ClockThứ Bảy, 26/12/2020 11:32

Ra khơi ngày mưa, rét

TTH.VN - 3 giờ sáng là khoảng thời gian nhiệt độ xuống rất thấp, trời mưa lất phất càng khiến cái lạnh thêm buốt. Khi mọi người đang còn cuộn tròn trong chăn ấm thì những ngư dân làng biển đã bắt đầu chuẩn bị đồ đạc để dông buồm ra khơi đánh bắt.

Cá vềMưu sinh từ sản vật đồng quêMùa Giáng sinh an lànhNoel của béRú Chá bốn mùa check-inGiúp nông dân phục hồi cây thanh trà bị ảnh hưởng do mưa lũMưu sinh giữa giá rét

Các ngư phủ giúp nhau đưa thuyền vào bờ

Lăn lộn với con sóng

Sau khi ăn vội bát cơm nóng cho ấm bụng, anh Huy (43 tuổi, Mỹ Khánh, Phú Diên, Phú Vang) gói ghém đồ đạc là những ngư lưới cụ, dầu đèn, áo phao ra biển để quay xuồng vươn khơi. Cái lạnh cắt da cắt thịt cùng những cơn mưa phùn không thể làm chùn bước chân những ngư phủ. Trên bờ biển còn tối mịt là tiếng những bạn thuyền í ới, hỏi thăm, chúc nhau một ngày đi biển an toàn, may mắn với cá, tôm đầy khoang.

Sau thời gian “treo” lưới vì mưa bão, những ngư dân đánh bắt gần bờ vẫn quyết bám biển mặc cho những đợt rét đậm kéo dài. “Thời tiết này sóng mạnh hơn, gió cũng lớn nên chỉ có những chiếc thuyền trên 15 CV cùng những chủ thuyền trẻ, khỏe mới dám ra khơi. Để ra khơi “những ngày gió chướng” cùng với thời tiết rét đậm chúng tôi phải chuẩn bị thật kĩ càng, nhất là áo phao, áo mưa, đèn bão và bình ủ nước trà nóng để uống cho ấm bụng những lúc rét buốt. Chính những ngụm nước nóng giúp chúng tôi thêm vững tay chèo, chống chọi lại cái lạnh giữa biển khơi muôn trùng sóng gió…”, anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi, bạn thuyền của anh Huy) cho biết.

Phân loại hải sản

Thời điểm này cá khoai vào mùa, lại được giá nên mặc dù thời tiết khắc nghiệt, những ngư dân vẫn cố gắng bám biển, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thường mỗi thuyền đi hai người, một chủ thuyền và một bạn thuyền. Người có kinh nghiệm hơn nhận nhiệm vụ quăng lưới, người còn lại có nhiệm vụ chèo thuyền. Với nhiệm vụ này, dù ra lộng hay vào bờ buộc họ phải luôn bình tĩnh, vững tay chèo trước những cơn sóng lớn, nhất là phải biết xác định địa điểm để quăng lưới an toàn và thu lưới hiệu quả.

Hơn 3 giờ đồng hồ lăn lộn với những đợt sóng lớn vần vũ, trời mưa không ngớt, những chiếc ghe đầu tiên bắt đầu cập bờ với những mớ cá tươi rói, tôm còn nhảy đành đạch.

Vừa gỡ lưới, vừa thở phào nhẹ nhõm cho một chuyến biển an toàn, ngư dân Trần Xuân Toản (50 tuổi, Phú Diên) nửa đùa nửa thật: "Phải lực lưỡng như tôi mới ra biển với thời tiết này chứ công việc đi biển ngày mưa, rét cực lắm. Công việc thu lưới trên vất vả vô cùng, lại tốn sức. Trời rét kèm thêm mưa càng buốt, cả người lạnh tê tái, nhiều lúc phải gồng mình hết sức mới lôi được từng đoạn lưới lên".

Tôm, cá đầy khoang

Bám biển ngày đông rét buốt vất vả vô cùng, nhưng đổi lại công sức lao động của ngư phủ cũng được đền đáp xứng đáng khi thuyền cập bến với cá tôm đầy khoang, những con cá khoai tươi rói, tôm, cá ong căng sóng sánh,… Tất cả đều bán được giá hơn ngày thường. Theo những ngư dân, mỗi ký cá khoai hiện dao động từ 100-120 ngàn đồng, cao gấp đôi những ngày nắng ráo.

Ngư dân gỡ lưới để thu gom ngư lưới cụ chuẩn bị cho một ngày đánh bắt mới

“Đúng là đi biển những ngày “gió chướng”, kèm theo mưa, rét thu nhập khá hơn nhưng không vì thế mà chúng tôi “làm liều”, trước khi đi phải theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, ra khơi cũng “liệu cơm, gắp mắm”, quăng lưới đánh bắt ở những khu vực an toàn”, anh Toản cho biết thêm.

35 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ ở thôn Mỹ Khánh, Phú Diên, Phú Vang lần lượt nối đuôi nhau cập bến trong niềm vui đợi chờ của những người phụ nữ. Thuyền cập bến, tất cả họ lao ra biển, cùng phụ một tay giúp những người đàn ông quay xuồng lên bờ và cùng nhau gỡ lưới trong niềm vui được mùa, được giá. Các thương lái cũng chờ sẵn để kịp mua những mớ cá tươi.

Ẩn sau những chiếc áo mưa lùm xùm là những nụ cười đoàn tụ, nụ cười của một chuyến biển bội thu. Những người đàn ông, phụ nữ cùng thoăn thoắt gỡ lưới, thu vén ngư lưới cụ để trở về ăn bữa cơm nóng đã nấu sẵn ở nhà sau nhiều giờ đồng hồ quăng quật với con sóng, dầm mình giữa mưa, rét để mưu sinh.

Thường thì sau khi trừ chi phí, các ngư phủ thu về 5 trăm ngàn đến 1 triệu đồng cho một chuyến biển. Có khi gặp may, nhiều thuyền thu về 3-5 triệu đồng/ ngày. Những hải sản đánh bắt được trong những ngày mưa, rét không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập, bù lại những đợt dài thuyền phải nằm bờ vì mưa bão, mà còn thỏa lòng mong đợi của người dân về mùa cá khoai, cá căng tươi ngon.

Vất vả, cực khổ vô vàn nhưng đây là một nghề mưu sinh. Mưa thì mang thêm áo phao, áo mưa. Lạnh mang thêm nước ấm… Đó là những cách sinh tồn đơn giản nhưng vô cùng cần thiết để họ vượt qua thời tiết, để tiếp tục vươn khơi bám biển trong mùa đông giá rét.

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Ưu tiên đảm bảo an toàn, không để người dân bị đói, rét

Ngày 11/9, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn, thăm hỏi, động viên và tặng quà nhân dân vùng bị lũ lụt tại tỉnh Tuyên Quang.

Ưu tiên đảm bảo an toàn, không để người dân bị đói, rét
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi
Return to top