ClockThứ Năm, 17/06/2021 15:17

Say mê làm báo ở vùng cao

TTH - Với những người làm báo ở vùng cao Nam Đông, việc đưa tiếng nói của Đảng, Chính quyền đến với người dân vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là một cách “trả nợ” cho bà con.

“Nhà báo không thẻ”

Phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Nam Đông tác nghiệp trong mưa lũ (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Bám cơ sở

Những tháng cuối năm 2020, mưa bão hoành hành triền miên trên mảnh đất Thừa Thiên Huế và Nam Đông cũng không ngoại lệ. Là phóng viên phụ trách địa bàn, tôi thường “đứng ngồi không yên” mỗi khi bão đổ bộ hay mưa lớn bất thường. Những lúc trở ngại chưa thể lên kịp, để có thông tin, hình ảnh về thiệt hại, khó khăn mà người dân địa phương, tôi đều phải nhờ sự giúp sức của lãnh đạo, phóng viên, quay phim của đài huyện.

Những ngày mưa bão “gào thét”, số lần tôi liên lạc với nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách thông tin, tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Nam Đông còn nhiều hơn so với người thân. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, chính anh Dũng là cộng tác viên tin cậy, là cánh tay nối dài của những người làm báo như chúng tôi.

Nhiều hình ảnh, thước phim hay những thông tin thiệt hại ban đầu đều được anh Dũng kịp thời gởi về cho anh em đồng nghiệp ở Huế để chuyển tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nhau. Đáng nhớ nhất phải kể đến câu chuyện về sai phạm tích nước trái phép của Thủy điện Thượng Nhật. Nhờ những tư liệu quý giá, sống động được nhà báo Tiến Dũng ghi lại trong quá trình đi kiểm tra thực tế với lãnh đạo huyện Nam Đông đã trở thành bằng chứng xuất hiện trên nhiều trang báo, góp tiếng nói buộc đơn vị này phải thừa nhận sai phạm và khắc phục hậu quả với sự vào cuộc của Bộ Công thương.

Khi được anh em phóng viên ngỏ lời cảm ơn, nhà báo Tiến Dũng khiêm tốn cho rằng đó là nhiệm vụ của bản thân, nghĩa vụ của một người làm báo tại cơ sở nên làm, góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi của bà con Nhân dân.

Khắc phục khó khăn

Trong một lần “trà dư tửu hậu” với anh em đài huyện, tôi được nghe kể những câu chuyện nghề với đủ buồn vui và lắm vất vả. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/1990 khi huyện mới tái lập, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Cả đài chỉ có 4 người, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế; trong đó có 2 người mới qua trung cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng thiếu thốn đủ đường.

Những năm 2010, đường truyền internet tốc độ là thứ gì đó còn xa xỉ với vùng cao Nam Đông, mỗi đoạn tin hình khoảng 1 phút cần đến gần tiếng đồng hồ mới có thể chuyển về miền xuôi, đó là chưa kể đến những phóng sự dài, được đầu tư nội dung.

Để “chữa cháy”, nhà báo Tiến Dũng thường xuyên về Huế, “dựng ké” tại Phòng Kỹ thuật Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm truyền tải kịp thời thông tin đến khán giả địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Trong suốt những năm tháng đó, anh thường xuyên lên về Huế “như cơm bữa” trong ngày, có lúc đặt chân đến phố huyện trời cũng đã tối mịt, chỉ kịp tắm rửa, ăn vội bữa tối và nghỉ ngơi để có sức “chiến đấu” vào ngày mai.

“Thời đó, Tỉnh lộ 14B lên Nam Đông chưa được đầu tư hiện đại như bây giờ, nhiều đoạn bụi mù đến mức anh em về tỉnh phải mặc áo mưa để không bị nhuộm vàng quần áo bởi bùn đất”, nhà báo Tiến Dũng chia sẻ.

Câu chuyện 3 năm thay 2 xe gắn máy của anh tưởng là “giai thoại”, nhưng là sự thật khi hai con “ngựa sắt” chịu đựng đủ cung đường, thời tiết xấu đã phải “nghỉ hưu” trong thời gian ngắn.

Gắn bó với đài huyện từ cuối năm 1999, quay phim Đoàn Tấn Lực nhớ không hết những lần đối diện với nguy hiểm khi tác nghiệp dưới thời tiết khắc nghiệp trên địa bàn. Những lần mưa bão, nước thượng nguồn đổ về gây chia cắt nhiều khu dân cư hay “cuốn bay” đập tràn, đường sản xuất. Để có được hình ảnh chân thật nhất anh em đài huyện “say nghề” đã không quản khó khăn, ngại nguy hiểm tác nghiệp độc lập, mặc cho nguy cơ cây đổ, tôn tốc mái làm bị thương luôn thường trực. Hay những lần chảo lửa Nam Đông vào độ nắng nóng cao điểm, nướng da thịt tác nghiệp giữa ban trưa là trải nghiệm không dễ chịu chút nào.

Đưa tiếng nói của Đảng về với đồng bào

Ông Hồ Văn Tươi, người dân tại xã Thượng Nhật chia sẻ, việc tiếp nhận thông tin thông qua hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn xã vô cùng tiện lợi và phù hợp với điều kiện của bà con. Với người dân vùng cao, không phải ai cũng có điều kiện và thời gian để tiếp cận các thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, việc cập nhập thông tin về tình hình xã hội, dịch bệnh, cảnh báo thiên tai và các chủ trương của Nhà nước thông qua loa phát thanh vô cùng tiện lợi.

Những năm qua, các chương trình phát thanh – truyền hình của đài huyện giúp người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận, nghe, nhìn, được cập nhật các tin tức mới, tiếp cận các kiến thức bổ ích, hữu dụng trong sản xuất để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống đồng bào dân tộc, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ.

Để phục vụ nhu cầu nghe, nhìn của người dân, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện liên tục tăng thời lượng tiếp âm, tiếp sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, VTV8 để đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin của Nhân dân, với tổng thời lượng gần 19.000 giờ.

Điểm nổi bật của hệ thống truyền thanh tại huyện Nam Đông chính là tự động hóa với hơn 200 cụm loa tại 60 thôn, tổ dân phố. Hệ thống loa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tự động tiếp sóng theo lịch được cài sẵn.

Ông Hoàng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Nam Đông chia sẻ, để từng bước nâng cao chất lượng các chương trình, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập của đài xác định đạo đức phẩm chất chính là vấn đề cốt lõi của người làm báo. Bản thân chúng tôi ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Đông cho hay.

Trung bình mỗi năm Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Nam Đông xây dựng 75 phóng sự phản ánh sâu; trong đó các phóng sự về chảy máu rừng tự nhiên, hạn hán hay mưa lũ được phát trên sóng truyền hình của VTV, TRT… và tạo tiếng vang trên toàn quốc. Đài tiếp âm, tiếp sóng đạt hơn 36 nghìn giờ/năm, sản  xuất 220 chương tình phát thanh, truyền hình địa phương được phát sóng đều đặn vào ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới
Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Return to top