ClockThứ Tư, 02/03/2011 18:34

Shop nhỏ, đam mê lớn

TTH - Không qua trường lớp nào nhưng bằng lòng đam mê, chị đã tạo ra những món quà lưu niệm đặc biệt theo yêu cầu du khách. Shop nhỏ mang tên Kim Chi nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế) là điểm đến của những ai yêu quý và trân trọng sản phẩm “handmade”.

Từ móc len nghệ thuật

Bạn bè cũ gặp lại chị Trịnh Thị Kim Chi đều ngỡ ngàng vì không ngờ cô nhân viên kế toán ngành tiểu thủ công nghiệp này lại có thể tạo ra những sản phẩm móc tay tinh tế và độc đáo đến vậy. Nhờ chút khéo tay của người con gái Huế và niềm đam mê nghề thủ công, sau khi dừng hẳn công việc gắn liền với “số má”, chị bắt tay sáng tạo sản phẩm hàng lưu niệm.

Chị Chi với tranh cỏ và những sản phẩm móc từ len.
Từ sợi cotton, thun, len, dây dợ, chị móc những chiếc túi xách, hộp đựng bút, hộp đựng nữ trang... Điều lạ là chị tự thiết kế mẫu mã, phối màu, tạo hình theo cách riêng. “Nhiều lúc tôi làm mê mải quên cả nghỉ ngơi. Có được sản phẩm ưng ý là tôi vui lắm, đó chính là động cơ cho tôi tiếp tục sáng tạo, phục vụ khách hàng”. Như có duyên với nghề, nhiều sản phẩm túi xách móc tay của chị Chi lần lượt đạt giải tại các cuộc thi thủ công mỹ nghệ trong, ngoài tỉnh. Tại các hội chợ, gian hàng chị Chi bao giờ cũng thu hút nhiều bạn trẻ, có khi cháy hàng, chị phải làm thêm và hẹn gửi qua đường bưu điện.

Sau khi mở một gian hàng nhỏ bán sản phẩm của riêng mình, chị móc len tạo hình con thú, kẹo, bình hoa... theo gợi ý của các bạn học sinh, sinh viên. Chị một mình thử nghiệm, sửa chữa, nghe góp ý đến khi thỏa mãn yêu cầu của khách mới thôi. Anh Thư, một học sinh là khách hàng quen của shop Kim Chi kể: “Các mẫu hàng của cô tự thiết kế rất có hồn và sống động. Có bạn say mê đến nỗi xin vào học nghề trong thời gian nghỉ hè và được cô dạy miễn phí luôn”.

Nằm trên tuyến du lịch về nhà vườn, nhà cổ shop Kim Chi thường đón các vị khách nước ngoài yêu thích hàng lưu niệm “handmade”, trong đó nhiều nhất là người Nhật và người Mỹ. “Có người mua một lúc mấy món hàng, mình tặng thêm dây cột tóc, móc khóa nữa, họ tỏ vẻ thích thú lắm!”, chị Chi hào hứng.
Đến tranh cỏ độc bản
Năm 2008, chị Trịnh Thị Kim Chi bắt đầu làm tranh cỏ từ những nguyên liệu sẵn có quanh nhà. Bức tranh đầu tiên mang tên Quê hương có lũy tre, dòng sông, cánh cò... Tác phẩm có hồn đến nỗi một người bạn năn nỉ xin mua bằng được. Từ đó, tranh cỏ như có mê lực hấp dẫn người phụ nữ trung niên này, mỗi khi ra đường, chị luôn quan sát kỹ để tìm ra những loại cỏ, cây ưng ý phục vụ ghép tranh. Học sinh, sinh viên thấy cô chủ cửa hàng mê say nên giúp cô sưu tầm thêm các loại hạt, quả khô đủ sắc màu. Cỏ gà, rong, rêu, lau... qua đôi tay tài hoa của chị trở thành phong cảnh làng quê sinh động trên nền vải bố.

Sau công đoạn phơi ép, xịt keo, phun sơn màu... hoa lá, cỏ cây được “dán” trên nền vải để tạo cảnh theo ý muốn. Cái khó là biết lựa chọn, kết hợp nguyên liệu sao cho hợp lý để tranh có sức sống như cảnh trăng thu, ngôi nhà hoa hồng... du khách đều thấy hài lòng khi sở hữu một bức tranh cỏ độc bản với giá cả phải chăng.
Khi trong đầu nảy sinh ý tưởng, chị bắt tay vào phác thảo và làm ngay. Đêm là thời gian yên tĩnh để chị thực hiện tranh cỏ, có khi ngồi đến 2 – 3 giờ sáng. Lúc chồng con thức dậy, ai cũng thấy bất ngờ khi một tác phẩm nghệ thuật mới vừa ra đời. Festival Huế 2010, 30 bức tranh cỏ độc bản lần đầu tiên ra mắt công chúng Huế và thu hút sự quan tâm của người yêu nghệ thuật. Một nữ du khách Thái Lan sau khi mua hàng liền giới thiệu cho bạn bè tìm đến mua tranh. Chị Yoko, du khách Nhật từng mua tranh cỏ của shop Kim Chi nhận xét: “Tôi cảm nhận được nét đẹp của làng quê Việt Nam qua những bức tranh cỏ này. Nó thật có giá trị khi được một người có tâm hồn làm nên. Người Nhật chúng tôi rất thích sản phẩm mang tính kỳ công như vậy”!
Tranh cỏ bán chạy đến nỗi chị Chi không dám nhận nhiều đơn đặt hàng. Từ nguyên liệu cho đến khi thành tranh theo yêu cầu của khách phải mất gần một tuần. Giá mỗi bức từ 150 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng tùy theo khổ tranh .“Tôi không dám ép mình theo khuôn mẫu sẵn có, vì thế nội dung tranh hiếm khi lặp lại. Gần đây, có người yêu cầu làm gấp 10 bức mang ra nước ngoài làm quà nhưng tôi đành chối từ”, chị giải thích lý do không sản xuất tranh cỏ đại trà. Với niềm đam mê lớn dành cho nghệ thuật, cô chủ tiệm kỳ lạ này còn ấp ủ ý định sáng tạo thêm những sản phẩm hàng lưu niệm độc đáo mang tính thực dụng cao. Hy vọng, tại Festival nghề sắp tới, shop Kim Chi sẽ trình làng thêm nhiều mặt hàng mới phục vụ khách du lịch.
T.Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên Tứ Tượng đã thấy nắng đan qua những vài những nhịp Trường Tiền.

Khúc serenata sông Hương
“Bén rễ” trên vùng đất mới

Những người Lào sau nhập quốc tịch đã yên tâm “an cư lạc nghiệp” ở vùng cao A Lưới. Họ được quan tâm, chăm lo đời sống và hưởng các chính sách bình đẳng như người dân bản địa.

“Bén rễ” trên vùng đất mới
Họ không nghỉ lễ

Vì tiến độ các công trình, vì mưu sinh, nhiều lao động trong các ngành xây dựng, dịch vụ... chọn làm xuyên lễ để có thêm thu nhập.

Họ không nghỉ lễ
“Kỳ tích” Ma Nê

Tháng Tư về với người dân thôn Ma Nê - một địa danh được nhiều người biết đến ở xã Phong Chương (Phong Điền), hai bên tuyến đường là màu xanh ngát của những cánh ruộng lúa “thẳng cánh cò bay”, báo hiệu một mùa vụ nữa bội thu.

“Kỳ tích” Ma Nê

TIN MỚI

Return to top