ClockThứ Năm, 05/03/2020 13:15

Sống là cho đi

TTH - Không riêng người dân Huế, tên tuổi của Hòa thượng, lương y Thích Tuệ Tâm (giới phật tử thường gọi là sư Tuệ Tâm), Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở TP. Huế đã trở nên gần gũi, thân thiết trong hoạt động chữa bệnh cứu người.

Đem lại sức khỏe cho mọi người là niềm vuiĐem yêu thương đến với người nghèoĐội trưởng có “duyên” đánh án

Sư Tuệ Tâm châm cứu cho bệnh nhân

“Gặp sư là bệnh vơi đi mấy phần"

Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi nhận tin từ người thân sống ở tỉnh Đắk Lắk hỏi thăm về Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với mong muốn nhờ sư Tuệ Tâm chữa bệnh "hiếm muộn". Để tạo cầu nối cho người thân, tôi tìm đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đúng thời điểm hậu tết. Mới hơn 8 giờ sáng, nơi đây đã có gần trăm khách; trong đó, nhiều khách giọng Nam, giọng Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An vào ra khám, lấy thuốc.

Một cụ bà tầm ngoài 70 tuổi, cầm phiếu ghi số thứ tự trên tay chờ đến lượt để vào bàn khám của sư. Trong lúc chờ khám, bà chia sẻ, bị gai cột sống đi đứng khó khăn nên tìm đến sư hơn một năm nay. Được gặp sư 3 lần rồi nhưng chưa lần nào hao tốn tiền bạc mà bệnh tình giảm hẳn. Lần này bà đến nhờ sư tư vấn và lấy thêm một ít thuốc về uống cho bệnh mau lành. Ngồi cạnh bà, người đàn ông tên Tú, trạc ngoài 50 tuổi giới thiệu quê ở Thanh Hóa, nói chuyện về sư Tuệ Tâm với vẻ mặt tôn kính: "Chỉ cần được sư cầm tay bắt mạch, hỏi han là cảm giác như bệnh vơi bớt đi mấy phần".

Sư Tuệ Tâm khám bệnh cho người dân tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa

Anh Tú kể, cuối năm 2018, thời điểm anh đi lao động ở Nhật Bản về thì bị tai biến, liệt nửa người. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi. Khi nghe người quen giới thiệu, anh vào Huế gặp sư. Thời gian đầu tưởng không còn cơ hội đi lại nữa, thế mà không ngờ được sự theo dõi khám châm cứu, phục hồi chức năng, qua hơn một năm, anh Tú đi lại tốt, lái ô tô từ Thanh Hóa vào Huế cũng không vấn đề gì.

"Hôm nay anh vào để kiểm tra sức khỏe?". Tôi hỏi. "Cũng không ngoài mục đích này nhưng có việc quan trọng nhờ sư giúp cho người em trai bị hiếm muộn. Nó lập gia đình 5 năm rồi mà chưa thấy gì nên ông bà cụ ở quê sốt ruột". Những thông tin đó anh Tú được người trong cuộc chia sẻ trong thời gian vào điều trị bệnh ở đây. Tôi mừng thầm vì ở Huế, ngoài cơ sở tây y, sư ứng dụng các bài thuốc đông y quý đã mang lại niềm vui cho nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn.

Sư Tuệ Tâm (giữa) tổ chức hỗ trợ quà cho người nghèo ở Huế trong dịp Tết Canh Tý vừa qua

Hỏi thăm về hoạt động của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, sư nói chỉ là duyên và nghiệp, kể ra dài lắm. Rồi sư thông tin trung tâm vẫn hoạt động với phương châm từ thiện nhưng bây giờ khác hơn trước, bệnh nhân đến khám hay châm cứu đều miễn phí. Riêng thuốc nếu ai có giấy chứng nhận hộ nghèo cũng được miễn phí; ai nói nghèo nhưng không có chứng nhận thì giảm 50%; ai không nghèo thì trả tiền. Phương thức thu như thế để bù chi và để trả lương cho hơn 40 nhân viên với mức từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng.

"Khởi nghiệp" vốn chưa đến 3 nghìn đồng

Sư Tuệ Tâm vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống đông y ở thôn Phú Lương, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền. Khi đã thọ giáo ở Huyền Không Sơn Thượng - vùng bán sơn địa Hương Hồ (TX. Hương Trà), sư lại tiếp tục nghiên cứu thực hành nghề đông y. Năm 1982, sư cùng 6 học trò rời Huyền Không Sơn Thượng về chùa Diệu Đế, đường Bạch Đằng, TP. Huế lập Tuệ Tĩnh đường với vốn ban đầu chưa đến 3 nghìn đồng do một sư huynh “cho ra riêng”. Gọi là Tuệ Tĩnh đường cho oai chứ thật sự ngày đó mọi thứ đều tạm bợ. Hàng tuần tranh thủ vào ngày chủ nhật, thầy, trò đi các ngả hái thuốc về phơi, sao để chữa bệnh. Gặp người bệnh nào đến khám, thầy trò Tuệ Tĩnh đường đều thăm dò "nhà anh", "quê chị"... có cây thuốc này, cây thuốc kia hay không. Nếu có thì nhờ họ hái luôn mang đến đổi thuốc thành phẩm, tăng thêm cơ số thuốc cho phòng khám.

