Thế giới

Đông Á dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử toàn cầu

ClockChủ Nhật, 02/05/2021 06:45
TTH - Thương mại Đông Á được dự báo sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn vì quy mô phục hồi kinh tế của khu vực này lớn hơn và nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Năm 2019, châu Á đã là mạng lưới thương mại khu vực tích hợp lớn thứ 2 sau Liên minh châu Âu, với thương mại khu vực chiếm 58% tổng thương mại toàn cầu. Với sự chuyển đổi nhanh chóng sang các nền tảng kỹ thuật số, hệ thống thương mại của Đông Á có khả năng trở nên bao trùm và bền vững hơn.

EU cảnh báo căng thẳng thương mại gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầuĐông Nam Á: Thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ đạt 53 tỷ USD vào năm 2023

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở châu Á. Ảnh minh họa: VOV

Vị trí dẫn đầu

Theo Diễn đàn Đông Á, khu vực này đang dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử toàn cầu. Các nền tảng từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, công nghệ quảng cáo, vận tải, dịch vụ điện tử và truyền thông kỹ thuật số, đã tạo ra doanh thu 3.800 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2019, trong đó 1.800 tỷ USD thuộc về châu Á. Tính riêng lĩnh vực thương mại điện tử đã chiếm 1.900 tỷ USD doanh thu toàn cầu và 1.100 tỷ USD trong khu vực. Số liệu cũng cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến đã chiếm 12% tổng doanh số bán lẻ ở châu Á, cao hơn so với mức 8% ở châu Âu và Bắc Mỹ. Dự kiến, nền kinh tế kỹ thuật số ​​sẽ tạo thêm 1.000 tỷ USD vào GDP của châu Á trong 10 năm tới.

Phong trào thương mại điện tử đang phát triển bao gồm các giao dịch xuyên biên giới. Thương mại điện tử theo mô hình B2C xuyên biên giới đã tạo ra doanh thu ước tính 404 tỷ USD trong năm 2018, tăng 7% so với năm trước đó. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, các giao dịch xuyên biên giới đang chiếm 10% doanh số thương mại điện tử ở Trung Quốc. Thậm chí còn số này còn tăng cao hơn trong đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Đáng chú ý, dù thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở châu Á nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Mức độ thâm nhập của người mua sắm điện tử (tức tỷ lệ người dân mua hàng trực tuyến) ở châu Á hiện đang dưới 50%, thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Sự phân chia kỹ thuật số vẫn còn cản trở sự phát triển của lĩnh vực này, khi chỉ 56% khu vực có truy cập internet. Tuy nhiên, châu Á đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2010, trong đó đáng chú ý là Thái Lan (tăng 44 điểm phần trăm), Brunei (tăng 42 điểm phần trăm), Campuchia (tăng 39 điểm phần trăm) và Việt Nam (tăng 38 điểm phần trăm). Các nước ASEAN đang có thêm 125.000 người dùng mới mỗi ngày, và khoảng 94% khu vực được phủ sóng bởi mạng 4G.

Theo các nhà kinh tế, những người tiêu dùng kỹ thuật số này đại diện cho một thị trường mới. Uớc tính, 40% chi tiêu thông qua internet ở Trung Quốc và 30% ở Indonesia thể hiện mức tiêu dùng mới, thay thế cho việc mua hàng trực tiếp. Nắm bắt cơ hội này, các nền tảng thương mại điện tử đang tích cực khai thác các nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng, thu hút sự chú ý của khách hàng với các chương trình giảm giá, đưa thêm nhiều lựa chọn và giảm chi phí giao dịch…

Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Các nền tảng kỹ thuật số đang góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đồng thời cũng giúp mở ra cơ hội cho những người ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn. Đây là nơi phần lớn người Đông Á vẫn sinh sống, do vậy tăng trưởng kỹ thuật số đang chuyển thành tăng trưởng toàn diện.

