Đa dạng các chọn lựa, hội nhóm quà vặt
Là ký ức
Mừng như bắt được vàng khi vô tình đọc dòng trạng thái đăng địa chỉ lò mì của một bạn trẻ trên facebook, chị Phan Diệu Nhi (TP. Huế), hồ hởi: “Mấy chục năm rồi mình mới tìm lại được địa chỉ của món bánh mì muối tiêu tuổi thơ, nhớ vô cùng. Vỏ bánh giòn, ruột không quá đặc hay quá xốp, mùi bơ, vị muối tiêu đậm đà. Cắn miếng bánh mà nhớ cả tuổi thơ cùng bạn bè đến trường, chỉ trông o bán bánh mì đi qua để gọi mua một ổ”.
Ở tại bờ nam nhưng chị Nhi vẫn sẵn sàng chạy hơn 5km đến địa chỉ của lò bánh mì muối tiêu hiếm hoi phía bờ bắc. Mua cả chục ổ “để ăn cho đỡ nhớ”, chị vui vẻ mang bánh mì về cho con, giới thiệu với cậu con trai món bánh yêu thích của mẹ thời cắp sách đến trường.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian gần đây, lò bánh mì muối tiêu của ông Ngô Đắc Nậy (phường Gia Hội) đã cải tiến lò nướng và các công đoạn làm bánh. Trung bình mỗi ngày, ông Nậy cho ra lò gần 3.000 ổ bánh mì. Chị Ngô Thị Gái, con gái ông Nậy, cho biết: “Hơn một năm trở lại đây, nhiều thực khách biết đến món bánh đã có truyền thống hơn 50 năm của gia đình mình trên facebook, cung không đủ cầu. Phần lớn mì được khách hàng yêu chuộng đến mua tận nơi. Còn lại tranh thủ sau giờ làm mình sẽ ship khi khách cần”.
Bánh mì muối - món quà tuổi thơ
Không chỉ bánh mì muối tiêu, thời gian gần đây, các món đồ ăn vặt ngày càng lên ngôi khi hương vị và ký ức về món ngon một thuở được khơi dậy trên các trang mạng xã hội. Ông Nguyễn Duy Thành chuyên sản xuất bánh cốm tại Hương Toàn (Hương Trà), cho hay: “Hiện nay tôi sản xuất chủ yếu là cốm dẹp với sự gia giảm của ngũ cốc, đậu phộng, mè, phù hợp với khách hàng hiện đại. Thông thường cốm chỉ thịnh vào mùa đông, nhưng hiện nay, quanh năm người ta đều đặt hàng để làm quà tặng”.
Lên mạng là có
Nhịp sống hiện đại, thay vì những gánh hàng rong, công nghệ đã mang những món quà vặt đến gần hơn với thực khách nhờ đội ngũ shipper và các trang mạng xã hội. Hoạt động rộn ràng với hàng trăm món ăn khác nhau, chỉ riêng Hội ăn vặt Huế đã có hơn 29 nghìn thành viên tham gia. Không quá kém cạnh, nhóm “Chợ đồ ăn vặt Huế” cũng thu hút hơn 25 nghìn thành viên với đủ nhu cầu bán mua sôi nổi.
Ngoài rao bán các thức quà vặt, những hội nhóm còn là nơi những bạn trẻ sành ăn tìm kiếm thông tin, đọc bình luận, review để chọn lựa món ngon. Mỹ Anh, một bạn trẻ đam mê ăn vặt thường “nằm vùng” tại nhóm “Chợ đồ ăn vặt Huế”, nói: “Mình và các bạn thường canh những đồ ăn vặt mới ra để cùng nhau thưởng thức, nhất là các món ăn của miền Tây vì hương vị lạ miệng, lại phù hợp với túi tiền”.
Trong khi đó, các hội nhóm cũng là công cụ tìm kiếm thông tin hữu ích cho những khách du lịch. Anh Trần Văn Sung, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Đến Huế để thưởng thức ẩm thực nên ngoài các địa chỉ bún bò, cơm hến, bánh canh cá lóc, mình cũng tò mò với những món ăn vặt. Để tìm những hàng quán độc đáo, ngon, rẻ, mình và các bạn thường thích những hội nhóm review. Bên cạnh những món ăn thường thấy, đồ ăn vặt ở Huế cũng rất đáng để thưởng thức”.
Với thực khách sành ăn, ngoài các đặc sản Huế như bánh bèo, nậm, lọc, bánh cốm, bánh cam, những đặc sản vùng miền cũng vô cùng đa dạng, hấp dẫn. Có thể kể đến các loại bánh tráng nướng Đà Lạt, bánh tằm, bánh bò rễ tre, bánh lá dứa, bánh da lợn. Ngoài ra, các món ăn vặt du nhập từ nước ngoài như bánh bạch tuộc takoyaki, bánh khoai viên Đài Loan, kimbap, bánh gạo tokbokki cũng được nhiều bạn trẻ tìm kiếm, trải nghiệm.
Bắt kịp xu thế, ngoài vị hương truyền thống, các món ăn vặt đều có sự thay đổi, cải tiến để chinh phục khách hàng. Ngược lại, những khách hàng thông thái cũng ngày càng tinh tường hơn, tìm nhiều cách khác nhau để “săn” được địa chỉ những thức ăn vặt ngon, chất lượng. Không đơn giản chỉ là món ăn vui miệng, các món ăn vặt đã biến thực khách trở thành những “người chơi” tinh tế, biến việc tìm kiếm, thưởng thức đồ ăn vặt thành thú chơi thú vị và hấp dẫn.
Bài, ảnh: MAI HUẾ