Khi giã gạo, hai người cần hiểu ý nhau, phối hợp nhịp nhàng
Bà Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới kể: Theo truyền thuyết, cây Ra dư sinh ra từ quả trứng đá, được chàng Pút - con của nhà trời - giao cho vợ là nàng Tưr trước khi đi xa. Nàng Tưr nhớ thương chồng, đem chôn quả trứng xuống đất, trứng mọc lên một cây như cây bầu, thân cây leo khắp triền núi triền sông. Năm đó, mùa người dân tuốt lúa về thì quả của cây này cũng chín tới. Nàng Tưr vác quả về đập vỡ ra thì bất ngờ trong bụng quả chảy ra vô vàn là lúa. Nàng Tưr đem gạo ra nấu ở triền sông. Gạo thơm khói tỏa, chàng Pút hiện về. Dân làng biết ơn chàng đã cho hạt lúa quý, đặt tên là Ra dư, nghĩa là lúa dành cho chàng rể.
Có được giống lúa quý, hấp thụ tinh hoa của đất trời mà trở nên dẻo thơm, người miền cao A Lưới chọn chỗ đất dày, có nhiều chất dinh dưỡng để trỉa hạt. Sau đó, giã gạo, giần, sàng mới cho ra được hạt gạo Ra dư trắng muốt, tròn trịa. Bà Quỳnh Tường cho biết: “Từ ngàn xưa, người ta quan niệm rằng, người con gái trước khi đi lấy chồng phải biết giã gạo. Ra dư như mọi người đều biết là gạo dành cho chàng rể, nhưng trong văn hóa, ngôn ngữ của người Cơ Tu, Tà Ôi còn có nghĩa là thương nhớ. Khi giã gạo, hạt gạo càng trắng, càng đẹp, tròn trịa lại càng tượng trưng cho tấm lòng trinh nguyên của người con gái”.
Nơi miền cao A Lưới hiện còn giữ tập tục đẹp là giã gạo, gói bánh A quát trong cuộc sống hàng ngày, cũng như tại các lễ hội. Các tộc người vùng cao A Lưới đứng quanh từng chiếc cối, phụ nữ trong trang phục truyền thống, vung chày thi giã gạo. Người Pa Hy trang phục chiếc zèng có pha sắc sợi xanh lá cây rừng; người Pa Cô trang phục có những dải đỏ vắt ngang như mặt trời mọc trên núi; người Cơ Tu, Tà Ôi trang phục có những hạt cườm trắng như hạt lúa, hạt sương…
Khi giã gạo, những người phụ nữ đổ những hạt thóc vàng ươm vào chiếc cối tròn. Hai người, một người cúi xuống giã thì người còn lại nâng chày, đều đặn, nhịp nhàng. Cứ thế thụp, thùm thụp, thùm thụp…, tiếng giã gạo ngân lên, hòa cùng tiếng Târlee, tiếng cồng chiêng cổ vũ tạo thành một bản hòa tấu độc đáo ở miền cao. Sau các nhịp chày đều đặn, những hạt thóc văng dần lớp vỏ vàng, hạt gạo trắng lấm tấm dần xuất hiện trong chiếc cối. Tiêu chuẩn của thi giã gạo là hạt gạo đa số phải còn nguyên, không bị nát. Gạo không trộn quá nhiều trấu. Và một điều quan trọng khác là thóc gạo không được văng từ cối ra đất nhiều. Nhìn vậy chứ giã gạo không hề đơn giản. Chày gỗ khá nặng, nên muốn giã được gạo phải có sức, đồng thời, hai người giã phải hiểu ý nhau, giã phải đều đặn và nhịp nhàng, nếu không sẽ bị vướng chày, không giã được.
Bánh a quát gói từ gạo Ra dư
Sau khi giã, tất cả gạo lẫn trấu được đổ ra một cái nia để sảy. Người sảy gạo nắm hai bên vành nia, đưa hai tay xoay đều theo vòng tròn. Đôi bàn tay sảy nhanh khiến cả lúa và thóc như tạo thành những lớp sóng trắng nhỏ trên nia. Sau những cái lắc người, lắc tay đều đặn, trấu và hạt lép trôi ra phía trước, được gạt sang cái mủn con, trên nia chỉ còn lại những hạt gạo Ra dư trắng muốt.
Bánh A quát còn gọi là bánh sừng trâu, bởi nó có hình dáng đôi sừng trâu có hai đầu nhọn hoắt. Bánh A quát gói từ gạo hoặc nếp than. Để gói bánh A quát, bà con lên rừng hái lá đót tươi. Lá đót không được già vì dễ rách mà lá non quá thì không tạo khuôn được. Bánh được bó thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ hơn là hiện thân của người con gái. Sau khi được buộc thành từng cặp, bánh được ngâm trong chậu nước vài giờ rồi mới đem đi luộc để đảm bảo độ mềm, dẻo. Bánh chín, nếu gói bằng gạo, bánh sẽ có màu trắng ngà. Nếu nấu bằng nếp than, bóc tách từng lớp lá sẽ hiện ra chiếc bánh có màu đen phớt hồng rất đẹp mắt. Khi đưa lên thưởng thức, bánh có vị bùi bùi, thơm thơm.
Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, từ năm 2017 đến nay, huyện A Lưới thường niên tổ chức các cuộc thi giã gạo, gói bánh A quát. Các cuộc thi này được xem như một cách để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới.
Cây lúa Ra dư còn được lưu giữ trên tấm zèng. Bụi lúa được người Tà Ôi đính cườm trên zèng bằng một hình khối gọi là “Tôm aro” như chiếc vương miệng hình ngũ giác. Có sáu dé lúa trổ thành sáu bông hoa, giữa có một trái tim biểu trưng cho thân chính của bụi lúa. Đáy kết từ 22-24 hạt cườm… Bánh A quát đính cườm trên tấm zèng Tà Ôi gồm hai hình ghép lại. Hình thứ nhất là một tam giác đều. Hình thứ hai là 3 đường nhọn hình chữ V có đỉnh nối với tam giác đều kia, nhìn hết sức tinh tế.
Ra dư có nghĩa là “thương nhớ”. Cây lúa Ra dư bây giờ đang giăng lá xanh non trên các triền đồi. Vào mùa hè, sau mùa gặt, Ra dư sẽ cùng các bản làng vui hội Aya (Mừng cơm mới), rồi các hội hè khác như A Riêu Car (Lễ thề nguyền kết đoàn)…
“Ở A Lưới, có thể nhà sàn, nhà dài truyền thống không còn được như xưa; nhưng những gì gắn liền với Ra dư thì vẫn còn, còn trên rẫy, trên tấm zèng, và trong các lễ hội”…, bà Quỳnh Tường tự hào.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH