ClockThứ Tư, 17/07/2019 06:30

Sứ mệnh của đốt tre, cọng cỏ

TTH - Khi đồ nhựa ra đời, các vật dụng làm từ tre, mây, cỏ bàng gắn liền với cha ông xưa dần biến mất, làng nghề cũng mai một theo. Nhưng rồi, với xu thế sống xanh, rổ, nia, giần sàn, túi xách làm từ vật liệu thiên nhiên lại được tin dùng.

Bảo vệ môi trường từ thói quen nhỏ nhấtCỏ bàng thay thế vật dụng nhựa

Cỏ bàng được người dân phơi, trước khi giã và đan lát

“Chỉ một cái ống hút, chỉ một cái cốc dùng một lần, chỉ một cái túi ni-lông thôi mà. Nhưng 7 tỷ người là 7 tỷ cái đấy con người ạ!”. Câu cảm thán tôi đọc được trên trang facebook “Thôi đừng ny-lon” và kèm bên dưới là hàng loạt bức hình các loài vật đang căng mình chống chọi với ống hút nhựa với túi ni-lông. Nó ám ảnh người xem đến tột cùng, gióng lên một hồi chuông về vấn nạn rác thải nhựa, muốn kêu gọi con người phải có hành động gì đó nhằm thay thế vật dụng bằng nhựa.

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Dạng, làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền lỉnh kỉnh mang bó cỏ bàng đã phơi khô ra cối ở đầu làng để giã. Công việc đó gắn với bà từ lúc còn nhỏ. Sau vụ mùa rảnh rang, bà và người làng đều đem cỏ bàng đã được phơi khô ra đan đệm, túi xách, hoặc mũ nón… “Nghề phụ nhưng siêng làm cũng có được đồng ra đồng vào” - bà Dạng nói.

Đệm bàng ở Phong Bình có từ xưa, sử sách ghi rằng nó có từ mấy trăm năm trước. Còn người làng bảo rằng, khi đồ nhựa chưa có thì dân phải tìm cách tạo ra cái chi đó để đựng lúa, để xách đi chợ và để nằm ngủ. Cứ vậy, những cọng cỏ bàng được người dân tìm cách làm nên các vật dụng cần thiết cho cuộc sống.

Mũ, túi xách làm từ cỏ bàng sẽ thay thế đồ nhựa, vải khi mà cuộc chiến chống rác thải nhựa ngày càng quyết liệt hơn

Và rồi, như một xu thế trong “cơn lốc” phát triển, đồ nhựa ra đời và nó dần chiếm lĩnh sự tồn tại của đồ mây tre, đệm bàng. Từ sau năm 1945, nền công nghiệp nhựa gia dụng giá rẻ bùng nổ. Ống hút nhựa ra đời. Khi đồ nhựa bắt đầu xâm chiếm với những sản phẩm bắt mắt, rẻ, bền nó đã không có khó khăn để “đá” những vật dụng làm từ thiên nhiên.

Đệm bàng Phò Trạch vì thế mà một thời lâm vào cảnh như cách nói của bà Dạng “nhớ quá thì đem ra đan chơi, không bán được thì dùng trong nhà”.

Nhưng, lịch sử sẽ chọn làng nghề này trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa. Cách đây gần hai tháng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn chỉ đạo địa phương khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa sản phẩm của làng nghề thay thế ống hút nhựa, giỏ xách, mũ… bằng nhựa.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Mỗi năm nước ta xả từ 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới). Đó là những thông tin mà đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc công bố vào tháng 12 năm trước. Trước một thảm họa đang ngày càng cấp bách, việc tìm vật liệu thay thế đồ nhựa là một giải pháp tốt nhằm ngăn chặn tình trạng đó. Ống hút từ cây cỏ, túi xách làm từ cỏ bàng, rổ nia, giần sàn làm từ mây tre… có lẽ là những vật dụng sẽ mang được sứ mệnh trong một chương mới của tiến trình sống xanh, sống hài hòa với thiên nhiên.

Tâm thế của một làng nghề lâu đời trước sứ mệnh mới như một luồng sinh khí mới đem lại cho vùng quê này. Ống hút từ cỏ bàng trước đó mấy tháng đã được một số hộ dân làm thử, và cũng đã có hiệu quả tích cực. Hôm tôi đến, bà Dạng cũng như nhiều người trong làng vẫn đan đệm, một số thì đan giỏ xách, mũ nón… Chuyện về việc tìm kiếm vật dụng thay thế đồ nhựa mà chính quyền vừa đưa ra như làm rôm rả hơn cuộc chuyện trò của người làng.

“Cứ đặt hàng đi, chúng tôi sẽ thử. Chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu. Nếu hạn chế đồ nhựa thì phải quay lại với đồ làm từ đệm bàng thôi”-bà Dạng khẳng định chắc nịch.

Tuy nhiên, người làng vẫn lo ngại chuyện về vùng sản xuất nguyên liệu. Cỏ bàng từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch được mất đúng một năm. Với nguyên liệu cho việc đan giỏ xách, chiếu, mũ… thì đơn giản nhưng với ống hút thì đòi hỏi thân cây phải to hơn.

Trước một xu thế mới, trước một cơ hội để vực dậy làng nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã có những động thái để mở rộng vùng trồng nguyên liệu, lập hàng rào bảo vệ. “Đến năm 2030, diện tích trồng cỏ bàng sẽ lên 15 ha thay vì 5,3 ha như hiện nay” - đó là khẳng định trong một báo cáo của chính quyền xã Phong Bình.

Bà Dạng vẫn cần mẫn trồng, vẫn cần mẫn phơi, giã, rồi đan đệm, giỏ xách từ cỏ bàng bấy lâu nay. Người làng Phò Trạch cũng như bà Dạng mong muốn một ngày, cái làng nghề này được cứu lấy, được mang một sứ mệnh mới trong cuộc chiến với rác thải nhựa mà nhiều nơi đang chống chọi.

Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mướt xanh cỏ bàng

Tháng Tư nắng như đổ lửa, những hình ảnh do Bảo Châu ghi lại cảnh người dân làng Phò Trạch (Phong Bình, Phong Điền) thu hoạch cỏ bàng giữa cánh đồng xanh mướt như món quà dịu dàng cho mọi ánh nhìn. Dưới những góc ảnh của Châu, Phò Trạch trù phú, yên bình trên mỗi nhịp tay, khuôn cười của người làng trong từng công việc, từ khi thu hoạch cây cỏ bàng ngoài đồng, hong phơi, sơ chế đến chế tác thành những sản phẩm thủ công có giá trị.

Mướt xanh cỏ bàng
Festival Huế - sứ mệnh & tầm nhìn

“Festival” đã trở thành một từ quá quen thuộc trong tâm thức người dân, bởi rất nhiều festival đủ thể loại đã xuất hiện ở Việt Nam (hoa, biển, pháo hoa, lúa gạo, trà, võ cổ truyền, tơ lụa - thổ cẩm, dừa, cà phê…). Festival nhiều nơi làm, cũng không ít festival xuất hiện một lần rồi biến mất. Do vậy có lẽ đã đến lúc nhìn lại và suy ngẫm.

Festival Huế - sứ mệnh  tầm nhìn
Return to top