Thiếu nữ bên hoa hải đường cổ ở lăng Minh Mạng
"Phú quý mãn đường"
Nằm cuối con đường Nguyễn Sinh Cung (TP. Huế), lối vào căn nhà một họa sĩ nổi tiếng ở Huế nổi bật bởi sắc hoa thắm hồng rực rỡ. Gốc hải đường gần 30 năm tuổi này khiến căn nhà sáng lên và thu hút ánh nhìn của người đi đường. Anh Vĩnh Khương, người sống trong căn nhà bao quanh hoa trái này kể, trước đây mẹ anh trồng hai gốc hải đường ở tiền cảnh ngôi nhà, sau đó một cây bị hư do thời tiết. Mỗi đợt tết về, cháu con sum vầy đều ra gốc hải đường chụp ảnh rôm rả vui vẻ.
Kim Long là vùng còn nhiều hoa hải đường cổ. Có nhà trồng từ ba đến năm gốc, trong đó có gốc như cây lưu niên. Nhà vườn An Hiên, Lan viên Cố tích đều có những gốc hải đường thu hút du khách thưởng lãm. Chừng 15-20 năm về trước, những đứa trẻ nhỏ chúng tôi thường qua khu vườn rộng bao la nhà mệ Thuận gần giáo xứ Kim Long nhặt những đóa hải đường rụng đầy gốc chơi đồ hàng. Nhà mệ có ba, bốn cây hải đường cao lớn sum suê nghe đâu tuổi chúng có lẽ bằng cả đời người. Cận tết, tôi thấy mệ sẵn lòng cho hàng xóm đến cắt cả bó hải đường về chưng. Mệ cũng cắm một bình hải đường sum suê đặt ở nhà chính. Thuở ấy còn khó khăn, mất mùa mai hoặc nhà không có hoa gì để bày biện, dân quanh vùng Kim Long vẫn ra vườn cắt những nhánh hải đường mơn mởn mang chút sắc xuân, giúp ngôi nhà có thêm sinh khí.
Năm 2000, theo xếp hạng từ Tạp chí Natural Discovery của Anh, hoa hải đường xếp vị trí thứ bảy trong số 100 loài hoa đẹp nhất hành tinh. Hải đường là cây họ chè, sắc thắm tươi, cánh dày khum khum ôm khối nhụy vàng. Khi rụng, hoa vẫn giữ nguyên đóa, màu còn tươi nên được ví là “hoa vương giả”. Người Huế trồng hải đường ở những ngôi nhà vườn, nhà thờ họ, phủ đệ... tăng vẻ sang trọng cho không gian sống. Dưới góc độ phong thủy, hải đường tượng trưng cho “phú quý mãn đường” hàm ý hướng đến sự sum vầy, hòa hợp, mang đến thịnh vượng cho gia chủ.
Ông Hồ Văn Bình, chủ ngôi nhà vườn 26 Phạm Thị Liên, Kim Long (TP. Huế) trồng nguyên dãy hải đường sát hàng rào và lối dẫn vào nhà. Bên trái khu vườn ông còn gốc hải đường xấp xỉ trăm năm tuổi từ thời cha ông. Nhiều người tìm đến hỏi mua, song ông nhất quyết không bán bởi nó gắn liền với kỷ niệm gia đình. Một gốc hải đường phía tay phải lối vào bị đào trộm khiến hàng cây bị khuyết, vụ việc xảy ra hai năm về trước, nhưng nó vẫn khiến ông ấm ức mỗi khi nhắc đến.
“Hải đường mơn mởn cành tơ/ Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”, trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã nhắc đến vẻ đẹp và phẩm chất của loài hoa này. Hải đường nở từ cuối đông đến cuối mùa xuân, vượt qua những đợt mưa rét căm căm, nảy chồi đâm lộc dâng tặng cho đời màu sắc tươi mẩy kiêu kỳ. Người Huế thường trồng hoa hải đường ở vườn nhà, sân chùa, đình làng. Một số gia đình hiện nay vẫn còn sở thích trồng hoặc cắm hải đường để thưởng lộc và ngắm sắc hoa vương giả kiêu kỳ ngày tết. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng cho rằng: “Trong ngôi nhà Huế, hoa hải đường có một vị trí trang trọng, cùng với các loại hoa mang sắc hương khác (trà mi, nguyệt quế, hàm tiếu…) tạo nên bộ cây cảnh cổ điển. Điều này cũng thể hiện gu thẩm mỹ của người Huế được chắt lọc, chọn lựa hàng trăm năm qua.
Thú chơi trở lại
Hoa Hải đường nằm trong nhóm 9 loài hoa gắn liền với đời sống người Việt được khắc trên cửu đỉnh. Hải đường còn có một tên gọi khác là hạn liên (Phú Xuân hương sắc)… Năm 1836, vua Minh Mạng cho chạm khắc hoa này trên Nghị đỉnh. Quần thể di sản Huế còn có một gốc hải đường lâu năm cạnh điện Sùng Ân, lăng Minh Mạng và một số cây rải rác ở các điểm di tích. Phần lớn hải đường được trồng từ hạt. Ông Huỳnh Kim Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh quan môi trường Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hải đường tồn tại trong hệ thống cây, hoa ở di tích đã lâu. Trung tâm đã nghiên cứu phục hồi các loại cây quý, trong đó có áp dụng công nghệ nhằm nhân giống hoa hải đường.
Hải đường không nồng nàn hương, mà ấp ủ tinh túy đất trời dâng tặng cho đời sắc màu rực rỡ cùng vô vàn lộc non tươi mươi. Nhiều người sành chơi tìm về những vườn ươm lâu năm săn hải đường Huế, họ sẵn sàng bỏ tiền triệu bứng nguyên gốc cây về trồng các homestay, tư gia… Ông Nguyễn Văn Thông, một người “có tay” ươm trồng cả vườn giống loại hoa khó tính này ở vùng đồi núi Hương Trà cho hay, chăm sóc hải đường cũng tựa như chăm cây họ chè, cây này ưa sáng, tránh ngập úng, mỗi năm bón phân một đến hai lần. Do phải ươm cây từ hạt nên giai đoạn đầu tốn khá nhiều công chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng của nó.
Thú chơi hải đường Huế đang dần trở lại khi nhiều gia đình, thậm chí ở cơ quan công sở, người ta đã trồng loại cây này làm đẹp cho không gian. Tại trụ sở UBND xã Bình Tiến (Hương Trà) hai gốc hải đường cao 5-7m cận tết trổ hoa rực rỡ. Không chỉ cán bộ mà người dân đến giao dịch, làm giấy tờ cũng rất thích ngắm hoa, chụp ảnh với hải đường. Hàng tuần, cán bộ nhân viên nơi đây đều phân công chăm sóc hoa. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Tiến thì sở dĩ mọi người thống nhất đưa cây này trồng ở công sở vì hải đường cho hoa kéo dài suốt hai mùa, ít công chăm sóc. Thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi núi, hoa nở màu tươi, đóa to ai đến xem cũng khen nức nở.
Bài, ảnh: Tuệ Ninh