Đơn vị quản lý sẽ không phải dùng đến ổ khóa để “giữ” thùng rác này nếu mọi người đều có ý thức, trách nhiệm
Mấy lần có đoạn đường bị bỏ sót, nhiều người thắc mắc thì nhận được câu trả lời gọn lỏn của chị: “Chưa có nhà ở, chưa đóng tiền vệ sinh môi trường nên không phải quét”. Thế là ai xả mặc ai, rác cứ thế vất vưởng. Lâu lâu có đội quân đi tổng vệ sinh mới được quét dọn một lần, nhưng dăm ba hôm lại như cũ. Sức vóc chị có hạn, không kham nổi kiểu xả rác bừa bãi, vô ý thức và thói ỷ lại của một số người nên cảnh quan môi trường của cả xóm cũng bị ảnh hưởng lây. Ngược lại, vì thường phải ráng nghe chị phàn nàn, trút giận vô duyên vô cớ nên ít ai thiện cảm với chị.
Bẵng một thời gian không thấy chị mà thay bằng một anh trạc ngoài 40 tuổi. Hỏi thăm mới biết chị bị gai cột sống, tạm nghỉ, nên anh thay chị phụ trách thu gom khu vực này. Người cảm thông, kẻ thở phào nhẹ nhõm, nhưng chung quy, môi trường trong xóm chẳng được cải thiện mà thậm chí có lúc vì kiểu xả rác của một số người vô ý thức càng làm bà con chòm xóm, người qua đường “chướng tai gai mắt”.
Đem chuyện xóm mình sang “trạo miệng” xóm bạn cách chừng 2km, được nghe mọi người tấm tắc khen anh lao công “phụ trách” địa bàn siêng năng, chịu khó, quét đến đâu sạch rác đến đó, lại chẳng một tiếng than, anh còn biết cười, biết nói câu dễ nghe. Thương anh chịu khó nên nhà nào có giấy vụn, vỏ lon bia, chai nhựa... đều phân loại để riêng đem cho anh.
Tự dưng nghĩ đến chị, tôi có cảm giác vừa chột dạ, vừa tiếc. Giá như chị khéo léo, chịu khó để tạo thiện cảm với mọi người thì tấm lòng và “của mọn” bà con dành cho chị sẽ không thua kém đồng nghiệp. Và còn lợi cả đôi đường nếu hàng xóm mình ý thức một tý, biết tự trọng, có trách nhiệm thì gánh nặng lên vai những người lao công như chị, lên môi trường sẽ giảm bớt.
Chuyện chính quyền một thành phố lớn mới đây đưa ra giải pháp chống ngập không phải bằng công nghệ máy móc mà bằng cách vận động người dân không quét rác thải xuống các miệng cống, hố ga thoát nước tưởng đơn giản nhưng xem ra sẽ rất hiệu quả và kinh tế. Thử hình dung, chỉ cần gom gọn, tránh để rác, đất đá, túi ni lông đổ xuống các tấm đan hố ga, miệng cống thì công nhân môi trường không phải bỏ sức đi nạo vét, khơi thông cống thoát và nước thải, nước mưa cũng được thoát nhanh, thoát gọn mỗi ngày, sau mỗi trận mưa... Lúc đó, chắc chắn tình trạng ngập úng cục bộ do triều cường hay mưa lớn ở địa phương này sẽ giảm rất nhiều. Vì thế, dù chỉ cần có ý thức, một hành động nhỏ thiết thực không chỉ riêng việc xả thải mà cả trong sinh hoạt hằng ngày như tham gia giao thông, sử dụng điện, nước… nhưng có thể làm lợi không chỉ cho kinh tế, xã hội, môi trường mà còn là tiền đề xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN