ClockThứ Sáu, 23/02/2018 09:05

Yêu thương kỳ diệu

TTH - Bé Thảo Hiền, đứa trẻ sơ sinh nặng 1,8kg, còn nguyên dây rốn bị vứt bỏ tại xã Hồng Kim (huyện A Lưới) đã được cứu sống và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ ngọt lành, tình yêu thương của những trái tim nhân hậu. Bé được chở che, lớn lên từ ngôi nhà bình yên, ấm áp…

Chị Hải chăm sóc bé Thảo Hiền trong những ngày bé điều trị tại bệnh viện

Cách đây hơn một tháng, vào lúc núi rừng A Lưới lạnh buốt trong sáng sớm mờ sương, một bé gái sơ sinh còn nguyên dây rốn được quấn chặt trong tấm zèng, bị vứt dưới hầm vệ sinh của một nhà dân được phát hiện khi người trong nhà nghe tiếng khóc yếu ớt “như mèo kêu” vẳng ra. Nghe tiếng hô hoán hốt hoảng của hàng xóm, chị Lê Thị Hải (cấp dưỡng tại Trường mầm non Sơn Ca, xã Hồng Kim) vội vã chạy đến. Tiếng khóc yếu đến… mơ hồ. Nhưng linh cảm của một người mẹ 3 lần sinh nở đã thôi thúc chị Hải vượt lên cảm giác ghê ghê, cúi xuống quờ tìm. Vớt lên “cái bọc” ngấm chất thải bẩn, chị Hải run run mở ra. Trái tim chị thắt lại khi trong lớp zèng là một bé gái sơ sinh còn nguyên dây rốn. Nhìn sinh linh bé bỏng, một tình thương trào dâng đến nghẹn ngào khiến chị Hải ôm chặt bé vào lòng, bất chấp mùi hôi thối. Người phụ nữ đã mất chồng, tảo tần nuôi 3 đứa con khôn lớn (con đầu của chị đã đi làm, con thứ hai đang là sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, cháu thứ ba 15 tuổi) ấy thầm nhủ “từ giây phút này con sẽ là con của mẹ, là em út của các anh chị, cực khổ gì mẹ cũng chăm sóc, yêu thương, cho con một mái nhà”…

Và người phụ nữ Pa Cô nhân hậu ấy không hề đơn độc trong hành trình yêu thương. Ngay sau đó, các cô, các chị ở Trạm Y tế xã Hồng Kim, các cô giáo ở Trường mầm non Sơn Ca (nơi chị Hải công tác), Trường mầm non Đông Sơn, Bắc Sơn, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới…gom góp, lo áo ấm, sữa sơ sinh cho bé. Bệnh viện huyện A Lưới dành riêng cho bé phòng cách ly đặc biệt, có máy sưởi ấm để chăm sóc sức khỏe, điều trị vết nhiễm trùng ở rốn. Sáu ngày đêm cháu bé điều trị ở bệnh viện, đồng nghiệp sẵn sàng làm thêm phần việc để chị Hải bên con. Nhiều cô giáo thay nhau đổi phiên để hàng ngày “mẹ Hải” có thời gian “thở” một chút. Ngoài giờ làm việc, cô Nguyễn Thị Tứ, công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới là người túc trực thường xuyên, cũng là một “nhịp cầu” để nhiều đồng nghiệp, bạn bè gửi gắm sẻ chia về vật chất và tinh thần. Cô Tứ kể: “Bạn bè nhờ tôi chuyển hộ, người 50 nghìn đồng, người 100 nghìn đồng, áo, chăn, bỉm, sữa…và những tình cảm ấm áp. Thông qua Hội sữa mẹ ở TP. Huế, các bà mẹ đang nuôi con nhỏ chia sẻ dòng sữa ngọt lành trong bầu ngực cho bé, đồng thời tư vấn tỉ mỉ để bà mẹ Pa Cô thành thạo cách sử dụng dụng cụ, cách bảo quản, hâm sữa, cho bé bú sữa. Các mẹ bảo quản, chuyển lên A Lưới nhiều đợt, đảm bảo con được uống sữa mẹ, để lớn lên khỏe mạnh, cứng cáp…Khoảng cách địa lý có xa xôi, nhưng yêu thương thật gần”.

Yêu thương thật gần! Đó là khi biết tôi sẽ lên A Lưới, đến bệnh viện thăm em, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế, rất nhiều đồng nghiệp ở báo và bạn bè gần xa gửi gắm yêu thương theo cùng. 200, 300, 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng là những con số, nhưng yêu thương là không bờ bến. Để buổi sáng cuối tuần rét mướt ấy, tôi cùng những người bạn mang theo tấm lòng ấm áp của các anh chị, các bạn phóng viên, công an, bác sĩ, các bà mẹ ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Bình… vượt chặng đường 70 km từ TP. Huế lên huyện miền núi A Lưới, nơi có người mẹ Pa Cô gương mặt sạm nắng đã không ngại ngần mùi hôi thối, sự dơ dáy để ôm chặt đứa trẻ bất hạnh bằng lòng trắc ẩn. Yêu thương nối dài sẽ cho em ngôi nhà mang tên bình yên, ấm áp. 

“Hôm nay là ngày đầy tháng của con. Con mạnh khỏe, bây giờ đã hơn 2,5 kg rồi. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ và hoàn thành thủ tục nhận con nên tôi đang được tạo điều kiện nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Ôm con trong vòng tay, cảm nhận con lớn lên từng ngày, tôi mừng và xúc động lắm. Bởi không chỉ một mình tôi mà rất nhiều người khác đã yêu thương con bằng tấm lòng cha, mẹ. Mong muốn con sau này sống thật tốt, trở thành người có ích để đền đáp những tấm lòng nhân hậu, mình đặt tên con Thảo Hiền” - chị Hải cười hạnh phúc.

Bây giờ là tháng Hai. Những cánh hoa mùa xuân bừng thắm. Và những tấm lòng yêu thương, nhân hậu chính là đóa hoa xuân đẹp đẽ của cuộc đời.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh
Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều

Bạn vừa chuyển cho em tấm ảnh đang lội bì bõm trên đường phố lớn, luôn có một câu hài hước như tính bạn thuở nào “Gửi gấp một chiếc thuyền giấy”, kèm theo icon cái miệng cười toe, hở mấy cái răng sún.

Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều
Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương

Ngoài các tổ chức, đội nhóm, có những cá nhân hướng về đồng bào bị thiên tai phía Bắc với nhiều hành động ý nghĩa như mời ăn, hỗ trợ chỗ ngủ miễn phí, uống cà phê chuyển khoản về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương
Return to top