Anh Trương Quang Lời thành công với mô hình nuôi vịt trời
Không ngại thất bại
Anh Trương Quang Lời (thôn Khánh Mỹ, Vinh Xuân, Phú Vang) được người dân địa phương biết đến gương điển hình chăn nuôi vịt trời hiệu quả. Tuy nhiên, ít ai biết để có được ngày hôm nay, anh đã từng thất bại nhiều lần. Anh cho biết, sau năm 2012, từ Gia Lai trở về quê, anh chỉ là dân tay ngang chưa am hiểu nhiều về nông nghiệp. Khi thấy vùng trằm thôn Khánh Mỹ hoang hóa anh đã nghĩ việc thuê gần 9 ha để nuôi vịt trời xen cá-sen. Đây là mô hình khác biệt, bởi lúc này bà con ở huyện Phú Vang chưa người nào triển khai. Song, mấy năm đầu anh Lời liên tiếp gặp khó khăn trong thuần dưỡng vịt trời và đầu ra cho sản phẩm. Nhiều đêm anh mất ngủ vì vịt không bán được. Có thời điểm anh phải ngừng nuôi để đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ chịu khó kết nối, năng động trong tìm kiếm thị trường nên anh dần giải được bài toán này.
Hiện, trang trại nuôi vịt trời của anh Lời có khoảng 5.000 con, trong đó có hơn 1.000 con vịt đẻ, còn lại vịt giống và vịt thịt. Năm qua, anh xuất bán gần 9.000 con vịt thịt. Vào mùa hè, mỗi ngày trang trại anh bán ra khoảng 50-60 con vịt thịt, chưa kể bán vịt giống và trứng...
“Thất bại vài ba lần là chuyện bình thường khi khởi nghiệp. Vấn đề là phải mạnh dạn, tự tin với ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên, trước khi làm hãy quan tâm đến thị trường và nên đi từ những mô hình nhỏ, không nhất thiết phải dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư, bởi nếu gặp thất bại sẽ khó bắt đầu lại” - anh Lời chia sẻ.
Một doanh nhân khá nổi tiếng ở TP. Huế cho rằng, thành công của anh cũng không tránh khỏi những thất bại, nhưng vấn đề cần biết đứng dậy. Theo doanh nhân này chia sẻ, muốn khởi nghiệp phải am hiểu về cơ chế xã hội, dù sản xuất kinh doanh lĩnh vực gì; không ngừng tìm tòi, học hỏi để bổ sung những kiến thức, bởi kiến thức sẽ tạo vị thế. Tất nhiên, điều ấy phải song hành với bản lĩnh, không thiếu đam mê nhiệt huyết và không ngại đương đầu với khó khăn, thất bại.
Cần tự tin
Mới đây trong dịp làm việc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đại học Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, doanh nghiệp ở địa phương phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ; việc đổi mới về kỹ năng quản trị, phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận các nguồn thông tin mới chưa mạnh. Do đó, dù có tăng trưởng số lượng doanh nghiệp nhưng nhìn chung về mặt chất lượng, cạnh tranh trên thương trường còn hạn chế. Nếu chia khởi nghiệp ra làm 3 nhóm thì hiện nay ở Thừa Thiên Huế phần đông mới dừng ở dạng lập nghiệp thông thường; nghĩa là, người trẻ, thanh niên muốn có công ăn việc làm, muốn tổ chức sản xuất kinh doanh để cải thiện cuộc sống, gia đình. Trong khi nhóm khởi nghiệp với những ý tưởng, dự án đầu tư mang tính “đột phá" chưa nhiều.
Phó Chủ tịch Phan Thiên Định gợi mở, xã hội luôn vận động và phát triển thì cần có hành động ý tưởng táo bạo, thậm chí phải có những ước mơ hoài bão cao, xa. Nếu không có ước mơ đó thì làm sao có những thành tựu trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Chúng ta nhắc đến công nghiệp 4.0 thì tương lai sẽ còn 5.0, 6.0 nữa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo cho tiến bộ loài người, cho chính cuộc sống của mình. Hiện, cơ chế chính sách các cấp ngành địa phương đã rộng mở, câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ nếu có đủ bản lĩnh, tự tin, không sợ thất bại chắc hẳn sẽ thành công.
Trong các diễn đàn khởi nghiệp gần đây, chúng tôi biết có những người trẻ 8X, 9X ở Huế táo bạo, quyết đoán dù bước đầu khởi nghiệp trong môi trường rủi ro cao nhưng đã mang lại hiệu quả. Đơn cử, như chị Nguyễn Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue chuyên kinh doanh sản xuất gia vị bún bò Huế, một thương hiệu đang có chỗ đứng trong và ngoài nước; hay chi Đặng Thị Thu Hương, cựu sinh viên học ngành maketing,Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế. Cô gái này từng công việc ổn định nhưng đã suy nghĩ táo bạo bắt tay vào xây dựng dự án hệ sinh thái xanh, mô hình kinh doanh có mắt xích kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng phát triển, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ theo hướng thân thiện môi trường. Ban đầu chị Hương gặp nhiều khó khăn bởi mô hình chưa được nhiều khách hàng biết đến. Thế nhưng, khi tìm được người đồng hành, cùng tâm huyết, cùng "tần sóng xanh" nên mô hình hệ sinh thái xanh - Eco Green Hub trở thành nhà chuyên phân phối và bán lẻ sản phẩm chất lượng cao được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Thông điệp từ chị Hằng ở YesHue hay chị Hương chủ Eco Green Hub: Khi khởi nghiệp, tự tin là điều quan trọng. Các bạn trẻ cần mạnh dạn khởi nghiệp và đừng ngại chia sẻ, tương tác ý tưởng, dự án của mình với mọi người...
Bài, ảnh: MINH VĂN