ClockThứ Ba, 13/11/2018 13:30

Thương chồng đi kiếm nhộng ong

Lạ mà quen canh củ sen khô mựcMắm dưa, chưa ăn đã thèm

Nhộng ong xào hành

Một chiều muộn, bà chị hàng xóm vốn dân 0.4 sang nhà nhờ bày cách vô mạng. Bày bày chỉ chỉ một hồi chị cũng vô được “in tờ néc”. Vô xong mình chẳng để ý, bỏ ra nhâm nhi ly rượu với chồng chị đang ngồi ngoài sân. Độ chừng 10 phút thấy chị tần ngần đi ra, hai tay vặn vẹo rồi thỏ thẻ, tui thấy họ nói vô “in tờ néc” xong là gặp “bác gồ”, “bác” nớ ai hỏi chi cũng biết mà đợi hoài không chộ…

Kể cũng tội, phụ nữ U40 người ta son phấn lượt là, còn chị quanh năm 3h sáng đã dậy về Cảng Thuận An gom cá. Tất nhiên, người chở về Thuận An là chồng chị, nhưng chở xong là về ngủ khò. Còn chị, gom cá rồi quày quả đem hàng ra chợ Đông Ba cho kịp chuyến sớm, cho kịp cá tươi. Cắm mặt từ sáng sớm đến 5, 6 giờ chiều mới về đến nhà. Ấy là những khi bán hết.

Hỏi gặp “bác gồ” mần chi tự nhiên mặt chị đỏ bừng, lúng ba lung búng một hồi chị thở hắt ra nói vô hỏi cách xào nhộng ong với hành, với hẹ, thằng em trên Dương Hòa chuyên “ăn” mật ong rừng mới cho một tổ. Mình ngạc nhiên nói chị nấu ăn dạng nhứt xóm, xào hành xào hẹ… thì cứ rứa mà xào, cần chi hỏi “bác gồ”? Chị cười chúm chím nói kệ tau, họ thương chồng nấu cháo le le, tau không có le le tau nấu nhộng ong, được chưa.

Nhộng ong sau khi luộc để nấu cháo

Độ chừng tháng sau, nhân ngày… biển động, cá ít nên hết sớm, chị tất tả qua nhà kêu chú ghé nhậu với chồng chị cho vui, có món ni hay lắm. Tới nơi thấy lão chồng đang lom khom bên nồi nước sôi, dưới đất là hai tổ đầy nhộng ong đang ngo ngoe thân mình trắng múp. Nước sôi, lão thả một tổ vào, chưa đầy một phút cả tổ vụn ra, từng con nhộng béo múp, căng tròn. Vớt ra, bắc tiếp nồi nước sôi, lão chồng đem đám nhộng luộc qua lần nữa, chừng 5 phút. Cho sạch, lão nói.

Kế bên, chị vợ tay dao tay thớt nhoay nhoáy xắt hành tím, rồi hẹ, rồi hành cây. Hẹ cắt khúc, hành cây cũng cắt khúc. Chỉ là phần bông hẹ, đầu hành dài cỡ ngón tay út chị để riêng.

Đám nhộng ráo nước cũng là lúc chảo mỡ nổ lụp bụp, nhanh tay thả hành tím rồi nhộng ong, rồi mắm muối tiêu đường, đôi đũa trên tay chị đảo nhanh mà nhẹ trên đám lửa to có ngọn. Canh chừng nhộng đã chín, chị bỏ nốt đám bông hẹ đầu hành vô chảo, đảo sơ mấy lượt rồi tắt bếp. Lúc này, lão chồng đã bưng bình rượu mọi khi thu ở góc giường, cẩn thận rót từng tí vào 2 ly mắt trâu, hai bàn tay xoa xoa giọng ra chiều mãn nguyện mần đi chú, mai… vui có chi kể anh nghe (?!).

Nhộng ong mật xào xong nhỏ bằng đầu đũa, bù lại độ ngọt, thơm, béo, bùi hòa với vị cay của tiêu của ớt, độ hăng của hẹ của đầu hành quả thật ngon… lủng xoong.

Mồi đưa cay chưa hết, lại thấy chị vợ tất tả bưng thêm dĩa trứng chiên đặt ngay ngắn trên bàn. Với vẻ trịnh trọng không phù hợp trong không khí nhậu, lão chồng cẩn thận xắn miếng trứng bỏ vô chén rồi đẩy qua, chú thử đi. Trứng chiên thì có chi mà thử, nghĩ là nghĩ vậy chứ sau khi bỏ vô miệng, mình quay qua thắc mắc bộ chị có cho thêm pho ma hay sữa vô trứng hay răng? Đổi lại, là tiếng cười lanh lảnh và thập phần… bí hiểm của chị.

Nhậu đã “tây tây”, lại thấy một nồi cháo nghi ngút khói kèm dĩa hành ngò tiêu ớt đỏ xanh bắt mắt đặt ngay ngắn kế bên. Múc từng muỗng cháo, lão chồng khề khà, trứng lúc nãy chú ăn là chị đem tổ ong còn lại cắt ra một nửa vắt lấy nước từ nhộng, từ mật còn sót lại trong tổ hòa với trứng để chiên, ăn bổ thôi rồi. Phần còn lại đem luộc lấy nhộng ra như lúc nãy rồi nấu cháo. Gạo hay cơm nguội nấu cho mềm, loãng thôi, sau đó xào nhộng với hành, nước mắm, tiêu rồi đổ vào nồi. Cháo sôi bắc xuống, múc ra chén, rắc hành ngò vô… mà thôi, chú ăn cho nóng, mai có chi… vui kể anh nghe.

Xì xụp húp cháo, mồ hôi toát ra ròng ròng, cả người như nhẹ bẫng. Sực nhớ câu “mai có chi vui” lão chồng cứ nhắc tới nhắc lui, hỏi lão vui là vui cái chi lão tít mắt nói chú mi đừng cười, mấy nay vô “in tờ néc” mần theo y thực, tuần làm bữa nhộng ong, khi thì cháo, lúc đổ trứng, xào hành, chán chuyển qua rang lá chanh, lăn bột. Chắc mai lại đặt tiếp vài tổ, đem quấn giấy báo, bọc ni lông rồi bỏ vô ngăn mát tủ lạnh ăn dần, cũng trữ được 2-3 tuần…

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương vị của đại ngàn

Không phải ai sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn cũng có cơ hội thưởng thức món sâu tre, loại côn trùng độc đáo này. Với những ai may mắn nếm thử, hương vị đặc biệt của sâu tre xào lá kiệu và ớt hiểm thật sự “gây thương nhớ”. Đối với người dân nơi đây, sâu tre không chỉ là một món ăn, mà còn là một trải nghiệm văn hóa đặc biệt.

Hương vị của đại ngàn
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
TasteAtlas:
5 món ăn truyền thống phải thử ở Huế

Đây là tiêu đề bài viết được đăng tải trên Trang web TasteAtlas, trong đó đưa ra các món ăn truyền thống ngon nhất ở Huế được những chuyên gia trong ngành giới thiệu.

5 món ăn truyền thống phải thử ở Huế
Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh

Chiều 7/11, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn I - 2022; Phát động bình chọn đề cử giai đoạn II - 2023 trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và trao chứng nhận hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Sáu món ẩm thực tiêu biểu của Huế được vinh danh
Tìm kiếm sứ giả ẩm thực xứ Huế mùa 4

Chiều 26/10, Trường cao đẳng Du lịch Huế phối hợp với Công ty Cholimex Foods tổ chức cuộc thi Tìm kiếm sứ giả ẩm thực xứ Huế - mùa 4, năm 2023 với chủ đề "Món ngon kinh đô ẩm thực Huế".

Tìm kiếm sứ giả ẩm thực xứ Huế mùa 4

TIN MỚI

Return to top