ClockThứ Sáu, 12/05/2023 15:59

Ta trân trọng đời nhau

Cô bé thỉnh thoảng vẫn ghé mua trái cây ở hàng tôi.

Tuổi chừng mười tám, lứa tuổi mà người ta thường nghĩ đến như những đóa hoa trong thời kỳ rực rỡ nhất của đời mình. Tuy nhiên, em không có được diễm phúc ấy bởi em không được may mắn như bao người. Mẹ sinh em ra vốn đã như vậy và em cứ thế mà lớn lên cùng nỗi buồn âm thầm. Trong lúc các bạn đồng trang lứa hồn nhiên chơi đùa cùng bạn bè, được ba mẹ cho ăn diện nên các bạn ấy đã xinh lại càng xinh. Riêng em, từ khi nhận thức được mình có ngoại hình không đẹp nếu không muốn nói là rất xấu, cộng với nhà nghèo nên em càng mặc cảm, càng thu mình lại trong nỗi cô đơn. Đến tuổi cập kê, trong khi các bạn ai cũng có bao người theo đuổi thì em vẫn lủi thủi đi về một mình với công việc bán vé số. Trời cho em một đôi mắt đã lồi lại còn xếch ngược lên, chiếc miệng rộng không xinh duyên lại còn hàm răng chiếc cao chiếc thấp. Em không có bộ tóc dài đen láy để thả buông xuống ôm lấy bờ vai thon thả, mà cứ loe hoe vài sợi vàng cháy lưa thưa như râu bắp. Tóm lại em có một vẻ ngoài rất khó bắt mắt, chỉ có giọng nói là nhẹ nhàng, đằm thắm.

Hôm nay, cũng như mọi lần em ghé tôi mua trái dừa. Nhưng hôm nay nhận dừa xong em nói: "Chị ơi, khi mô em mua chị nhớ chặt cho em trái ngon ngon với hí!". Tôi ngạc nhiên: "Ừ, trái dừa này cơm vừa nạo lại vừa nhiều nước đó, em cũng trả đủ tiền cho chị như người ta mà, nên chị mô có chọn trái dở!". Em vội vàng cuống quýt: "Dạ em biết mà, nhưng em quen miệng nên dặn chị vậy, tại mỗi lần em đi mua đồ người ta thường hay chọn đồ không ngon cho em, tại..., họ thấy em ri!"

Tôi nghẹn ngào, chỉ biết nhìn em bằng ánh mắt thật âu yếm, yêu thương: "Ừ, chị sẽ nhớ chọn dừa ngon cho em!"

Tôi hiểu, đây không phải là chuyện của riêng em, mà ngay bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần như thế. Do tính chất công việc, nên trang phục của tôi khi ngồi bán buôn chỉ là những bộ đồ thật giản dị. Nhiều lúc để ý khi người ta đưa tiền, trong lúc có rất nhiều tờ tiền thì có người họ chỉ chọn những tờ tiền lẻ mệnh giá thấp và thật cũ kỹ nhất đưa cho tôi. Những lúc ấy tôi cũng có chút ít chạnh lòng vì biết người ta nhìn mình qua bề ngoài. Họ nghĩ rằng, tôi là người bán buôn vất vả, cực khổ, nhưng tôi đoán nếu họ vào một nhà hàng hoặc một nơi chốn sang trọng nào đó có lẽ họ sẽ không đưa những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ ấy ra đâu vì còn mắc bệnh sĩ diện. Những lúc đó thường thì tôi chỉ yêu cầu đổi lại tờ tiền nào đã rách không sử dụng được, còn không tôi vẫn mỉm cười nhận lấy. Tiền cũ mới nào cũng là tiền, cũng được lưu hành như nhau nên chấp nhặt làm chi, mặc dù cũng thú thật là đôi lúc tôi không tránh khỏi một ý nghĩ xem thường thoáng qua trong đầu.

Chuyện "coi mặt đặt tên" không hiếm. Có lần vào một cửa hàng thời trang sang trọng, tôi mặc bộ đồ bộ và mang đôi dép nhựa cây dừa hơi cũ. Đang ngồi sau quầy tính tiền, cô bé vội vàng đến bên tôi lúc thấy tôi mân mê chiếc váy cao cấp: "Chị ơi, chị không mua được chiếc váy này đâu, nó đắt tiền lắm đó!". Tôi ngạc nhiên nhìn cô rồi nhìn lại bộ áo quần mình đang mặc. Hiểu ra, hôm sau tôi lại đến, nhưng lần này tôi mặc trên người một chiếc váy trang nhã, lại còn cẩn thận xịt thêm chút nước hoa Chanel, tự tin đẩy cửa vào. Lần này, cũng cô bé đó chạy ra đon đả: "Chị ơi, chị muốn mua mẫu đầm nào, đi dự tiệc hay cà phê, để em tư vấn giúp cho!". Lúc này, tôi mới gỡ cặp kính đen xuống, nhẹ nhàng nhưng giọng nói nghiêm túc: "Nè con, hôm qua dì muốn ghé mua nhưng có lẽ lúc đó dì ăn mặc hơi tuềnh toàng nên con không muốn để dì mua hàng. Bất kỳ lúc nào con cũng đừng nên nhìn người qua vẻ bên ngoài, trong kinh doanh con càng không nên có thái độ đó. Tuổi của con chắc cũng bằng con dì nên dì khuyên con như vậy, lần sau con nên rút kinh nghiệm nhé!". Cô bé ngớ người, lát sau mới lí nhí ấp úng nói lời xin lỗi.

Vậy đấy, có một nhà thơ có những câu thơ như thế này: "Mỗi con người là một đài hoa, ta trân trọng đời nhau ta sống. Mỗi con người là một cung đàn, ta tìm đến tình nhau hy vọng !". Và chúng ta không nên đánh giá ai bằng cách chỉ nhìn thoáng qua bên ngoài. Trân trọng nhau cũng là cách để trân trọng chính bản thân mình.

TRANG THÙY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ
Tập tàng mà nấu canh tôm

Trời nắng hanh hao, tần ngần một hồi trước quầy rau củ và lời mời chào của dì bán rau, ánh mắt tôi dừng lại trước mớ rau tập tàng non xanh nằm lẫn giữa đám xà lách và tần ô. Trời này mà húp một ngụm canh rau tập tàng nấu tôm thì cứ phải gọi là mát lòng mát dạ.

Tập tàng mà nấu canh tôm
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Return to top