Bà Đặng Thị Thân nâng niu những trái quýt quý
Cây quý giữa vùng đặc sản
Ngày đông, ngồi thu mình trong những ngôi nhà vườn xứ Thủy Biều, nhâm nhi múi quýt Hồng Diễu vừa hái từ trên cành xuống còn tươi ngon, mới thấm hết mạch nguồn của đất, của những hạt phù sa chắt chiu triệu năm trên vùng đá núi của thượng nguồn Trường Sơn, theo dòng Hương về bồi đắp cho biền bãi Lương Quán.
Hỏi về giống quýt Hồng Diễu, ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều chỉ cho tôi cái “lý lịch trích ngang” là giống cây quý, trồng nhiều đời ở Lương Quán. Phụ trách nông nghiệp nhiều năm, đi khá nhiều nơi nhưng chưa thấy giống quýt nào cho trái thơm, ngon như thế!
Nhà anh Lê Hồng Quân (tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều) còn giữ được hơn 50 cây quýt trong vườn. Những ngày cuối năm, quýt bắt đầu bước vào vụ chín vàng rực trên cây. Ngồi trò chuyện, thỉnh thoảng anh lại nhận được điện thoại của những “khách quen” từ phương xa hỏi thăm tình hình quýt được mùa hay mất, rồi “đặt chỗ” vài ký làm quà tết.
Anh Quân kể: Loài quýt này được trồng từ thời ông sơ, ông cố, khi anh lớn lên đã thấy cây cao ngang đầu người, cho trái không biết bao nhiêu vụ rồi. Câu chuyện “truyền miệng” trong gia đình anh, thời ông sơ làm quan ngự y trong triều Nguyễn, ra Bắc mang giống quýt này vào trồng nay đã ngót trăm năm. Những cây quýt đầu dòng đến nay vẫn giữ được là nhờ vào bàn tay chăm chút của gia đình.
Quýt Hồng Diễu ở Thủy Biều với đặc tính thơm ngon, ngọt
Quýt Hồng Diễu khi ra hoa đến khi thu hoạch tròn một năm trường, quýt chín đúng vào dịp tết nên thường được thực khách mua đặt làm quà. Đây là giống cây quý, chỉ hợp được với vùng đất giàu phù sa như Thủy Biều. Có năm được mùa, sản lượng đạt 100kg/cây, gia đình anh bán được khoảng 30 triệu đồng.
Dù chỉ mới “chín bói” đầu vụ, vỏ những trái quýt Hồng Diễu trong vườn nhà anh Quân đã có màu vàng đậm, bổ trái ra hạt ít, vỏ mỏng, múi mọng nước với màu đỏ đậm có vị ngọt, thơm. Được thưởng thức hương vị loài quýt quý trong những ngày đông trong khu nhà vườn Thủy Biều, chợt thấy thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này những “hạt phù sa” không phải nơi nào cũng có được!
Rót ra ly rượu quýt mà hương thơm đã dậy mùi, anh Quân bảo rằng, chỉ khách quý mới được mời chén rượu ngâm trong ngày tết. Hồng Diễu không chỉ dùng ăn như một thứ trái cây trong vườn nhà, mà còn dùng làm để hạn chế độ nồng của rượu khi lên men. Cứ dịp tết, nhà trồng quýt ở Lương Quán đều có ngâm 1 hũ rượu nhỏ trái bồ quân, cũng là loại cây trồng trong vườn. Ngâm khoảng 20 ngày khi trái vừa lên men tới, chủ nhà bổ đôi khoảng 2 trái quýt ra thả vào hũ ngâm để hạn chế độ nồng của rượu.
Ông Đặng Văn Thôn, một hộ trồng quýt ở Lương Quán nói với tôi rằng, trồng quýt Hồng Diễu thì không sợ bị… trộm. Bởi vỏ cây chỉ cần xây xước khi rụng rơi hoặc bị bóc ra thì hương thơm đã ngạt ngào, bay xa rồi. “Trồng trong vườn với cả bãi bồi nữa, gia đình còn khoảng 40 cây. Với người dân nơi đây, cây quýt không chỉ đơn thuần là cây ăn quả mà còn như là một báu vật của gia đình. Ngày tết, đơm trái quýt lên bàn thờ gia tiên, cũng là nhớ ơn tiền nhân đã để lại cho gia đình một loài cây quý vậy”, ông Thôn chia sẻ.
Trong ký ức người dân Thủy Biều, thời thịnh nhất của quýt Hồng Diễu là cứ dịp tết đến xuân về, người trồng hái quýt, rửa sạch, xếp vào từng nẹt chở xuống chợ Đông Ba bán. Mỗi hộ trồng ở đây có từ 40-50 cây trong vườn nhà, quýt được chăm bẵm, duy trì được những giống cây đầu dòng và chỉ bán tại nhà khi khách tìm đến mua.
“Giấc mơ” vườn quýt bãi bồi
Để “bảo tồn” giống quýt Hồng Diễu, cho những trái thơm ngon ngày tết, thôn dân Lương Quán hàng năm phải chăm bẵm như loại cây đặc sản của vùng. Xen lẫn trong những vườn thanh trà, giữa 2 cây quýt dân trồng luôn có một hố phân chuồng để người dân cải tạo đất. Hố vừa thu nước tránh ngập úng cho cây, vừa ủ phân bón cả năm cho rễ cây vươn tới.
Trồng được loài quýt quý, hơn ai hết, người dân Thủy Biều luôn hiểu về đặc điểm “khó tính” của nó: Mỗi mùa ra hoa, trái đậu rất nhiều nhưng tỷ lệ rụng cũng cao sau mỗi trận mưa đầu mùa. Thân cây nhỏ, không chịu nổi khi cây sai trái. Dân Lương Quán đã nghĩ ra cách chống đỡ cây quýt thật độc đáo. Đó là, dùng mỗi thanh chống độc lập để đỡ mỗi cành cây, không chồng các cành lên nhau vì nơi tiếp xúc các cành thường xuất hiện nấm bệnh. Những năm gần đây, để phát triển giống quýt này, người dân đã tự chiết cành, nhân giống ra trồng cây con ở bãi bồi Lương Quán - khu quy hoạch trồng cây thanh trà.
Quýt Hồng Diễu đến nay chỉ mới thấy trồng ở Thủy Biều, diện tích nhỏ, dù thơm ngon nhưng vẫn ít người biết tới. Nếu được quy hoạch vùng đất cao ráo, giàu phù sa như ở vùng bãi bồi ven sông Hương, sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển, bảo tồn, phục tráng giống quýt quý này về sau.
Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều cho rằng, biết là loài cây ăn quả quý hiếm, cây đầu dòng nên cùng với cây thanh trà, địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân nhân rộng, phát triển giống cây quý và quảng bá sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 20 hộ dân còn trồng quýt Hồng Diễu, loài cây này cũng đã được mang ra bãi bồi trồng thí điểm khoảng 50 cây. Dù diện tích trồng còn ít, chủ yếu người dân còn giữ lại cây đầu dòng từ xưa, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Là “món quà” quý cho khách phương xa khi đến Huế mỗi dịp tết đến xuân về.
Tiến sĩ, Nhà nông học Lê Tiến Dũng cho rằng, hiện nay, ở nhiều địa phương, có nhiều loại giống cây nông sản quý được người dân trong quá khứ mang các nơi về hoặc theo chân những cuộc di dân trong lịch sử. Đối với quýt Hồng Diễu là loài cây cổ, đầu dòng, giá trị, chất lượng trái đã được chứng minh qua nhiều năm khi trồng ở Lương Quán.
Tuy nhiên, đối với những cây đầu dòng, cần phục tráng, nhân giống để tránh lão hóa cây theo thời gian. Những giống cây quý khi phục tráng, nhân giống thì chỉ thuần 1 giống cây đó thôi, nên chỉ được ghép trên cây gốc của nó mới cho sản phẩm quả hương vị không đổi. Ngoài ra, phải quy hoạch vùng trồng tập trung ở vùng đất có giống cây quý đó để phát triển diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp muốn “di thực” sang vùng đất mới phải xét đến các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện ngoại cảnh (vì cây ăn quả dễ bị chi phối bởi điều kiện môi trường)… mới đảm bảo chất lượng quả như cây gốc được.
Bài, ảnh: Hà Nguyên