ClockChủ Nhật, 30/07/2023 06:57

Quà chợ

Về đâu, bánh đúc mật?Quà quê

Sáng sớm, cha đã đạp xe ra đồng thăm lúa. Loanh quanh một vòng xem xét nước nôi, sâu cỏ..., vừa dong xe về tới cổng thì cũng đúng lúc nghe tiếng mẹ rổn rảng vọng vào từ đầu ngõ. Nay mẹ đi chợ, mang về bữa sáng muộn cho cả nhà là những chiếc bánh tẻ, bánh rán lăn đường còn nóng hổi. Vừa ăn bánh vừa ngó nghiêng chiếc làn nhựa mẹ đặt góc hè, còn thấy bánh đa, chè lam, bánh đúc nữa. Cha cười khà khà trêu chọc, nói mẹ đi “ăn quà” khắp chợ, xưa kia mà mua nhiều thế này thì nhà “treo niêu” luôn. Giọng mẹ nhỏ nhẹ, những thứ mẹ mua không đơn thuần là đồ ăn, mà là ký ức quà chợ một thời nghèo khó. Mẹ mua và rưng rưng thương nhớ bầy con xa nhà. Bây giờ tất cả đã lớn khôn, được đi đây đó ăn nhiều của ngon, vật lạ, nhưng mẹ tin chúng vẫn thích thú với những món quà vặt bé nhỏ xửa xưa này.

leftcenterrightdel
 

Tôi nhớ những lần được theo mẹ đi chợ phiên ngày bé. Khu chợ một tháng chỉ họp đôi, ba lần, gần tết thì sẽ tăng lên gấp đôi, tập trung vào nửa cuối tháng Chạp. Nhớ chiếc đò qua sông sang chợ “chạy” bằng sức người còng lưng chèo lái. Sông ngày ấy chẳng sâu hoẳm và rộng hoác như bây giờ, đò có chìm có lật cũng chẳng ai lo sợ vì nước lớn cũng chẳng ngập lút đầu người. Nhưng ngồi đò khi đi xong buổi chợ là lo dữ lắm, vì lỡ hàng hóa rơi sông là mất công, mất của. Cái thuở mà từng hạt muối, giọt dầu rơi đổ chút thôi cũng tiếc nẫu ruột. Thế nên ai cũng cẩn trọng nhường nhau lên đò, vừa người, vừa hàng mà về nhà cho an toàn chứ không vội vàng, chen chúc.

Mỗi khi mẹ hay bà đi chợ, là chị em chúng tôi xôn xao ra ngóng vào trông. Mỗi chuyến đò sang, thấy người cắp thúng, quẩy gánh về ngang ngõ lại chạy xô ra ngó nghiêng. Mẹ về là ùa ra vây quanh ríu rít, đợi mẹ mở chiếc bao bì che ngang miệng thúng là sẽ có quà. Ngày ấy, như một việc làm được mặc định khi đi chợ, mẹ sẽ mua một cột bánh đúc dành biếu ông ngoại. Cột bánh đúc được đổ khuôn như cây giò lụa bây giờ, sực thơm mùi lá chuối hơ lửa. Đứa nào mang quà cho ngoại, sẽ được cùng ăn tới khi nào hết thì thôi. Ngoại tôi chỉ thích chấm bánh đúc với mắm tôm, đó là món ông có thể ăn cả đời mà không chán.

Đêm trước ngày đi chợ, mẹ sửa soạn những thứ nhà tự sản xuất được để đem sang chợ bán. Khi thì vài chục trứng gà, mấy cân đậu phộng, lúc lại dăm nải chuối ương chín, buồng cau tươi non… Xong rồi ngồi nhẩm ghi ra giấy danh sách những món đồ cần mua, ghi rõ thế để không sợ quên, không sợ thiếu. Ngày họp chợ phiên, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, món nào cũng bán rẻ hơn so với ở tiệm tạp hóa hay hàng xén. Ở đó, người ta có thể tha hồ lựa chọn, trả giá cho các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Sẽ dễ dàng mua được miếng thịt ngon vừa mắt, con cá tươi đúng ý. Quà chợ của mẹ, đơn giản là chiếc bánh rán nhân đậu xanh đã nguội ngắt và dai nhách; là khúc mía, củ khoai từ, ít miếng chè lam dẻo ngọt quyện trong vị gừng cay ấm, chiếc kẹo dồi giòn rụm, thơm mùi đường, nhân lạc; mấy chiếc bánh giấy xanh đỏ tím vàng mỏng te dậy mùi bơ sữa… Chuẩn bị cho năm học mới, quà sẽ là vài bộ quần áo mới rộng dài, chiếc bờm tóc đính nơ điệu đàng, đôi bông tai bằng nhựa, hộp bút màu cầu vồng… Quà chợ là thứ không bao giờ có tên trong tờ giấy mẹ gấp vào mở ra đến nhàu nhĩ, nhưng mẹ chưa bao giờ quên. Chỉ cần khéo léo đong đếm một chút là mẹ có thể mua chúng. Những thứ bé nhỏ thôi nhưng đổi lại được cả bầu trời vui tươi cho các con của mẹ.

Nghĩ về những món quà chợ của thuở thiếu thốn, khó khăn cách nay gần 30 năm, tôi chợt thấy mình là người giàu có. Một tuổi thơ giàu kỷ niệm, giàu những trải nghiệm và cảm xúc đã vun bồi cho tôi năng lượng sống vui tươi, hạnh phúc khi trưởng thành. Yêu quá mảnh ký ức xa xôi mỗi lần mẹ đi chợ về, căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng nói cười, trái tim ai cũng nhộn lên nhảy nhót.

Mai Đình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo

TIN MỚI

Return to top