ClockChủ Nhật, 11/07/2021 07:29

Thủy sinh không chỉ là “trend”

Xanh mướt các loại cây trong nhàMẩn mê goldfish

Là con gái, nên khi nghe cậu bạn kể về cái chậu bonsai, thủy sinh mấy triệu đồng dành dụm được từ hồi nào để chơi trong nhà, suy nghĩ nảy lên trong đầu tôi lúc đó chỉ có mấy chữ: “Chơi gì tốn kém quá đi”. Những khẳng định này thậm chí còn trở nên chắc nịch hơn, khi thấy “cái bể mấy triệu đồng” hồi đó giờ “tan hoang” do cậu cũng đam mê, nhưng chưa tới. Ấy là vậy, chứ nhìn ánh mắt bạn mình sáng rực lên, tay liên hồi phóng to, thu nhỏ vào cái ảnh chụp chậu thủy sinh sắm được, rồi thấy nhiều nhà cũng đầu tư vào cái bể cảnh trưng ở phòng khách “cho thật hoành tráng”, tôi cũng bắt đầu để ý nhiều hơn.

Chăm chú với bể thủy sinh của riêng mình. Ảnh: HẠ AN

Thực ra, khi nghe nói đến thủy sinh, hình ảnh xuất hiện trong đầu tôi lúc ấy là một chậu cá to, với xanh xanh của cây, đỏ đỏ tím vàng của hệ thống đèn chiếu... Nhưng đến lúc “đi vài đường quyền” trên thanh công cụ là phải tìm thấy đến hơn 91 triệu kết quả, trong đó những định nghĩa theo các a-ma-tơ (amateur) cảm thấy dễ hiểu nhất là: bể thủy sinh là một trong những loại bình bể cảnh, cho thấy một hệ sinh thái thu nhỏ dưới nước hết sức độc đáo và ấn tượng.

Trong cuộc nói chuyện dài với vài người bạn có đam mê cho thú chơi thủy sinh, có thể nói họ đến với nhu cầu chơi bể thủy sinh với nhiều mục đích, một phần xem đây như “bức bình phong” ngăn cách, che chắn một khu vực trong nhà, một phần chơi như cách sáng tạo để trang trí, hay phần lớn là để thư giãn, rồi nhiều người cũng theo trend cho bằng chúng bạn. Là một trong số đó, anh Lê Văn Tâm (TP. Huế) mê bể thủy sinh từ hồi bé “tí tèo teo”, sau lớn lên thì tiếp cận một cách bất ngờ, học hỏi từ từ, mua sắm từ từ, rồi giờ trở thành chuyên gia về lắp bể trong gia đình và dùng chính đam mê ấy để kiếm thêm thu nhập.

Bucep thủy sinh xanh mướt trong bể. Ảnh minh họa: THIỆN PHƯỚC

Anh Tâm bảo: Không phải cứ ưng gì là thả vào cũng được, chơi thủy sinh cũng là một nghệ thuật. Dù không nhận mình là một nghệ sĩ như mấy câu hợp vần người ta thường nói để giỡn nhau, nhưng với kho kiến thức tương đối đầy đủ và chi tiết về thủy sinh, tôi cũng tự lưu giữ trong trí nhớ của mình về một anh Tâm đang là nghệ sĩ.

Trong giới chuyên chơi, thủy sinh có hầm bà lằng loại. Nhưng nổi bật nhất có Iwagumi, với phong cách Nhật Bản, trong đó tập trung tạo hình trang trí với tiểu cảnh núi đá, cây cỏ các loại. Phổ biến nữa là loại hình thủy sinh Natural, tức không theo một bố cục nào nhất định. Song cũng chính vì sự phóng khoáng trong khả năng sáng tạo này, để làm được một bể thủy sinh Natural đơn giản mà đẹp, chưa bao giờ là dễ. Ngoài ra, cũng phải kể đến thủy sinh phong cách rừng (jungo), mô tả một hệ sinh thái hoang dã đúng như cảnh vật trong thiên nhiên. Với thể loại này, người chơi thường lưu lại một khung hình, bức ảnh về cảnh rừng yêu thích, rồi cover lại y sì, nhưng ở kích thước nhỏ hơn trong bể. Biotope hay phong cách Hà Lan... cũng không thể không nhắc đến được.

Để có một bể thủy sinh, bất kể to hay nhỏ, bình thường hay hoành tráng, thì những thứ cơ bản cần phải là một cái bể trong suốt, phần nền, hệ thống đèn điện chiếu phù hợp với từng loại cây thủy sinh, cây, cá nếu muốn và hệ thống lọc nước. Về cơ bản là vậy. Tôi chưa bước chân vào giới chơi thủy sinh bao giờ, nên nghe đến đoạn cơ bản còn ậm ừ, gục gặc, chứ đến lúc có nhiều thành phần, mỗi thành phần đều có nhiều “option” để lựa chọn thì hoang mang “đọa”. Như đèn cũng có đèn ABC, phần đất nền nuôi cây XYZ. Mỗi loại có thể có những mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, giá từ vài trăm nghìn cho đến vài chục triệu. Đến phần quan trọng là lũa (phần gỗ được tạo dáng thẩm mỹ) và cây thủy sinh cũng hầm bà lằng loại. Mỗi cây lũa có giá cũng lên đến cả triệu, trong khi mỗi nhánh cây thủy sinh “nhỏ xí” phải đến 25.000 đồng, mà trong mỗi bể tùy kích thước phải có đến cả mấy chục hoặc cả trăm nhánh cây mới đủ. “Có nhiều người đầu tư một lúc vài trăm triệu cho tất cả các yếu tố cấu thành chỉ để chụp ảnh check-in là nhà mình có cái bể thủy sinh hoành tráng. Nhưng cũng có những người không đủ điều kiện, nên sắm mới, mua thêm từ từ. Tức là ai cũng chơi được, bao nhiêu tiền cũng chơi được”, anh Tâm nhấn mạnh vậy.

Tôi nghe đến đoạn mấy chục và cả trăm triệu đồng cũng phải “khiếp hồn” thêm mấy lần nữa, chắc phải y như phản ứng của mấy người con trai nghe phái nữ sưu tầm túi hàng hiệu cả chục, trăm triệu đồng chẳng hạn. Thành ra không có thú vui nào là “chơi chi mà bà láp dữ” hết. Chỉ cần họ yêu thích là được.

Thấy tôi chăm chú vào các nhánh cây nhỏ trong các bể thủy sinh, anh Thiện Phước (TP. Huế) cũng nhanh nhảu chỉ tận tình rồi liệt kê bucep, rêu minitaiwan, dương xỉ thủy sinh, trân châu ngọc trai, tân đế tài hồng... là một vài trong số rất nhiều cây được lựa chọn để trưng trong bể. Anh bảo có nhiều người mê bể chỉ để chơi, nhưng cũng có lúc họ nuôi cây để ra nhánh mới, bán lấy lại vốn, rồi kiếm thêm thu nhập. Lúc này, anh Tâm hào hứng nhất, khi cho tôi thấy cả những tin nhắn khách đang đặt lũa và cây mới của mình trên facebook. Dù không chú ý mắt anh ấy có niềm vui hay tự hào gì, nhưng chỉ biết trong từng câu chữ ở đoạn này có đôi phần nhấn mạnh đầy tự hào: “Đoạn cao điểm, tức mùa thu, khi bể thủy sinh có môi trường, nhiệt độ tốt nhất để phát triển, anh có thể kiếm đến vài triệu cho đến chục triệu từ nghề tìm lũa, làm lũa và thiết kế bể thủy sinh cho khách”.

Ở Huế có nhiều nơi phục vụ thú vui này, như HappyAqua, Thủy sinh Quốc Thịnh... đều là những cái tên được nhiều người điểm mặt. Chỉ vậy là thấy sức chơi thủy sinh của người dân Huế coi vậy mà cũng nhiều lắm.

Trong suốt cuộc nói chuyện dài, nghệ sĩ Tâm và nghệ sĩ Phước cứ nhắc sẽ gửi cho tôi danh sách mấy loại và mấy chủng cây thủy sinh mãi. Tôi không chắc khi nào mình mới có một bể thủy sinh đúng điệu cho riêng mình, bởi thách thức còn là cả một tràng kiến thức dài về nhiệt độ nước, cách thay bể... đầy phức tạp và tỉ mỉ, nhưng chỉ thấy đôi mắt đã bắt đầu dán vào những chỏm cây xanh mướt vươn lên trong dòng nước trong, với cả cá, cả lũa, ốc... trông thật mát mắt.

HẠ AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top