ClockThứ Hai, 22/04/2019 06:30

Tiếp cận giao thông cho người khuyết tật

TTH - Tạo điều kiện cho người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng, hạ tầng đô thị, các phương tiện giao thông, công trình xây dựng cần đảm bảo để họ tiếp cận, sử dụng.

Nâng cao khả năng tiếp cận cho người khuyết tậtChưa tiếp cận với người khuyết tậtĐảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận công trình giao thông và xây dựngNgười khuyết tật khó tham gia giao thôngSao vỉa hè cao thế?

NKT cần được quan tâm đến vấn đề tiếp cận sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, công trình xây dựng. Ảnh: Trung tâm ACDC

Khó khăn khi đi lại

Bị khuyết tật vận động, chị Phan Thị Thu Giang (TX.Hương Thủy) khá vất vả khi đi lại. Chị kể: “Nhiều tuyến đường dẫu có lối lên xuống dành cho xe lăn nhưng có nơi có bó vỉa cao, người đi xe lăn phải tốn nhiều sức mới có thể lên vỉa hè. Số lượng các tòa nhà có đường tiếp cận cho người đi xe lăn còn rất hiếm hoi, thậm chí UBND xã, phường, trạm y tế là những nơi NKT đến nhiều nhất cũng chưa tiếp cận cho NKT khi thiết kế bằng bậc cấp”.

Hiếm khi bắt gặp hình ảnh NKT đi xe lăn trên xe buýt, không chỉ do hệ thống xe buýt cũ chưa có lối lên thích hợp với xe lăn, mà các bến xe, nhà chờ chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cho NKT sử dụng.

Bà Trương Thị Ngọc Anh, NKT đang công tác tại Hội Người khuyết tật tỉnh cho rằng, cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn… nên các phương tiện xe taxi, xe bus, xe khách chưa phù hợp cho NTK sử dụng.

Với người khiếm thị, việc tham gia giao thông còn vất vả hơn. Trừ đường Điện Biên Phủ, đường đi bộ ven sông Hương và một số tuyến đường được xây dựng, cải tạo sau này, nhiều đường phố ở Huế và khu vực ngoại thành vẫn chưa có lối đi lát gạch nổi cho người khiếm thị. Đường Trần Phú, Phan Bội Châu và một số tuyến đường khác không có vỉa hè, hoặc đoạn có đoạn không khiến người khiếm thị phải đi xuống lòng đường. Chưa kể, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe càng gây thêm khó khăn cho NKT đi lại.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh bộc bạch: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể tự tham gia giao thông mà phải có người giúp đỡ, tôi cũng không dám cho các cháu ở hội tự đi ra đường. Việc băng qua đường thật sự nguy hiểm vì không có biển báo chữ nổi hoặc tín hiệu âm thanh hỗ trợ. Người khiếm thị chỉ biết qua đường bằng cách giơ gậy, huơ tay xin đường và… băng liều”.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) chia sẻ, nếu các phương tiện giao thông hay công trình công cộng tiếp cận thì vị thế của NKT sẽ khác. Họ được đi ra ngoài, đi làm, đi học, có việc làm ổn định, có thu nhập thì cơ hội, năng lực, vị thế, vai trò của NKT được nâng lên.

Kiểm tra từ khâu thiết kế

Theo chia sẻ của bà Lan Anh, ở các nước phát triển đều có hệ thống giao thông tiếp cận khá tối ưu cho NKT. Điển hình như Nhật Bản, trên xe buýt, tàu điện luôn có ghế ưu tiên cho NKT. Hệ thống loa tự động thông báo điểm dừng để người khiếm thị nắm bắt thông tin, tài xế được đào tạo và yêu cầu phải ân cần hỗ trợ NKT. Việt Nam có thể làm như thế nếu có sự quan tâm thực chất của các cơ quan thực thi tại địa phương với giao thông cho NKT.

Tháng 2 năm nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch trợ giúp NKT, trong đó phấn đấu tăng dần tỷ lệ các công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục dạy nghề… bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận cho NKT, dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thông qua Trung tâm ACDC thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2021, với tổng vốn gần 6 tỷ đồng. Dự án tập trung vào vấn đề y tế và tiếp cận vật lý về giao thông, công trình xây dựng cho NKT.

Theo đề xuất của ông Ngô Văn Tiến, Phó Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện, Sở Giao thông vận tải (GTVT), cùng với việc rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng các đầu mối giao thông theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận của NKT, việc thẩm định các dự án giao thông cần có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến NKT; thẩm định các phương tiện giao thông công cộng mới đưa vào khai thác sử dụng phải đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.

Sở GTVT đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT tham gia giao thông, có chỗ ngồi ưu tiên cho NKT, nghiêm cấm việc phân biệt đối xử hoặc có thái độ kỳ thị NKT. Bộ GTVT cũng cần đưa vào giáo trình tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe, nhân viên tại các đầu mối giao thông về kỹ năng, thái độ và cách thức hỗ trợ NKT.

Về công trình xây dựng, bà Mai Thị Minh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, từ nay, trong công tác thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình, Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra thiết kế phải tuân thủ quy chuẩn về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng khi thiết kế. Ngoài ra, cũng cần xây dựng giáo trình về thiết kế các công trình xây dựng đảm bảo tiếp cận cho NKT; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng thiết kế các công trình tiếp cận với NKT cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và đội ngũ hành nghề liên quan đến lĩnh vực xây dựng...

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

Ngày 20/12, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức ngày hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) với chủ đề "Cơ hội không của riêng ai". Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 - Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" trong chiến tranh do USAID tài trợ.

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

TIN MỚI

Return to top