|
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện nghèo để giảm nghèo bền vững |
Lồng ghép nhiều giải pháp
Để triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu đề ra, các địa phương đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nghèo theo từng địa chỉ hộ nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo của các huyện, thị xã, TP. Huế đã chỉ đạo UBND các xã, phường tập trung điều tra rà soát các chiều thiếu hụt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn mà hộ nghèo gặp phải để có phương án trợ giúp, định hướng cho từng hộ cụ thể, nhất là đối với các hộ có thành viên có khả năng lao động. Nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Qua rà soát hộ nghèo năm 2023, số hộ nghèo đến nay giảm còn 7.540 hộ (giảm 4.195 hộ so với năm 2022), chiếm tỷ lệ 2,27% (giảm 1,29% so với năm 2022). Số hộ cận nghèo toàn tỉnh 9.002 hộ (giảm 1.852 hộ so với năm 2022), chiếm tỷ lệ 2,71% (giảm 0,59% so với năm 2022).
Xuyên suốt quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, một nhiệm vụ mang tính liên kết đòi hỏi cần sự tham gia chung tay của toàn hệ thống chính trị. Cũng theo quan điểm của ngành lao động, thương binh và xã hội, đặc thù của công tác giảm nghèo quan trọng phải có hỗ trợ về tài chính bằng trao "cần câu", "con cá". Và để làm được điều này cần huy động nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương, từ các dự án, xã hội hóa...
Đối với chính sách hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sinh kế đã đem lại nhiều đổi thay tích cực trong thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến cuối tháng 11/2023 đã giải quyết cho 14.966 lượt hộ vay vốn với tổng kinh phí 781.965 triệu đồng của 3 chương trình vay. Trong đó, cho vay đối với hộ nghèo đạt 1.480 lượt hộ vay/73.607 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo 6.123 lượt hộ vay/295.899 triệu đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo là 7.363 lượt hộ vay/412.459 triệu đồng.
Chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngoài đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn, còn có các chính sách vay vốn khác như: giải quyết việc làm theo Nghị định số 61 của Chính phủ, chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ... Từ đó giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập thấp có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở; góp phần giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đến nay, lực lượng lao động toàn tỉnh hơn 615.140 người. Trong năm 2023 vừa qua đã giải quyết việc làm cho 17.034 người. Trong đó có 1.586 lao động thuộc hộ nghèo, 1.560 lao động thuộc hộ cận nghèo (có 103 lao động trong số này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Riêng về nhà ở, đến nay, có 1.946 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã, đang được xây mới, sửa chữa với kinh phí 92.209 triệu đồng.
Tạo việc làm, đào tạo nghề để không tái nghèo
Bước sang năm thứ tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, dòng họ, cũng như từ chính đối tượng nghèo. Phương châm giảm nghèo theo địa chỉ, nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất đang góp phần giảm dần các hỗ trợ trực tiếp mà ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết theo chuỗi giá trị, các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Trên tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,84%. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần sự chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực của Trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân, các nguồn xã hội hóa khác để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đến năm 2025.
Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, đúng tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra và không để tái nghèo, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà các ngành các cấp tiếp tục quan tâm đó là đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tạo thu nhập ổn định. Trong đó chú trọng phát triển đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng và định hướng đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn để thoát nghèo bền vững...
Thời gian qua, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo từ chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Riêng năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo 3.331 người. Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 2.655 người (150 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), nghề nông nghiệp là 676 người (102 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo). Đến nay, lao động qua đào tạo là 432.137 người, đạt tỷ lệ 70,25% lao động qua đào tạo. Các đơn vị đào tạo, địa phương tiếp tục chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương, đảm bảo hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động, trong đó đưa hơn 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.