ClockThứ Hai, 04/03/2024 11:18

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

TTH - Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o, các dì hàng bánh canh cá lóc. Họ cán dẹt bột bằng một tấm trụ tròn, sau đó dùng dao xắt trực tiếp vào nồi nước dùng đang nghi ngút khói, từng sợi bánh canh bay như thoi đưa, rất khéo léo và chính xác. Bột chín rồi thì được vớt ra tô, rưới nước dùng lên và cho thêm trứng cút, cá lóc và hành lá. Nồi thịt cá lóc đã được ráy sẵn đỏ au là điểm nhấn bắt mắt của hàng bánh canh.

Bánh canh chả cua, bún chả cáĐổi vị với bánh canh cá ngânĐộc - lạ bánh canh từ bột chuối

 Bắt mắt với tô bánh canh cá lóc

Trên từng chiếc bàn trong quán luôn dọn sẵn một đĩa trứng cút tầm mươi cái, một đĩa nem, chả hoặc tré Huế, để trong khi chờ đợi, thực khách có thể nhâm nhi chút gì đó cho đỡ buồn miệng. Lột trứng cút hay chả bỏ vào tô cho người đi cùng cũng là một cách thể hiện sự quan tâm đầy ý nhị. Bánh canh cá lóc dùng kèm với chả cũng rất hay, khi cái vị hơi ngậy của chả kết hợp hài hòa với vị thanh nhẹ của nước dùng; còn nem, tré thì ăn ngoài chơi chơi thôi.

Bánh canh cá lóc được làm từ đa dạng các loại bột: bột mì, bột gạo, bột lọc, bột lộn (kết hợp hai hay ba loại bột kể trên)…, mỗi thứ có vị ngon và nét đặc sắc riêng. Sợi bột mì dẻo, săn, hơi ngả vàng; bột gạo trắng trong, nhẹ nhàng, mảnh mai; bột lọc trong như gương, ăn vào dai dai rất thích miệng; bột lộn là một sự “bùng nổ vị giác” khi kết hợp tất cả. Khi tới quán, bạn muốn ăn bánh canh bột gì thì nhớ nhắc trước với các o, các dì, nếu không họ sẽ tự hiểu và múc cho bạn một tô bánh canh bột gạo, bởi bột gạo là loại bột thông dụng và dễ ăn nhất.

Ngoài cá lóc, một số hàng còn sáng tạo thêm món bánh canh cá rô, bánh canh giò heo, bởi nó được dùng ngay, bột sau khi “trụng” (luộc nhanh) qua được múc ngay ra bát ăn cho nóng và giữ được cái vị dai dai, sật sật của sợi bánh. Nếu bánh canh thường, bánh canh Nam Phổ phù hợp với người già, trẻ em thì bánh canh cá lóc được lòng giới trẻ và giới trung niên hơn.

Nếu thích đậm đà, bạn có thể nêm thêm chút ớt xay, nước mắm, muối tiêu…, nhưng tôi thấy một tô bánh canh nguyên bản cũng đủ thấm tháp lắm rồi. Bánh canh cá lóc giải cảm không kém cạnh phở, chỉ là dặn o bán hàng “trụng” bột lâu một chút cho dễ tiêu và thêm thật nhiều hành lá. Hành và sức nóng của nước sẽ giúp bạn đổ mồ hôi và hạ nhiệt cơ thể nhanh chóng.

Món ăn này ở Huế đâu đâu cũng có nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh cá lóc Thủy Dương (Hương Thủy). Cách thành phố Huế chỉ tầm 3km, nơi đây có cả một dãy quán bánh canh cá lóc tạo nên một “khu phố” ẩm thực chuyên biệt và độc đáo. Vào dịp lễ, tết, những hàng bánh canh cá lóc Thủy Dương càng tấp nập người ra kẻ vào hơn.

Bài, ảnh: Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Độc - lạ bánh canh từ bột chuối

Đằng sau sợi bánh canh được làm bằng chất liệu "độc - lạ - ngon" còn là ý tưởng vì cộng đồng mà người làm ra hướng đến.

Độc - lạ bánh canh từ bột chuối
Bánh canh chả cua, bún chả cá

Huế có bánh canh cá lóc, bánh canh Nam Phổ, bánh canh giò heo... nhưng phổ biến nhất vẫn là bánh canh chả cua.

Bánh canh chả cua, bún chả cá
Lạ miệng với cá lóc giả cầy

Sau mùa gặt, bao giờ lũ con nít tụi tôi vẫn đi ra ruộng đào hang bắt cá. Loại cá lóc (tràu), cá trê làm hang rất giỏi. Sắp vào mùa hạn, ruộng bắt đầu khô, cứ vén cỏ ven đường ruộng mà tìm kiểu chi cũng bắt được cá.

Lạ miệng với cá lóc giả cầy
Bánh canh mệ Ruồi

“Đau nặng thì đi nhà thương. Đau lương ương tới mệ Ruồi”…

Bánh canh mệ Ruồi

TIN MỚI

Return to top