ClockThứ Hai, 20/02/2017 10:26

Về chùa ăn chay!

TTH - Thật hạnh phúc khi về chùa ăn cơm chay. Bữa cơm đạm bạc thôi nhưng chất chứa nhiều điều yêu thương khó tả.

Nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi lần đến mồng một, ngày rằm (Âm lịch) hằng tháng, hay những ngày lễ Phật, tôi hay lót tót theo ba mẹ đi chùa. Đến chùa, không gian thanh tịnh, trang nghiêm làm cho ai nấy cũng tĩnh tâm, nhẹ nhàng, vứt bỏ mọi lo âu, phiền muộn.

Thường sau khi đốt nhang khấn Phật xong, tôi và mẹ chưa về vội mà nán lại sau chùa gửi chút thực phẩm chay, phụ các sư (hoặc ni) dọn dẹp đồ đạc, phụ chuyện bếp núc, trưng bày trái cây cúng Phật. Nhờ có các phật tử như mẹ tôi mà nhà chùa “vẽ” ra được nhiều món ăn chay lạ mắt, ngon miệng, độc đáo, ai nhìn cũng phải thèm. Người lớn thì bận rộn việc làm cơm chay, trong khi trẻ con như tôi thì lại đói bụng. Khi nhìn thấy những món ăn bắt mắt, ngon miệng, tôi không thể nào kiềm nén tiếng réo gọi của bao tử, thèm thuồng của vị giác. Níu vạt áo của mẹ, tôi nói hồn nhiên: “Mẹ, con muốn ăn! Con đói bụng quá!”. Bao giờ cũng thế, mẹ xoa đầu tôi, bảo: “Chờ tí đi con. Đợi cúng Phật, làm lễ xong, mẹ sẽ cho con ăn thoải mái. Con nhớ, phải biết nguyên tắc này, không được đòi hỏi, rõ chưa!”. Mặt tiu nghỉu vì đói bụng nhưng tôi vẫn ráng cười: “Dạ!”.

Bữa ăn được dọn ra ngay sau đó. Rất nhiều phật tử ngồi vào bàn ăn trong nụ cười trìu mến. Đâu đó rơi rớt những giọt mồ hôi hạnh phúc, ấm lòng. Sau khi trụ trì tụng kinh cầu nguyện xong, mọi người dùng đũa thọ trai. Chao ôi, tôi chỉ chờ đến lúc này để mà nhanh tay gắp thức ăn. Mẹ nhắc khéo: “Ăn từ tốn thôi con, đừng phàm ăn như thế, mọi người nhìn kìa!”. Vội rụt tay lại, tôi nhẹ nhàng gắp mỗi món một ít cho vào chén. Phải công nhận rằng các món chay ở chùa làm rất ngon. Đồ chay luôn mặc định là ngán, bởi chỉ có thực phẩm làm từ rau, củ, quả. Nhưng qua bàn tay của các phật tử như mẹ tôi, các sư (ni) khéo léo đã làm nên nhiều món chay rẻ tiền mà ngon miệng. Nhiều sư (ni) thấy thằng nhóc như tôi khoái các món ăn chay, đã kêu mẹ tôi mang một ít về nhà cho tôi dùng. Mẹ từ chối vì ngại, nhưng tôi lại vô tư xin về. Mẹ và sư (ni) chỉ biết nhìn tôi cười trìu mến.

Dù không ăn chay trường, nhưng nhờ đến chùa ăn chay, tôi mới nhận ra mình có thêm nhiều kinh nghiệm sống, thêm cảm giác an toàn, ấm cúng. Ngoài ra, tôi lại học được nhiều kỹ năng làm bếp, biết tự tay nấu thức ăn và làm được nhiều việc lặt vặt khác. Đó là chân lý sống: “muốn ăn phải lăn vô bếp”. Nhìn thấy mọi người cười nói vui vẻ, pha trò rôm rả, tôi cảm thấy lòng mình ấm cúng, như một gia đình thứ hai.

Về chùa ăn chay, không đơn thuần là đến để ăn, mà đến để cảm nhận và học hỏi thêm nhiều điều may mắn, hạnh phúc, đáng yêu trong cuộc sống này.

NGUYỄN HOÀNG DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ăn cơm chùa

Hiểu theo nghĩa đơn giản, ăn cơm chùa là ăn cơm ở chùa. Ở một ý nghĩa nào đó, nó có hàm ý là ăn cơm miễn phí.

Ăn cơm chùa
Nếp chay, nếp người

Người nấu chay qua việc chế biến cũng tự sửa mình. Hiếm thấy ai nấu chay mà nóng nảy, bực bội, mệt mỏi, người nấu chay lan tỏa cái sự an lành vào mỗi bữa ăn...

Nếp chay, nếp người
Người trẻ chọn món chay

Vèo một cái đã hết hơn nửa năm. Kỳ thực là tôi không theo dõi lịch âm nên hiếm khi bắt kịp các ngày kỵ giỗ, cúng rằm như bà và mẹ. Chỉ là mỗi lần dạo chợ, nếu thấy hai bên đường đã nhuộm nhiều sắc hoa là biết, tối nay nhà mình sẽ phảng phất mùi khói hương. Hoặc thấy các biển hiệu treo bún bò, giò, chả đã chuyển thành bún, phở, gỏi chay... là biết ngày trăng tròn đã đến.

Người trẻ chọn món chay
“Like”

Khi đã dẫn đường link, tag cho bạn bè xong, nó thong thả xem lại nhật ký trên facebook của mình để tính số like vừa nhận. “Chỉ được 50 like, ít thế!”, nó làu bàu ra vẻ không hài lòng.

“Like”
Đến Huế ăn chay

Khách đến Huế được đãi bữa cơm chay ở một ngôi chùa thì đó là sự trân trọng và quý mến đặc biệt của gia chủ.

Đến Huế ăn chay
Return to top