Các nền tảng thương mại điện tử cũng đang góp phần kết nối người tiêu dùng trẻ sống ở vùng ven đô với các thương hiệu quốc tế. Tmall, một trong những nền tảng thuộc hệ thống thương mại điện tử khổng lồ Alibaba (Trung Quốc), với nhiều ưu đãi đã thu hút sự tham gia của khoảng 29.000 thương hiệu trong năm 2020. Trong tổng số người dùng của Tmall, 45% đến từ các thành phố nhỏ của Trung Quốc. Rõ ràng, các nền tảng kỹ thuật số đang kết nối người tiêu dùng bên ngoài các đô thị lớn với một khu vực rộng lớn hơn và cung cấp cho người tiêu dùng trẻ - những người mà sở thích của họ sẽ chiếm ưu thế trong nhiều năm tới, nhiều lựa chọn hơn từ khắp khu vực.

Một tính năng giúp việc mua hàng xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng chính là sự hiện diện của các loại ví kỹ thuật số, có thể được sử dụng để mua bất kỳ sản phẩm nào trên nền tảng. Khi các phương thức thanh toán được tích hợp, các thị trường theo đó cũng có thể trở nên tích hợp hơn.

Các nền kinh tế tích hợp kỹ thuật số ghi nhận xu hướng gia tăng số lượng MSME năng động hơn. Các nền tảng kỹ thuật số phục vụ MSME theo những cách khác nhau. Thứ nhất, chúng giúp giảm chi phí tài chính. Thứ hai, các công ty thương mại điện tử và fintech (công nghệ tài chính) đang sử dụng giao dịch thời gian thực và dữ liệu truyền thông xã hội để cải thiện đánh giá rủi ro và cung cấp các khoản vay cho MSME. Thứ ba, các nền tảng kỹ thuật số cung cấp cho các MSME một loạt các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin thị trường, giúp tăng năng suất và doanh thu xuất khẩu.

Theo nhiều nhà quan sát, tăng trưởng ở Đông Á, được hỗ trợ bởi các nền tảng kỹ thuật số, sẽ trở nên mạnh mẽ và bao trùm nếu khu vực này đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực một cách hợp lý. Các chính phủ cũng cần phối hợp về cơ chế giám sát và quản lý để đảm bảo các nền tảng mới có thể dễ dàng truy cập được và không bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp. ASEAN đã thành lập một liên minh thanh toán điện tử để hỗ trợ sự phát triển của khuôn khổ thanh toán kỹ thuật số trong khu vực. Tuy vậy, vẫn cần nhiều hành động hơn nữa thông qua các thỏa thuận, hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu và tăng cường an ninh mạng.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ EAF & Ecommerce)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với thành phố Lâm Nghi, Sơn Đông và tỉnh Nara

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “Chính quyền địa phương và khu vực Đông Á” lần thứ 12 tại thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chiều 26/10, đoàn công tác của UBND tỉnh do UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn đã tiếp và làm việc với đại diện lãnh đạo TP. Lâm Nghi, Sơn Đông và tỉnh Nara, Nhật Bản.

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với thành phố Lâm Nghi, Sơn Đông và tỉnh Nara
Chủ nghĩa đa phương: Vẫn là chìa khóa cho một Đông Á thịnh vượng

Gần đây, sự hoành hành của biến thể Omicron đã và đang gây ra sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực Đông Á. Điều này khiến viễn cảnh các nước rời xa đại dịch ngày một mờ mịt hơn. Tăng trưởng kinh tế chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến việc duy trì chất lượng sống của người dân trở nên khó khăn hơn.

Chủ nghĩa đa phương Vẫn là chìa khóa cho một Đông Á thịnh vượng
CÁC CÔNG TY FINTECH THANH TOÁN
Đang thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại điện tử

Đã từng ít được biết đến trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra; nhưng giờ đây, các công ty khởi nghiệp trong ngành thanh toán kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ đang trở nên rất đáng giá, khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khiến mọi người ngày càng hướng tới thương mại điện tử.

Đang thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại điện tử
Return to top