ClockThứ Năm, 17/01/2013 05:31

Hoa ngày Tết

TTH - Chợ hoa ngày Tết ở Huế, với phong tục thờ cúng, cúc vàng trở thành loài hoa không thể thiếu và hàng năm, trong các hội hoa xuân, cúc vàng luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các loại hoa khoe sắc trên đoạn đường Lê Duẩn trước Kỳ đài... Phiên chợ nào cũng thế, kẻ bán người mua, kỳ kèo thêm một bớt hai; tôi cũng nhiều khi giả làm ngơ trước những bông hoa đẹp, chỉ hòng được giảm giá chút ít, và lòng nhẹ vui khi thấy những chậu hoa thật đẹp trở thành “của riêng”. Thế nhưng, đến thăm những vườn hoa chuẩn bị cho chợ hoa Tết này, khi còn không đầy tháng nữa là vào Tết mới thấy cái tâm, cái lực người trồng hoa bỏ ra cho hoa nở đúng kỳ ... mà thấy quý hơn những đóa hoa kịp nở vào xuân.

Cúc đại đóa không khó trồng, có thể trồng hoa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, miễn là chăm sóc sao cho cây tựa hình đâm rễ trước khi khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh. Tuy vậy, theo quy luật tự nhiên, cây phát triển mạnh nhất và cho hoa nhiều nhất khi thời tiết ấm áp, nhiều nắng và được cung cấp đủ nước, đủ chất dinh dưỡng. Xứ Huế có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, để có hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, người trồng hoa khởi động từ tháng 7 âm lịch, tháng bắt đầu của những cơn mưa và lạnh kéo dài. Một trong những kỹ thuật chống lại thời tiết khắc nghiệt này khi trồng cúc đại đóa phục vụ Tết Nguyên đán là điều hòa nhiệt độ cho vườn hoa. Đây cũng chính là thời điểm nghề trồng hoa không chỉ tốn công chăm sóc vun tưới mà còn tiêu hao nhiều điện cho vườn hoa. Chúng tôi đến thăm vườn trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Tuấn (nhà 100, Quốc lộ 49). Năm nay thời tiết thay đổi thất thường, vài ngày lạnh tê, vài ngày tiếp lại nắng oi ả như mùa hè. Dàn điện 120 bóng compac cho 1.000 chậu hoa cứ thắc thỏm.... Anh Tuấn chia sẻ: “Yêu hoa mà trồng hoa chứ theo nghề ni nhiều khi như chơi xổ số. Năm lạnh quá, Tết đến chỉ rặt những nụ vừa chớm, năm nắng nhiều chưa đến ngày đã trổ vàng cả vườn... Nhiều khi đi bán hoa mà như đi cho vậy.” Qua anh Tuấn, chúng tôi biết 1.000 chậu hoa đầu tư cũng gần 50 triệu đồng, cộng công chăm sóc của 4 người trong gia đình trong mấy tháng nên lời lãi cũng không bao lăm. May thay, như anh đã nói, yêu mà trồng nên cả nhà hầu như đều dành thời gian “nông nhàn” để đầu tư công của, gần như luôn luân phiên túc trực cùng hoa.

Hoa vừa ươm sau khi nhập giống từ Đà Lạt về dưới ánh đèn compac

Tết vừa qua là người trồng hoa đã lo đúc chậu, rồi nhập giống. Đại đóa vườn nhà anh lấy giống từ Đà Lạt nên hoa nở đẹp và đều... Từ tháng 10 Âm lịch trở đi là mọi người phải tập trung chăm sóc hoa, từ cắt, tỉa, tạo dáng... đến lo cho độ ẩm, độ ấm của cây... để ngày Xuân mang màu vàng hoa cúc ra đua sắc mới thở phào nhẹ nhõm: Xong một vụ mùa vui. Dù rằng, nhiều khi hoa không nở đúng dịp, sớm quá, hoặc muộn quá thì người bán hoa chỉ còn mong bán hoa lấy lại vốn đúc chậu... Vậy nhưng mùa sau, vào dịp tháng bảy âm lịch họ lại lặng lẽ đúc chậu, chọn giống để đường hoa ngày Tết trước Ngọ Môn thêm vui.

Hương Lan-Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top