, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nghiên cứu; đồng thời có kế hoạch làm việc cụ thể với các trường THPT, THCS trên địa bàn để định hướng nghề nghiệp, xây dựng chương trình hợp tác đào tạo về kỹ năng CNTT, STEM, đánh giá, nắm bắt nhu cầu nguồn lao động theo từng thời kỳ.
Tại trung tâm IOC Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thái Bình
Thực hiện việc khảo sát đánh giá, rà soát thực trạng phát triển CNTT trong đó tập trung vào chất lượng đào tạo nguồn CNTT để có kế hoạch triển khai phù hợp; tổ chức sàn giao dịch việc làm trong lĩnh vực CNTT...
Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức chương trình gặp mặt đội ngũ CNTT tại TP. Hồ Chí Minh; khởi công dự án xây dựng tòa nhà Trung tâm CNTT tập trung tại khu đô thị mới An Vân Dương; công bố và vận hành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực CNTT…
Hiện nay, Trường đại học Phú Xuân là đơn vị tiên phong trong việc ký kết chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh. Theo tính toán của trường, để đảm bảo nguồn nhân lực 10.000 người trong lĩnh vực CNTT, đầu vào ngành CNTT và các ngành phụ trợ phải đạt quy mô 2.000 - 3.000 sinh viên/năm, trong đó sinh viên chuyên ngành CNTT khoảng 1.500 sinh viên/năm. Tuy nhiên, hiện con số này mới đạt 350 sinh viên. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo chính quy, Trường đại học Phú Xuân còn triển khai chương trình chuyển đổi nghề lập trình viên cho các sinh viên ngành khác.
Tại Đại học Huế, các trường đại học đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành CNTT; chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, thị trường công nghiệp CNTT tỉnh sẽ có cơ cấu gồm 4 loại hình doanh nghiệp: chủ lực, nền tảng, thị trường và tiềm năng (khởi nghiệp). Tỉnh sẽ tập trung phát triển từ 3 đến 5 doanh nghiệp chủ lực với quy mô mỗi doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 nhân lực, dành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất để hình thành những “cú đấm thép”, dẫn dắt thị trường CNTT của địa phương và đầu mối lôi kéo, đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Đông Nam Á, mà Việt Nam là một trong những điểm sáng.
Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp chủ lực tăng theo từng năm và đến năm 2025, tổng số nhân lực CNTT trong các doanh nghiệp này là 8.469 người. Chiến lược phát triển nhân lực CNTT tỉnh phát triển theo từng vị trí cao cấp/chuyên gia, trung cấp/quản lý và chuyên viên/lập trình viên, trong đó tập trung thu hút nhân lực chuyên gia cao cấp đến làm việc tại địa phương.
Thừa Thiên Huế dự kiến có một giải pháp đồng bộ để thu hút nguồn nhân lực chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước về làm việc tại Huế, trong đó có những người con của Huế.
Kỳ 2: Bốn giải pháp đột phá
Phan Ngọc Thọ
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế