ClockChủ Nhật, 25/08/2024 06:25

“Săn” cá bống suối

TTH - Hôm đến xã Hồng Thủy xa xôi của huyện biên giới A Lưới, tôi gặp hình ảnh dưới dòng suối uốn lượn giữa núi rừng, người phụ nữ Pa Cô đang mải miết “săn” cá bống. Mồ hôi ướt lưng chiếc áo cũ, dệt bằng vải zèng truyền thống, nhỏ giọt trên đôi má hồng rực lên dưới nắng. Nụ cười cũng rạng rỡ như nắng và mộc mạc, hiền lành như lá rừng. “Bức tranh” thật đẹp khiến chúng tôi không thể nào không “chốt” cái hẹn ngược suối.

“Săn” nấm mối

 Mải miết với công việc

Mồ hôi và niềm vui

Khi những đụn mây trắng xốp bồng bềnh bao quanh chân núi dần tan ra, nắng vàng ươm len qua các ngọn cây, chảy tràn xuống dòng suối đang mùa nước cạn, cũng là lúc chúng tôi theo chân những người phụ nữ Pa Cô ngược suối Tân Tưng (chảy qua địa bàn xã Hồng Thủy) để săn cá bống.

“Mùa này nước suối còn cạn, cá bống rất nhiều, thịt vàng ươm và thơm ngon, béo ngọt hơn những thời điểm khác”. Kăn Đạt, người phụ nữ tuổi chưa chạm ba mươi, khoác bên hông chiếc ka ria (dụng cụ đựng cá được đan bằng tre, bằng mây), nở nụ cười, nhỏ nhẹ: “Đi nào”. Chị Hoàng Thị Dung (tầm tuổi Kăn Đạt và bà Nguyễn Thị Địa (ngoài sáu mươi) cũng mang dụng cụ, nhanh nhẹn cất bước. Tiếng nước chảy róc rách qua từng len đá hòa cùng gió núi vi vút như giai điệu rộn rã của núi rừng khích lệ những đôi chân chăm chỉ.

 Gom góp từng "mẻ" cá

Kăn Đạt nói, người Pa Cô dùng a nóc để bắt cá suối. Đó là chiếc vợt tròn có miệng rộng chừng một vòng tay người lớn, được đan bằng lưới, có tay cầm. Có khi, họ cũng dùng a nụa - dụng cụ được đan bằng tre nứa để xúc cá. Cá xúc lên, nhất định phải đựng trong ka ria, như thế độ tươi của cá mới được giữ lâu hơn. “Đựng trong xô chậu cá sẽ nhanh chết, nhanh ươn hơn. Vị ngon ngọt của cá cũng giảm. Đồng bào mình đan ka ria bằng tre, bằng mây chặt trên rừng. Những nan tre đan vào nhau có lỗ thông hơi, nên dù không có nước nhưng cá vẫn rất lâu chết”, Kăn Đạt giải thích.

Chọn khúc suối có đá, đặt a nóc xuống lòng suối, sau đó cả ba người cùng đuổi cá; lật hết đá lên để đuổi cá chạy vào a nóc. Những người phụ nữ cắm cúi ngược dòng nước, tỉ mẩn lật từng viên đá suối, để cá không có chỗ trốn. Nước suối trong vắt chuyển màu đỏ au của bùn đất.

 Phút nghỉ chân bên suối

Nâng chiếc vợt lên cao, ánh mắt Kăn Đạt và các “đồng nghiệp” vui vẻ trước thành quả thu được. Những con cá bống lớn, cá bống nhỏ…, nhảy long tong dưới đáy vợt. Đổ cá vào ka ria đeo bên hông, những người phụ nữ Pa Cô tiếp tục quá trình ngược dòng nước, đặt vợt, lật đá, đuổi cá. Đến trưa, khi cái nắng đã đứng bóng trên ngọn núi, những lưng áo đã ướt đẫm, thì những chiếc ka ria cũng “nằng nặng” cá suối, mà phần lớn là những con cá bống tươi rói nhảy lách chách.

Kăn Đạt có công việc khác. Chị Dung và bà Địa cũng theo nghề làm nương làm rẫy là chủ yếu, hết trồng lúa ra dư thì quay sang trồng ngô, trồng sắn. Những khi nương rẫy ngơi việc, họ sẽ đi suối bắt cá. Thường thì những ngày nghỉ cuối tuần, Kăn Đạt sẽ cùng gia nhập, cải thiện bữa ăn gia đình. Hôm nào thu hoạch được nhiều, mọi người sẽ “lên mạng” bán, để kiếm thêm thu nhập.

 Thành quả sau một ngày

Những người phụ nữ này thường chọn mấy con suối quen gần nhà, nhưng cũng không ít lần “săn” cá suối xa. Những con suối Xó Xa, Xó Tông, Xó A Rai, Đa Karong… đều in dấu đôi chân chăm chỉ của những người phụ nữ vùng cao. 1kg cá bống suối có giá 150 nghìn đồng. Chăm chỉ trên các khúc suối quanh co, từ sáng cho đến quá trưa, mỗi người may mắn có thể bắt được từ 1 đến 2 ký cá. “Đăng lên facebook, thường thì bạn bè, người quen đặt mua hết, mình sẽ chuyển cá đến tận nơi. Những lúc như vậy vui lắm. Vui vì mình kiếm thêm được một khoản thu nhập, cũng vui vì mọi người được ăn món cá tươi ngon từ thiên nhiên” - Kăn Đạt chia sẻ cùng nụ cười dễ mến.

Món quà của cuộc sống  

Cá bống suối chính là món quà thiên nhiên mà những khúc suối quanh co chảy ra từ đại ngàn ban tặng cho cư dân nương mình bên những cánh rừng già dưới chân dãy Trường Sơn. Trong làn nước ngọt lành, cá bống suối lớn lên nhờ ăn các loại rong rêu bám trên đá nên thịt ngọt thơm và dai. Cá bống lớn to bằng ngón tay cái, cá nhỏ bằng đầu đũa. Cá bống suối được xem là đặc sản của núi rừng vùng cao. Loại cá này nhiều thịt ít xương, xương rất mềm, thịt dai và thơm ngọt, có thể chế biến được rất nhiều món ngon. Ngoài nướng lá, nướng ống, nấu canh chua thì người Pa Cô hay kho cá bống suối với ớt rừng, tiêu rừng, kiệu rẫy, thêm chút đường cùng dầu ăn... Cơm trắng đưa theo món ngon ấy không biết bao nhiêu cho đủ.

Đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống cùng rừng rẫy, suối khe đều có thể bắt cá suối. Theo lời kể của bà Địa, món cá bống suối nướng ống tre, cá bống suối nướng lá thường được sử dụng trong các lễ hội như lễ mừng lúa mới hay lễ cưới hỏi của người Pa Cô. Ngày trước, khi khách quý đến nhà, con rể về thăm nhà hay trong lễ nhà trai đến thăm nhà gái để dạm hỏi, món cá bống suối đều được người Pa Cô trân trọng mang ra mời, để bày tỏ lòng quý mến, hiếu khách. “Đó là nét đẹp của người Pa Cô mình, có cái gì ngon, cái gì quý đều muốn dành cho khách”, bà Địa nói.

Mùa hè, bắt đầu từ buổi trưa, trời hay có mưa giông, những vùng đồi núi ở A Lưới, sấm sét thường nhiều. Để tránh nguy hiểm, những người đi suối bắt cá bống thường chọn đi buổi sáng. “Tháng 7, tháng 8 là khoảng thời gian cá bống nhiều nhất. Do đặc tính cá này sinh sôi nhiều, phát triển nhanh ngoài thiên nhiên nên chúng đẻ trứng quanh năm, nhưng thời điểm cuối hè là cá nhiều trứng nhất và béo nhất trong năm” - chị Hoàng Thị Dung góp chuyện.

Theo kinh nghiệm của chị Dung, tập tính của cá bống suối thích trú ngụ dưới những hốc đá mới, nên khúc suối nào sau khi được người săn cá bống lật hết đá lên, chỉ thời gian ngắn quay lại, nơi đó cá bống lại tập trung về rất nhiều. Thế nên, ngày nào họ cũng lần bước chân đi từ con suối này qua các con suối khác, nhưng cá vẫn không bao giờ cạn. “Mình xúc cá thủ công bằng tay. Cá bị xúc đi, trứng lại nở ra cá con, cá con lại tiếp tục lớn. Vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại như thế nên không cạn kiệt được. Nếu bắt cá bằng kích điện thì đến trứng cá cũng chết. Cá kích điện ăn dở lắm, vì đâu còn tươi sống. Quan trọng là, nay bà con nghe theo tuyên truyền của chính quyền, không bắt cá bằng kích điện, để bảo vệ môi trường sống cho cá, cũng không gây nguy hiểm cho bản thân” - chị Dung bộc bạch.

Qua hết mùa nắng, mùa mưa sẽ kéo về. Nước suối dâng cao, cá bống suối không chịu nổi dòng nước chảy xiết, chúng sợ bị lực nước mạnh cuốn trôi nên sẽ dạt hết vào hai bên bờ. Không cần lật đá đuổi cá, những người săn cá bống đi dọc theo bờ suối, dùng dụng cụ để “đón lõng” và xúc.

Theo chị Nguyễn Thị Tứ (công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới), những năm gần đây, không chỉ bà con đồng bào có dụng cụ trong nhà và có nghề săn cá bống để tăng thu nhập, mà một số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn cũng cùng nhau tổ chức dã ngoại bên suối, “săn” cá ngược dòng mỗi dịp cuối tuần. Đó như là món ăn tinh thần của cuộc sống vậy.

Hà Lê - Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
Nem chua, đặc sản xứ Huế

Người Huế khá cầu kỳ và công phu nên món ăn, dù là bình dân hay sang trọng, đều phải đảm bảo cả hai tiêu chí: đẹp mắt và ngon miệng. Nem chua xứ Huế là một đặc sản, bởi nó có sự giao thoa giữa ẩm thực cung đình và dân gian, là một món ngon hấp dẫn và không quá đắt đỏ.

Nem chua, đặc sản xứ Huế
Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ

Giờ đây, ra chợ thị trấn A Lưới, du khách có thể mua được thịt bò vàng tươi với nhãn hiệu được in rõ tại gian hàng. Sắp tới, một gian hàng đặc sản tương tự cũng sẽ có mặt tại chợ phiên theo chủ trương của lãnh đạo huyện vùng cao này.

Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ

TIN MỚI

Bể cá cảnh mini phong thuỷ Bể cá cảnh mini
Return to top