ClockThứ Sáu, 31/12/2021 05:18

Dự án vượt bão COVID-19

TTH - Những khó khăn và hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không làm chùn chân các nhà đầu tư. Các dự án (DA) đầu tư vẫn “miệt mài chạy”, góp phần mang lại sinh khí mới trong giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tạo nên những bước thăng hạng trong đầu tư.

Đồng hành cùng doanh nghiệpHỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ tư, phải qua) thăm nhà máy xay xát lúa của Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh

Năng động để cán đích

Đang trong giai đoạn nước rút để kịp thời bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2021, chủ đầu tư DA chung cư Aranya, Công ty CP Aranya Việt Nam gặp không ít khó khăn do đội ngũ nhân sự chủ yếu là người Hà Nội; thiết bị nội, ngoại thất cơ bản cũng được đặt hàng từ đối tác ngoại tỉnh nên trong thời gian dịch bùng phát, công tác vận chuyển hàng hóa cũng như điều hành cực kỳ khó khăn. Thay vì điều động nhân sự di chuyển liên tục, Công ty CP Aranya Việt Nam phải điều phối đội ngũ nhân sự “trực chiến” bám DA phối hợp với lực lượng nhân sự tại chỗ đẩy nhanh tiến độ DA.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aranya Việt Nam, dịch khiến công tác chỉ đạo trực tiếp tại DA gặp khó khăn do hạn chế đi lại. Có thời gian, lãnh đạo công ty gần như “bó gối” không thể rời Hà Nội bay vào Huế chỉ đạo thực hiện DA cho tới khi các chỉ thị được gỡ bỏ. Thời gian này, ban quản lý DA chỉ làm việc online, nhưng kết quả quá trình thực hiện DA, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vẫn được đội ngũ nhân sự bám trụ tại Huế báo cáo hàng ngày. Nhờ đó, tiến độ DA đang triển khai và các DA đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư vẫn được đảm bảo.

Trong tháng 11, đơn vị tiến hành bàn giao nhà giai đoạn 2 cho khách hàng. Các DA mà đơn vị nghiên cứu đầu tư cũng được tăng tốc. “Dịch bệnh là yếu tố bất khả kháng. Nhưng nếu vì dịch mà chần chừ trong thực hiện DA thì thực sự có lỗi với khách hàng đã đặt niềm tin vào doanh nghiệp cũng như kỳ vọng của tỉnh khi chấp thuận đầu tư DA”, ông Dũng chia sẻ.

Không riêng gì các DA của các nhà đầu tư ngoại tỉnh, các DA có vốn đầu tư nước ngoài cũng khó khăn gấp bội. Ngoài khó khăn về đội ngũ nhân sự, các DA này còn phụ thuộc nhiều vào thiết bị, công nghệ của nước ngoài. Câu chuyện hoàn thành đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao của Tập đoàn Việt Phương được xem là kỳ tích.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Hue Premium Silica thuộc Tập đoàn Việt Phương không ít lần chia sẻ về khó khăn khi dây chuyền DA này phải nhập khẩu và phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia nước ngoài không thể trực tiếp thực hiện công tác lắp ráp hệ thống dây chuyền tại nhà máy do ảnh hưởng của dịch.

Trước khó khăn đó, đội ngũ kỹ sư của công ty phải chủ động hoàn thiện lắp ráp toàn bộ dây chuyền dưới sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia ở nước ngoài và kịp thời đưa vào vận hành trong tháng 8. Ngoài ra, công ty phải thực hiện sản xuất theo quy trình “3 tại chỗ” vừa an toàn chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Tăng trưởng cao

Khó khăn là vậy song tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm vẫn đạt 20.975 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 2.785 tỷ đồng, tăng 24,6%; vốn đầu tư nước ngoài 1.550 tỷ đồng, tăng gấp 1,52 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào các DA gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách như DA xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), ... Một số DA thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các DA đầu tư trong khu công nghiệp cũng đảm bảo thực hiện đúng tiến độ; trong đó, DA Nhà máy Sợi 3 của Công ty CP Sợi Phú Bài có quy mô 30.240 cọc sợi với tổng mức đầu tư là 511 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vượt khó, các DA đầu tư cũng đẩy nhanh tiến độ đã đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế địa phương, nhất là khu vực FDI. Trong năm, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ khu vực này tăng 13% so với cùng kỳ với khoảng 2.800 tỷ đồng, đạt 145% dự toán. Sở dĩ, khoản thu này tăng chủ yếu do Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam có sản lượng năm 2021 tăng 7%, số nộp tăng 8%. Một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp tăng so với cùng kỳ, như: Công ty Scavi Huế tăng 286%, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế tăng 44%... cũng tạo nên tăng trưởng cao cho khu vực này.

Ngoài ra, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng tăng 12% với mức thu dự ước là 1.350 tỷ đồng, đạt 147% dự toán.

Đồng hành

Không riêng tình hình đầu tư, thu hút đầu tư trong năm cũng được xem là điểm sáng. Khi trong năm có 30 DA được cấp phép đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 9 DA với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 14.125 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ và tham dự đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao Quyết định đầu tư trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu đô la Mỹ cho Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam. DA này kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ và điều kiện sống cho người dân, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mở ra cơ hội mới trong thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung.

Nhiều nhà đầu tư lớn cũng tham gia nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại như: Công ty CP Hàng hải Vsico, Công ty CP Vicofrit, Tập đoàn FLC…

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, trong triển khai thực hiện DA, tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm, tuyển dụng lao động, làm đầu mối liên kết với các địa phương và các cơ sở đào tạo, đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, thực hiện các biện pháp tuyển dụng lao động để hỗ trợ, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng kết nối thường xuyên để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có phương án xử lý kịp thời, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tạo dấu ấn trong thu hút đầu tư, tỉnh cũng chia sẻ công khai các DA kêu gọi đầu tư sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư để nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia nghiên cứu DA; sau đó, tiến hành quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng tốt nhất các điều kiện, tiêu chí năng lực, kinh nghiệm, tài chính phù hợp với DA. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư minh bạch, ban hành các quy định rõ ràng trong hoạt động đầu tư để hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) cũng được nâng cao, tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Bài: Hoàng Anh - Ảnh: Ngọc Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Return to top