ClockThứ Bảy, 15/10/2016 09:32

Sai thì học, sợ chi hè...

TTH - Tiếng đánh vần rôm rả, tiếng cười òa lên khi một ai đó đọc sai âm, hay một tràng vỗ tay khi có người thành công một bài tập đọc… Lớp học “vỡ lòng” đặc biệt ấy dành cho các bà, các mẹ với ước mong xóa mù chữ diễn ra tại thôn Phương Diên, xã Phú Diên (huyện Phú Vang), do cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền (37 tuổi) phụ trách vào các tối thứ hai, ba, năm và sáu mỗi tuần.

Lớp học “vỡ lòng” đặc biệt ở thôn Phương Diên

Hầu hết các học viên đã có cháu nội, cháu ngoại. Ước muốn nhỏ nhoi khi đến với lớp học để viết được chính tên mình, học để ký tên thay vì lăn tay bấy lâu nay, học để có thể... hát karaoke như những người khác...

Khi các bà, mẹ đi học

Lớp học 6g30 tối bắt đầu. Thế nhưng, nhiều người tay cầm đèn, xách quạt đến lớp trước khá sớm để “ôn luyện”. Điểm đặc biệt của lớp học 38 học viên là có đến 36 học viên nữ và rất đông trong số đó đã lên chức bà. Khi cô Hiền vừa vào nhà văn hóa thôn Phương Diên – nơi diễn ra lớp học, cả lớp đứng dậy đồng thanh chào. Lớp học bắt đầu đúng  giờ như quy định.

Khi cả lớp đang đồng thanh đọc dãy chữ cái được cô giáo viết trên bảng thì nhiều người trong số đó đọc sai. Cô Hiền vừa nhắc xong, nhiều tiếng đánh vần vẫn sai. Cả lớp cười rộ lên… bà Nguyễn Thị Vi (64 tuổi) – học viên cao tuổi nhất lớp xung phong đứng dậy đánh vần lại: “Ngờ voi”. Tiếng cười rúc rích khiến bà biết sai. Bà xin phép, đọc lại: “Nà voi”. Lần này, cả lớp không nhịn được cười, vọng lên: “Nờ mô mà nờ, ngờ mô mà ngờ. Ngà voi bà ơi”. “Ờ hi. Rứa mà đọc mấy cũng không ra. Sai thì đọc, sai thì học, sợ chi hè” – bà Vi vừa nói xong, cả lớp đồng thanh vỗ tay.

Học viên lớn tuổi nhất lớp này kể rằng, ban đầu ai đến lớp cũng cảm thấy xấu hổ khi phải đi học bởi nhiều người dè bỉu, già rồi học làm gì. Nhưng rồi, cô Hiền đến tận nhà động viên, khuyên nhủ, học để biết chữ mà viết cái tên mà cha mẹ đặt cho mấy chục năm nay không viết được. “Mỗi lần mua bán cái chi, hay lên xã chỉ biết lăn tay. Trong khi cháu mình đứa mô cũng biết đọc, biết viết”, lý do mà bà Vy quyết tâm theo học lớp xóa mù chữ.

Cũng như bà Vy, trong lớp có hơn 30 học viên trên 50 tuổi. Họ là những phụ nữ nghèo cùng vùng chài Phương Diên. Đói khổ từ xưa chặn đứt ước mơ theo đuổi con chữ. Một bà kể, nhiều người trong xóm từng nói thẳng mặt: “Già rồi học làm chi. Học có kiếm được tiền không, cả ngày đi buôn bán mệt rồi, tối về thì ngủ đi cho khỏe”. Nhiều người đã đấu tranh được vì chính mình để đến lớp, trong số đó vẫn còn nhiều bà, nhiều mẹ đành ở nhà vì dị nghị. Cô Hiền nói rằng, thấy thương các bà, các mẹ. Ngay cả việc đến lớp, có quyền được học con chữ mà nhiều người không hiểu, cho rằng vô bổ, mất thời gian. Con số 38 học viên trong lớp này còn rất ít so với những người chưa biết chữ thực tế ở thôn Phương Diên.

