Cụ Nguyễn Thị Đàm bên con trai 75 tuổi - ông Trần Quang Trình
Trong không gian yên ả, trong lành của xóm nhỏ, chúng tôi vào ngôi nhà có hai hàng cau thẳng tắp - nhà của cụ Nguyễn Thị Đàm, người ở tuổi “bách niên giai lão”. Cụ Đàm dáng người nhỏ nhưng chắc khỏe. Cụ nhớ rõ mồn một về những kỷ niệm của thời son trẻ; nhớ những đêm trăng rằm cùng bạn bè ra đình làng chơi hội; nhớ những câu hò đối đáp trong những ngày mùa…
Cụ Đàm có 6 người con, con gái đầu năm nay đã 80 tuổi, người con út 58 tuổi. “Gia tài” của cụ có trên 50 người cháu, chắt, chút. Gia đình cụ được xem là sống thọ nhất vùng, khi thân sinh ra cụ sống đến 100 tuổi, con cái cụ dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng luôn trẻ khỏe. Cuộc đời cụ trải qua nhiều thăng trầm, ngày trẻ cụ làm nhiều nghề, như đi buôn, làm ruộng… Năm 34 tuổi, cụ “thập tử nhất sinh” khi trúng đạn xuyên qua bụng, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Với những lần ốm đau khác, cụ rất ít khi dùng thuốc Tây mà theo sự hướng dẫn của người cha làm nghề thầy thuốc truyền dạy chữa bệnh bằng thuốc Nam, bằng những mẹo dân gian. Cụ còn “nằm lòng” một số bài massage lưu thông khí huyết và đều đặn thực hiện mỗi ngày cho đến tận bây giờ.
Khi hỏi cụ ăn uống như thế nào để cơ thể luôn dẻo dai, khỏe mạnh, cụ Đàm chỉ vào người con trai thứ - ông Trần Quang Quốc (60 tuổi), “ăn uống của tôi chú này lo”. Tôi thích ăn rau con nấu rau, thích ăn cá con kho, còn cẩn thận nhặt xương cá giúp mẹ, cụ kể. Ông Trần Quang Quốc, ngồi bên cười tủm tỉm cho hay luôn chọn những món mẹ thích để cụ ngon miệng. Mỗi bữa cụ ăn được một bát cơm cùng thức ăn, luôn đúng giờ đúng bữa và chừng mực. Nhà cụ lúc nào cũng rộn tiếng con trẻ khi cháu chắt về chơi thường xuyên.
Còn ông Trần Quang Trình, đã 75 tuổi, nhà ở Tây Lộc (TP. Huế) vẫn đều đặn mỗi sáng, bất kể mưa hay nắng đều chạy sang chăm sóc, trò chuyện với mẹ. “Kính dưỡng cha mẹ là đạo lý phận con phải làm tròn. Thuở xưa nghèo khổ mấy ai được sung sướng đâu. Tôi nghĩ do cách ăn uống và tập luyện đơn giản cộng thêm lối sống từ bi và thái độ sống tích cực giúp mẹ sống lâu hơn”, ông Trình bộc bạch. Dù tuổi đã cao, nhưng nhìn ông Trình vẫn trẻ khỏe, hằng ngày, ông giúp mẹ tắm rửa và giặt quần áo. Câu chuyện một người con trai đã 75 tuổi ngày ngày giặt quần áo cho mẹ khiến ai nghe cũng không khỏi xúc động. Ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn chăm sóc mẹ với niềm tôn kính, ngập tràn yêu thương. “Không khí trong lành, thói quen vận động tay chân từ thời trẻ và niềm hạnh phúc được sống cùng con cháu hiếu thuận có lẽ là bí quyết giúp tôi sống lâu” cụ Đàm trải lòng.
Ông Lê Văn Thê, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hương Long nhận xét: “Người dân ở đây chăm chỉ với đồng ruộng, sống trong không gian bốn mùa xanh lá, cuộc sống đề cao sự giản đơn nên có lẽ không chỉ cụ Đàm mà còn nhiều cụ ông, cụ bà ở đây sống thọ và mạnh khỏe với “bí quyết” hài hòa giữa đời sống lao động và tinh thần”.
Bài, ảnh: Phước Ly