Hoa hồng là khởi nguồn đam mê
Ấp ủ niềm đam mê từ nhỏ, năm 2014, chị Tuyết thành lập vườn hoa hồng. Chị chia sẻ: “Đó là mơ ước tôi theo đuổi nhiều năm ròng và rất khó thực hiện. Bởi thời điểm ấy, phong trào trồng hoa hồng tại Huế vẫn chưa thật sự phát triển. Muốn tìm nguồn hồng chất lượng để trồng đã khó, việc học hỏi kinh nghiệm để chăm bón còn khó hơn rất nhiều”.
Giữa muôn ngàn trở ngại, chị vẫn chọn theo đuổi đam mê. Được sự đồng lòng của anh Bảo Dân, người chồng cùng chung chí hướng, chị Tuyết bán rừng keo (là tài sản bao năm anh chị vun vén) để đầu tư. Thế nhưng, liên tiếp hai lứa hồng đều thất bại. Bỏ vốn hàng chục triệu đồng, cộng với bao công sức và mong mỏi, những gì còn sót lại trong tay anh chị là lơ thơ những cây hồng héo úa, rũ rượi.
Xót xa bởi bao công sức đổ sông đổ biển, nhưng giấc mơ về một vườn hồng vẫn hàng ngày gieo vào chị Tuyết những hạt mầm niềm tin. Đôi vợ chồng vùng đất Phú Lộc dìu dắt nhau qua những ngày khó khăn, mỉm cười chấp nhận thách thức. Anh Dân cho biết: “Đến đợt 3 và đợt 4, chúng tôi học hỏi không ngơi nghỉ để nâng cao tay nghề. Tin rằng mình kiên trì với đam mê thì thành công sẽ đến”. Lặn lội ra Thái Nguyên, Hưng Yên để vừa trải nghiệm, vừa học hỏi. Chị Tuyết và anh Dân trở thành những con người mới, những “thợ” trồng hồng thứ thiệt, vững kỹ thuật, thành thạo ươm, chiết cành.
Chị Tuyết (bên phải) liên kết với các hộ trồng rau sạch
Vườn hồng của đôi vợ chồng 7X ngày càng phát triển. Đến nay, diện tích vườn đạt 2.000m2. Mùa cao điểm, vườn có từ 15 - 20 giống hồng, quy mô hàng trăm gốc. Không chỉ cung ứng giống, bán hoa cho người mê hồng, chị Tuyết và anh Dân quyết định mở rộng ước mơ. Biến vườn hồng nhà trồng thành homestay gắn kết và hỗ trợ cộng đồng. Chị Tuyết chia sẻ: “Phú Lộc có rất nhiều sản vật đặc trưng. Hơn nữa với địa thế gần Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách vừa có thể thuận lợi thăm thú, trải nghiệm núi non hùng vĩ, vừa thưởng thức và tìm hiểu về văn hóa, món ăn và con người nơi đây”.
Anh chị đã tìm kiếm các nguồn cung ứng tinh dầu tràm, sả chất lượng. Đây đều là sản phẩm đặc trưng của Phú Lộc. Ngoài ra, chị Tuyết đã tìm hiểu, giao kèo và kết hợp với các hộ dân trồng rau sạch (vốn có rất nhiều) tại địa phương. Chỉ cần chờ homestay hoàn thiện là có thể lập tức vận hành. Với ý tưởng này, không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân, mô hình sẽ tạo công ăn việc làm cho những người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã. Về lâu dài, còn kết nối các điểm du lịch trên địa bàn để xây dựng tour homestay, tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống cũng như hạn chế sự tác động của con người đến tài nguyên rừng.
Năm 2020, chuỗi du lịch homestay Mê Ly tham quan nhà vườn rau sạch và các loại hoa, lồng ghép bảo tồn thiên nhiên đã lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Từ niềm đam mê hoa hồng, đôi vợ chồng vùng Phú Lộc đã nảy ra ý tưởng homestay kết nối cộng đồng. Không chỉ gìn giữ những sản vật, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Mô hình sẽ tận dụng lợi thế sẵn có, quảng bá và mang hình ảnh thiên nhiên gần gũi, chan hòa của núi rừng Bạch Mã đến với du khách.
Bài, ảnh: Mai Huế