Sư Tuệ Tâm nói, lúc đó dù Tuệ tĩnh đường Diệu Đế khó khăn nhưng đã phát tâm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Tuy vậy, do nội lực yếu nên khám điều trị miễn phí gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đang loay hoay vượt khó thì một phật tử biết chuyện tìm đến không chỉ giúp đỡ tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục hoạt động, mà còn bày cho cách mở hòm công đức tại phòng khám bệnh để người bệnh, phật tử... phát tâm cúng dường. Cứ thế, đến năm 2005, Tuệ Tĩnh đường chuyển qua chùa Pháp Luân ở đường Lê Quý Đôn và hình thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đến hôm nay.

Khi nghe đồng nghiệp nhắc đến sư thuộc hệ phái Nam tông, không nhập thế, tôi gợi hỏi sao sư lại nhập thế, phát tâm theo nghề y để giúp người nghèo? Sư cười hiền diễn giải, đó là tâm nguyện của sư bắt đầu bước vào cửa thiền năm 14 tuổi. Lúc đó thấy những người hàng xóm quanh chùa bệnh tật mà không tiền chạy chữa thuốc thang đầu óc sư bị ám ảnh. Chính thời điểm ấy sư thắp nhang, phát nguyện với Đức Phật từ nay về sau sẽ phụng sự chúng sinh bằng nghề đông y chữa bệnh cứu người.

Sư nói: "Lúc đầu, trong hệ phái không ai thích và ủng hộ cách làm của mình, nhưng về sau thấy hoạt động hiệu quả mọi người rất ủng hộ. Đến bây giờ Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa không phân biệt hệ phái, tôn giáo, tất cả tùy duyên vào một mái nhà chung với mục tiêu chữa bệnh cứu người".

Hiện nay, ngoài hoạt động khám chữa bệnh từ thiện đông y, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn y học cổ truyền cho học viên ở Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, sư Tuệ Tâm còn phát tâm kêu gọi phật tử, mạnh thường quân trong ngoài địa phương vào các dịp lễ, tết thường xuyên tổ chức các hoạt động tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Bình quân chi phí các hoạt động đó mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng.

Suốt hơn 40 năm nay, sư Tuệ Tâm chỉ học tập, nghiên cứu, làm việc và phụng sự chữa bệnh giúp người nghèo. Hiện nay sư Tuệ Tâm là danh y nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam.

Với sự cống hiến y tài của cá nhân, nhiều năm qua, sư Tuệ Tâm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen về thực hiện chính sách quốc gia trong công tác y dược cổ truyền, góp phần sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đồng thời được Hội Đông y Việt Nam công nhận thầy thuốc đông y tiêu biểu, "Cây kim vàng" của Việt Nam. Năm 2019, sư Tuệ Tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, tên thật Quách Cà, sinh năm 1956, là một trong những người tiêu biểu sưu tầm một số sách của ngự y triều Nguyễn và của nhiều danh y khác; trong đó có bộ sách quý của Hải Thượng Lãn Ông. Nhờ việc sưu tầm nghiên cứu ấy mà sư Tuệ Tâm đã chế ra những bài thuốc quý để chữa bệnh cứu người, như "Cao đơn hoàn tán", "Hoàn thìa canh", "Hoàn trí não", "Viên thuốc Trường thọ hoàn"... Gần đây sư Tuệ Tâm đã nghiên cứu bài thuốc đông y kết hợp với tây y để chữa bệnh "hiếm muộn" với tỷ lệ thành công hơn 80%.

 Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương

Đã có những khoảng lặng rất lâu sau khi tôi đọc các bài báo viết về những bông hoa đời thường đăng trên Báo Thừa Thiên Huế. Dòng chảy cuộc sống với bao bộn bề lo toan, nhưng có những con người vẫn như con ong lặng lẽ hút mật dâng cho đời. Với họ, sống là để cho đi…

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương
Bí thư chi bộ đảng xuất sắc

Bí thư Chi bộ 9 thuộc Đảng bộ phường An Hòa (TP. Huế) Hà Văn Báu là 1 trong 20 đảng viên đến từ các chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy Huế vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc 5 năm liền, giai đoạn 2015 – 2020.

Bí thư chi bộ đảng xuất sắc
“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới
Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý

30 năm tuổi đời, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi Hồ Thị Tường có 8 năm tuổi Đảng và 7 năm giữ vai trò trưởng thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới). Tháng 2/2020, Tường là một trong số đảng viên trẻ tuổi nhất được Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý
Return to top