|
Khách tự chọn hoa và "check-in" ở vùng trồng hoa thôn Thanh Vinh |
Giáp tết, nhiều bạn trẻ kéo về chụp ảnh tết ở làng hoa Phú Mậu (TP. Huế). Ngoài các vườn hoa cá nhân và vùng trồng tập trung, năm nay, tổ nghề hoa thôn Thanh Vinh đã có sự đầu tư và quảng bá trên kênh fanpage phục vụ khách mua hoa và “check-in”.
Vùng trồng hoa tập trung Thanh Vinh ra đời tầm 5-6 năm về trước, trên thửa đất trồng sắn ven sông được chuyển đổi. Nơi đây có gần 20 hộ tham gia trồng các loại cúc, thọ, thạch thảo… Năm nay, tổ nghề trồng hoa Thanh Vinh đầu tư cổng chào, treo cờ. Những tấm bảng màu sắc trang trí ghi rõ tên chủ vườn kèm số điện thoại bắt mắt, phía sau bảng dán mã code thanh toán chuyển khoản ngân hàng, đường vào được dọn dẹp khang quang, sạch sẽ cho thấy sự chú trọng về mặt hình thức.
Ngọc Thi, sinh viên ngành y cùng nhóm bạn rủ nhau chạy xe về chụp bộ ảnh lưu niệm tết kể: “Tụi em có điện thoại và máy ảnh nên không tốn chi phí nhiều. Làng hoa nhiều màu sắc sinh động, lối đi giữa các luống được dọn sạch, di chuyển rất thuận tiện. Ở đây không thu phí theo đầu người như các nơi khác. Các chú bác khéo léo đặt một chiếc tủ sắt có khóa cùng dòng chữ nhắc nhở để khách đến chụp ảnh tùy tâm đóng góp. Nhóm em có mấy bức chụp ảnh hoa ven sông nhìn thơ mộng lắm!".
Không chỉ chụp ảnh, nhiều người thích thú chọn cắt hoa theo sở thích và cho ra đời những bức ảnh tự nhiên như thu hoạch hoa ở vườn nhà. Giá mỗi cây hoa dao động từ 7-12 ngàn đồng, mọi người nên tha hồ lựa. Các chủ vườn cũng rất tâm lý, hướng dẫn, tư vấn vừa lòng khách chụp ảnh lẫn khách mua hoa.
Là năm đầu tiên phục vụ khách “check-in” gây quỹ để đầu tư nâng cấp đường vào nên vườn nào cũng đầu tư chăm bẵm để có “giao diện” đẹp. Từ ngày 20 âm lịch trở đi, các chủ vườn túc trực tại chỗ phục vụ khách trong, ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, vườn bán nhiều nhất đã xuất 4.000 chậu hoa.
Chủ vườn Dương Quốc Bảo năm nay trồng 2 sào hoa thạch thảo, cúc cam, cúc xanh nở đúng dịp tết. Om hoa suốt gần 4 tháng tết, trời lạnh nên vợ chồng ông phải thắp đèn liên tục để hoa phát triển. Nằm ở “mặt tiền”, ngày nào vườn ông cũng đón khách tấp nập. Theo ông Bảo, thạch thảo tím Huế rất được ưa chuộng vì cắm bền. “Có công ty mới về mua hơn một ngàn chậu thạch thảo trang trí tết. Nếu giá hoa như hiện tại thì vụ tết này mỗi hộ sẽ thu về 20-30 triệu đồng/sào. Anh em trong tổ nghề nghiệp cũng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong việc bán hoa và phục vụ khách chụp ảnh”, ông Bảo nói.
Không trồng hoa nhưng đặc thù đón khách, làng cổ Phước Tích (Phong Điền) cũng có một điểm hẹn được đầu tư bài bản phục vụ khách chụp ảnh tết. Một hộ dân bỏ ra 20 triệu đồng làm hoạt cảnh quán trà, ông đồ; nghề gốm; giấy thanh tiên; nhà may… “Công trình thi công trong 10 ngày mới hoàn tất. Không gian mang đậm màu hoài cổ và lần đầu tiên có sự “đầu tư” điểm check-in đẳng cấp ở làng nên nhiều người yêu thích. Cùng với xu hướng chụp ảnh tết thập niên 70, 80; tết xưa… nhiều đoàn khách già, trẻ đều tìm đến đây tham quan, chụp ảnh.
Chị Thu Huyền, một người hoạt động trong ngành du lịch dẫn bạn bè đến vui chơi, chụp ảnh chia sẻ: “Khách lớn tuổi thích không gian hoài cổ này vì họ được sống lại khoảnh khắc tuổi thơ trong veo, nhiều hoài niệm”. Một người khác thì cho rằng, nơi này đầu tư cảnh trí rất hợp lý và bắt kịp xu hướng đang rộ lên trên zalo, facebook nên sẽ “có được nguồn thu lớn” dịp tết này.
Có cả điểm cho thuê trang phục theo sở thích, giá vé vào cửa “check-in” điểm đến giá 80 ngàn đồng/người lớn; 40 ngàn đồng, trẻ em. Gần 1.000 lượt khách đã đến tham quan, trải nghiệm trong những ngày qua. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết: “Cơ sở này của người dân tự bỏ kinh phí đầu tư, phục vụ mở rộng điểm "check-in", trang trí năm sau đa dạng hơn năm trước. Ban quản lý phối hợp với người dân, hỗ trợ, hướng dẫn các dịch vụ phục vụ khách khi đến làng. Hoạt động sẽ kéo dài đến 30/1 âm lịch. Hiện, khách đến có nhiều phản hồi tích cực, họ đánh giá cao mô hình vì khai thác yếu tố văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung”.