Dạy bằng tất cả tình thương

Khi đã đi vào nề nếp, lớp học diễn ra đúng theo quy định: đúng giờ học, dò bài, kiểm tra bài cũ… Đến những ngày lễ, lớp cũng tổ chức vui chơi, mua bánh kẹo liên hoan. Không khí lớp học như một gia đình, người biết nhiều bày người biết ít, người đọc hay bày người đọc chậm. Con chữ dần lôi kéo họ mãnh liệt. Học viên “bà” Trương Thị Gái, bước sang 63 tuổi nhưng chưa bao giờ vắng một buổi học. Bà Gái nhớ lại, ngày xưa bà có được học lớp bình dân học vụ, nhưng vì thời điểm đó khó khăn quá nên chuyện học đứt đoạn, phải mưu sinh kiếm sống. Giờ đây, sau mỗi gánh cá, khi chiều tàn bà gác lại tất cả để ra lớp. “Khi lớp học này mở ra, con cháu tui nó động viên tui đi học. Lên lớp có cô Hiền dạy, về nhà có mấy đứa cháu bày thêm, nhờ rứa mà chừ có để đọc, viết thành thạo rồi”, bà Gái nói.

Nhiều người đến lớp với quyết tâm biết chữ để…hát karaoke. Họ nói rằng, nhiều lần bà con, bạn bè rủ hát mà không biết chữ nên rất khó chịu, hoặc có hát được thì cũng “hát thuội”. Một vài người còn đùa, học biết chữ để…viết thư cho người yêu. Ngoài niềm vui của học viên, với cô giáo đứng lớp miễn phí Nguyễn Thị Tâm Hiền đây là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cô Hiền vừa là người trong làng, vừa là giáo viên mầm non. Sau mỗi ngày dạy ở trường, cô thu xếp lên lớp với bà con, bởi với cô, họ là những người họ hàng đứng tuổi cha, tuổi mẹ mình. Những ngày đầu, cô Hiền đến tận từng bàn, cầm tay từng người với những nét chữ đầu đời. Cô Hiền bảo, các bà, các mẹ tuổi đã lớn nên việc học chữ chậm, có người viết được nhưng đánh vần không được hoặc ngược lại. Trên hết là niềm đam mê giữa người dạy lẫn người học. “Nhiều bà, mẹ thấy mình dạy vất vả đã dúi tiền gọi là bồi dưỡng nhưng mình cương quyết không lấy. Chỉ cần mọi người ai cũng chăm học, để biết chữ là mình thấy hạnh phúc rồi”, cô Hiền kể lại.

Theo ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, lớp học đặc biệt này tuy mới mở gần 3 tháng nhưng đạt nhiều kết quả tích cực, người học đã biết đọc, biết viết. Học viên lẫn người dạy rất hăng say, nhiệt tình. Nhờ biết chữ mà bà con thuận tiện trong mọi việc hàng ngày. Mới đây khi hay tin, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện có về làm việc và xã đã đề nghị trung tâm tạo giúp đỡ, hỗ trợ thêm tài liệu cho các học viên. Nói về cô Hiền, ông Đoàn cảm kích trước tấm lòng của một cô giáo vì bà con, lối xóm trong thôn. “Cô dạy hăng say. Quý cô, mọi người ủng hộ kinh phí vậy mà cô nhất quyết không nhận”, ông Đoàn kể lại.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Kiếm chữ” tuổi xế chiều

“Tuổi xế chiều, nhưng chúng tôi vẫn đi kiếm chữ. Bởi vì có chữ, đời sáng hơn”- đó là bộc bạch của học viên lớp xóa mù tại thôn 3, xã Vinh Thanh...

“Kiếm chữ” tuổi xế chiều
Học chữ, kể chi tuổi tác

Khi phiên chợ chiều tan, cũng là lúc nhiều phụ nữ ở xã Phú Diên (Phú Vang) lại rủ nhau đi học. Họ quyết tâm đi tìm con chữ, viết và ký được tên mình để không còn phải lăn tay, điểm chỉ…

Học chữ, kể chi tuổi tác
Return to top